Ngư dân phải tự thuê tàu đi cứu nạn

28/05/2013 13:00 GMT+7

(TNO) Sáng 28.5, bà Võ Thị Phượng, chủ tàu cá QNg 95004, cho biết bà đã thuê tàu cá QNg 95831 của ông Võ Sơn ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi để đi cứu tàu cá QNg 95004 sắp chìm cùng 11 ngư dân.

>> Một tàu cá cùng 11 ngư dân đang trôi dạt

Bà Phượng cho biết, tàu cá QNg 95004 do ông Trần Năm (trú thôn Định Tân) làm thuyền trưởng ra khơi hành nghề lặn từ sáng 25.5, đến sáng 26.5, khi đang ở vị trí 13,54 độ vĩ bắc, 111,01 độ kinh đông, cách Quy Nhơn khoảng 100 hải lý về hướng đông thì bị hỏng máy trong khu vực có gió đông nam cấp 5.

Như Thanh Niên Online đã thông tin, sau khi nhận tín hiệu cầu cứu của thuyền trưởng Trần Năm trên tần số 7903 kHz, Đài Thông tin duyên hải (TTDH) Đà Nẵng đã phát thông báo đến các đơn vị cứu nạn khu vực và địa phương, cũng như các tàu đang hoạt động gần đó hỗ trợ tàu bị nạn.


Đà Nẵng MRCC đề xuất đưa tàu SAR đi cứu nạn nhưng Việt Nam MRCC chọn cách hướng dẫn tàu cá tự thuê tàu đi cứu - Ảnh: Nguyễn Tú

 

Đến 16 giờ ngày 27.5, tàu cá QNg 95004 đã trôi dạt thêm 20 hải lý, Đài TTDH Đà Nẵng cho hay dù lương thực, nước ngọt còn đủ cho 5 ngày nhưng 11 ngư dân đều hoang mang lo sợ vì đang ở vùng biển sâu không thể thả neo, tàu trôi dạt tự do nên bị sóng, gió cấp 5 - 6 đánh mệt nhoài.

Tất cả phải thay nhau tát nước ra ngoài vì máy hỏng nên nước bắt đầu tràn vào. Đến 17 giờ chiều 27.5, sau gần 2 ngày đêm chờ đợi nhưng không thấy đơn vị nào hỗ trợ nên gia đình thuyền trưởng Năm phải tự thuê tàu cá QNg 95831 giá 60 triệu đồng đi cứu.

Dự kiến đến tối nay 28.5, tàu QNg 95831 mới tiếp cận được tàu bị nạn.

Ông Trần Văn Long, Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC) cho hay sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã báo cáo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Việt Nam MRCC) đồng thời đề xuất đưa tàu SAR lên đường ứng cứu.

Tuy nhiên, do Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Việt Nam MRCC nhận định đây là trường hợp yêu cầu cứu hộ (tàu bị nạn chi trả kinh phí theo điều 187 luật Hàng hải) nên chỉ hướng dẫn ngư dân tự thuê tàu đi cứu.

Ông Trần Văn Long cho biết, trường hợp cứu nạn (Đà Nẵng MRCC tự chi trả kinh phí) áp dụng đối với tàu cá bị nạn dài ngày trong điều kiện thời tiết xấu, cạn kiệt nhiên liệu, lương thực, nước ngọt. Còn tàu cá gặp tai nạn khi thời tiết bình thường thì áp dụng trường hợp cứu hộ hàng hải, có nghĩa là ngư dân hoặc đơn vị bán bảo hiểm cho tàu cá phải chi trả kinh phí theo điều 187 luật Hàng hải.

Theo ông Long, tàu cá QNg 95004 bị nạn trong điều kiện thời tiết bình thường, ranh giới phân định cứu nạn - cứu hộ mong manh nên đơn vị đã báo cáo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Việt Nam MRCC).

Điều 187. Quyền hưởng tiền công cứu hộ, thuộc Chương 11 Cứu hộ hàng hải (luật Hàng hải)

1. Mọi hành động cứu hộ hàng hải mang lại kết quả có ích đều được hưởng tiền công cứu hộ hợp lý.

2. Tiền công cứu hộ bao gồm tiền trả công cứu hộ, chi phí cứu hộ, chi phí vận chuyển, bảo quản tàu biển hoặc tài sản được cứu hộ và tiền thưởng công cứu hộ.

3. Tiền công cứu hộ được trả cả trong trường hợp người cứu hộ có hành động trực tiếp hoặc gián tiếp giúp người được cứu hộ bảo vệ các quyền lợi liên quan đến tiền cước, tiền công vận chuyển hành khách; cứu hộ tàu biển thuộc cùng một chủ tàu.

4. Hành động cứu hộ trái với sự chỉ định rõ ràng và hợp lý của thuyền trưởng tàu biển được cứu thì không được trả tiền công cứu hộ.

Nguyễn Tú

>> Quảng Nam: Chìm phà, nhiều người mất tích
>> 35 ngư dân được cứu sau 2 ngày trôi dạt trên biển
>> Diễn tập ứng phó sóng thần
>> Tàu chìm ở Cửa Đại, 2 người chết, 5 người mất tích
>> Tàu cá bốc cháy ngùn ngụt trên sông Hàn
>> Cứu 2 tàu cá cùng 34 ngư dân
>> Ngư dân gặp nạn ở Hoàng Sa cập bến an toàn
>> Nổ tàu chở dầu, 2 thuyền viên bỏng nặng
>> Hạ thủy tàu hậu cần lớn nhất nước
>> Cứu tàu cá sắp chìm cùng 8 ngư dân
>> Nhiều ngư dân được cứu thoát chết trở về
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.