Mất tài sản tiền tỉ trên biển
Gia đình bà Lê Kim Chung (48 tuổi, ấp 4, xã Khánh Hội, H.U Minh) có 2 chiếc ghe bẫy mực, nhưng số ốc bẫy mực (tức dùng vỏ ốc để bẫy mực - PV) bị mất ước tính khoảng 2 tỉ đồng. “Mới sau tết cũng bị mất, cứ ra biển là bị mất. Mặc dù phải thay nhau canh chừng sáng đêm, nhưng canh đằng trước, đằng sau trộm rình lấy”, bà Chung bức xúc. Tương tự, bà Trịnh Cẩm Loan (53 tuổi, ngụ xã Khánh Hội) chia sẻ: “Tôi may mắn khi trộm đang lấy ốc thì bị tài công phát hiện nên bỏ chạy, chỉ bị mất khoảng 700 con ốc. Lo sợ sẽ bị trộm nữa nên gia đình tôi phải đưa ghe đi vùng biển tỉnh khác hành nghề”.
Theo nhiều ngư dân, để hoạt động, mỗi chiếc ghe làm nghề ốc bẫy mực phải trang bị hàng chục ngàn con ốc (con loại 1 giá khoảng 40.000 đồng/con - PV), với số tiền hàng trăm triệu đồng. Bọn trộm trang bị dụng cụ hành nghề vừa tinh vi, vừa quy mô. Cụ thể, trộm dò tần số liên lạc của chủ ghe để xác định vị trí trộm ốc. Sau đó, chúng dùng phương tiện công suất lớn đột nhập cắt dây lấy ốc, ngư dân phát hiện cũng không thể đuổi theo. Ngoài ra, kẻ trộm hoạt động theo kiểu băng nhóm, có tổ chức...
|
Ngư dân tự tìm bằng chứng báo công an
Từ tháng 4 - 10.2020, 3 chiếc ghe ốc của chị Lư Thị Kiên (47 tuổi, ngụ khóm 3, xã Khánh Hội) mất trộm 25 thiên ốc trị giá hơn 1 tỉ đồng. Dù chị sơn vỏ ốc để làm dấu nhưng vẫn bị mất trộm như thường. Trong khi đó, việc mất trộm không được cơ quan chức năng giải quyết đến nơi đến chốn nên chị tự điều tra thu thập chứng cứ cung cấp cho công an xử lý.
Theo chị Kiên, tháng 10.2020, chị bị mất ốc hai lần với khoảng 7.800 con. “Do lượng ốc mất quá lớn, tôi đóng giả người mua ốc bẫy mực, tìm đến các đầu mối chuyên mua bán ốc, thì người tên T. gửi ảnh ốc cho tôi chào hàng. Ông T. giới thiệu ốc ông mua của người khác bán lại với giá 22.000 đồng/con (giá thị trường từ 34.000 - 41.000 đồng/con). Khi nhận được hình ảnh ốc, tôi nhận ra ngay vì ốc trên 3 ghe của tôi được đánh dấu 4 màu sơn, thì lô hàng ông T. cung cấp có đủ 4 màu sơn mà tôi đánh dấu nên tôi đặt mua trước 2.000 con để làm chứng cứ”, chị Kiên nói.
Ngày 22.10.2020, ông T. giao cho chị Kiên 2.000 con ốc. Ngày 24.10.2020, chị Kiên mua thêm 5.000 con của ông T., báo Công an H.U Minh ập đến bắt quả tang và lập biên bản tạm giữ 5.000 con ốc để phục vụ điều tra. Còn 2.000 con ốc mua trước đó, công an bàn giao cho chị Kiên tạm quản lý chờ công an có biện pháp giải quyết. Tuy nhiên, khoảng 11 giờ 30 ngày 26.10.2020, ông T. đưa phương tiện đến chở 2.000 con ốc đi hòng phi tang tang vật. Chị Kiên phải gọi Công an xã Khánh Hội đến thì ông T. mới ngừng lại. “Tôi đã ba lần yêu cầu Công an xã Khánh Hội lập biên bản nhưng đều bị từ chối. Kể cả khi tôi yêu cầu công an huyện lập biên bản hiện trường vụ ông T. tẩu tán tang vật nhưng vẫn không được”, chị Kiên bức xúc.
|
Đáng nói, liên quan vụ việc trên, ngày 24.2.2021, Cơ quan CSĐT Công an H.U Minh ra quyết định không khởi tố vụ án “trộm cắp tài sản”. Không đồng ý, chị Kiên khiếu nại. Công an H.U Minh bác khiếu nại với lý do Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự H.U Minh (hội đồng) từ chối định giá tài sản trên. Do tài sản yêu cầu định giá là “tài sản không giao dịch phổ biến trên thị trường hoạt động mua, bán tài sản được tiến hành hợp pháp và công khai trên thị trường” nên hội đồng không có cơ sở để xác định, định giá tài sản. Không đồng tình với giải quyết khiếu nại trên, chị Kiên tiếp tục khiếu nại đến Công an tỉnh Cà Mau. Đến ngày 12.4, Cơ quan CSĐT Công an H.U Minh ra quyết định khởi tố vụ án “trộm cắp tài sản” với định giá tài sản là 108 triệu đồng.
Thay đổi điều tra viên và xử lý cán bộ
Ngày 18.5, Tổ công tác do đại tá Phạm Minh Lũy, Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, dẫn đầu có buổi làm việc với Công an H.U Minh về nội dung đơn khiếu nại của chị Kiên. Tổ công tác xác nhận, tang vật bị mở niêm phong, nhưng là do quá trình bảo quản, cán bộ để bị hư hỏng bao bì và niêm phong; đồng thời thừa nhận, khi tiến hành niêm phong lại nhưng không mời chị Kiên là sai sót của cán bộ. Việc này sẽ được xử lý theo quy định và chỉ đạo thay đổi điều tra viên. “Phải nhìn nhận thiếu sót về việc chậm xử lý, quá trình làm việc chưa đến nơi đến chốn, điều tra viên có dấu hiệu chưa chuẩn, còn nhiều sơ sót. Điều tra làm rõ hành vi của ông T. có liên quan đến vụ trộm hay là người tiêu thụ đồ gian...”, đại tá Lũy nhận định. Còn việc ông T. tự ý đến lấy 2.000 vỏ ốc mà Công an H.U Minh tạm giao cho chị Kiên, theo Công an H.U Minh, đơn vị này có trao đổi với Viện KSND cùng cấp nhưng xét thấy hành vi trên chưa đến mức cấu thành tội phạm.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM), hành vi nêu trên có dấu hiệu tội trộm cắp tài sản, khi người phạm tội trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên. Đối với người mua tài sản trộm cắp, nếu biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội. Về lý do Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự H.U Minh từ chối định giá tài sản trên, ông Hùng cho rằng, nếu hội đồng định giá cấp huyện không định giá được thì công an cấp huyện phải trưng cầu cấp tỉnh định giá; và có nhiều phương pháp định giá, và tài sản đó được phép lưu hành, mua bán, chứ không thể trả lời rằng vì tài sản không giao dịch phổ biến trên thị trường, rồi bỏ lọt tội phạm.
|
Bình luận (0)