Ngư dân kêu cứu: Bị Indonesia bắt tàu ở vùng biển truyền thống Việt Nam

22/11/2017 09:00 GMT+7

Các chủ tàu, thuyền trưởng cho rằng khi đang đánh bắt hải sản trong vùng biển Việt Nam thì bị tàu hải quân Indonesia bắt giữ.

Báo Thanh Niên vừa nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Bùi Văn Vân (61 tuổi, ngụ P.5, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, đến nay thuyền trưởng của 2 tàu cá BV 9027-TS và BV 9118-TS (do ông Vân làm chủ), trong khi đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Việt Nam, bị phía cơ quan chức năng Indonesia bắt vẫn chưa được thả về.
Vùng biển thường xuyên đánh bắt hàng chục năm qua
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 15.11, ông Vân trình bày, khoảng 9 giờ ngày 19.4, anh Phạm Văn Sơn (49 tuổi, ngụ Tiền Giang; thuyền trưởng tàu cá BV 9027-TS) gọi điện về báo, tàu cá BV 9118-TS do anh Đoàn Phi Hồng (49 tuổi, ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) làm thuyền trưởng đang bị phía Indonesia bắt giữ. “Anh Sơn kể, khi phát hiện vụ bắt giữ tàu BV 9118-TS, liền yêu cầu các thuyền viên kéo lưới lên rồi bỏ chạy nhưng bị những người trên tàu Indonesia dùng súng bắn nên buộc phải dừng lại. Sau khi liên lạc với tôi xong thì hai tàu này hoàn toàn mất tín hiệu”, ông Vân cho hay.

tin liên quan

4 ngư dân bị hải quân Indonesia bắn trọng thương
Tàu cá có 6 thuyền viên đang khai thác hải sản tại vùng biển cách Côn Đảo khoảng 132 hải lý về hướng đông nam (thuộc vùng biển Việt Nam) thì bất ngờ bị lực lượng hải quân Indonesia bắn làm 4 người trọng thương.
Người chủ tàu này nói tiếp: “Khi anh Sơn gọi điện thoại về, nói cả 2 tàu cùng 14 thuyền viên đang đánh bắt hải sản ở vùng biển VN. Đây là vùng biển mà các tàu của tôi thường xuyên đánh bắt hải sản từ hàng chục năm qua”. Cũng theo ông Vân, tối 21.4, anh Sơn gọi điện thoại về thông báo đang bị phía Indonesia bắt nhốt cùng nhiều tàu cá VN ở đảo Natuna. Mới đây, cơ quan chức năng Indonesia đã thả hàng trăm ngư dân Việt Nam, trong đó có 12 thuyền viên làm trên 2 tàu cá của ông Vân, còn 2 thuyền trưởng cùng với tàu cá vẫn chưa được thả.
Trong khi đó, ông Bạch Trai (ngụ xã Phước Tỉnh, H.Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu) cho hay, ngày 19.4, tàu BV 4069-TS (của ông Trai) cùng 4 tàu cá khác của xã Phước Tỉnh và TP.Vũng Tàu cũng bị tàu tuần tra của Indonesia bắt giữ, đưa về đảo Natuna khi các tàu cá này đang đánh bắt hải sản tại tọa độ 07012’00” vĩ độ bắc - 108037’800” kinh độ đông. Theo các chủ tàu cá, tọa độ trên nằm trong vùng biển Việt Nam và là ngư trường truyền thống của ngư dân Phước Tỉnh từ lâu nay.
“Sau khi các tàu cá bị bắt, báo chí của Indonesia đăng thông tin nên chúng tôi mới biết tọa độ này. Đây là tọa độ mà cơ quan chức năng xác định thuộc vùng biển Việt Nam”, ông Trai cho hay. Để minh chứng, ông Trai cùng nhiều chủ tàu cá còn cung cấp cho chúng tôi tờ rơi hướng dẫn ngư dân đánh bắt xa bờ của Hội Nghề cá Việt Nam thì tọa độ mà phía Indonesia lập biên bản bắt giữ 5 tàu cá nằm trong vùng lãnh hải Việt Nam.
Ông Phạm Minh Tường (quê Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu cá BV 4085-TS, kể: “Sáng 19.4, tàu tôi cùng tàu BV 4069-TS do anh Tèo làm thuyền trưởng đang đánh bắt hải sản, có một tàu lạ xuất hiện. Anh Tèo gọi bộ đàm nói tôi cắt dây lưới chạy nhanh vì tàu Indonesia đang bắt giữ các tàu cá xung quanh. Thế nhưng hơn 30 phút sau, tàu anh Tèo bị tàu Indonesia bắt giữ. Sau đó, họ quay sang truy đuổi tàu tôi. Trong lúc truy đuổi, tàu Indonesia phát hiện tàu BV 9027-TS và BV 9118-TS đang đánh bắt hải sản liền quay sang bắt giữ hai tàu này”.
Cũng theo ông Tường, khi tàu ông chạy nhanh tới một giàn khoan của Việt Nam lúc này mới biết đã thoát nạn.
Cần xác định ranh giới cho ngư dân yên tâm
Bà Nguyễn Thị Thanh (ngụ Phước Tỉnh) có tàu cá bị Indonesia bắt từ tháng 2.2017 bức xúc: “Chúng tôi đánh bắt hải sản theo tọa độ mà Hội Nghề cá Việt Nam cung cấp để tránh qua vùng lãnh hải Indonesia mà vẫn bị bắt giữ. Bây giờ ra biển đánh bắt hải sản cứ lo sợ bị bắt thì sao ngư dân ra khơi được”.
Trao đổi với Thanh Niên ngày 21.11, lãnh đạo Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết trên mỗi tàu cá của ngư dân đều có máy định vị nhưng loại máy này hiện chỉ định vị được nơi đang đánh bắt hải sản chứ không truyền vào bờ được. Để chứng minh việc bị nước bạn bắt sai thì ngư dân, chủ tàu có máy định vị này làm cơ sở. Tuy nhiên, thực tế thì khi bắt giữ phương tiện được cho là đánh bắt hải sản trong lãnh hải của họ thì các phương tiện này đều bị thu giữ.
Chiều 20.11, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã trả lời Báo Thanh Niên liên quan đến đơn thư của ông Bùi Văn Vân, chủ tàu cá số hiệu BV 9027-TS và BV 9118-TS do Báo Thanh Niên chuyển.
Theo đó, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã đề nghị các cơ quan chức năng xác minh, tìm hiểu vụ việc. Hiện nay, Cục Lãnh sự đã nhận được thông tin ban đầu từ Sở Ngoại vụ Bà Rịa-Vũng Tàu cung cấp dựa trên cơ sở lời khai của ngư dân và đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để xác minh các thông tin liên quan khác.
Cục Lãnh sự cũng đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia tiếp tục theo dõi sát vụ việc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Indonesia, các luật sư biện hộ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngư dân.
Ngọc An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.