Ngư dân trẻ

06/09/2006 20:00 GMT+7

Học hành dang dở, họ theo cha, chú vượt sóng ra biển khơi đánh cá. Đi biển có nghĩa là chấp nhận sự bấp bênh, đối mặt với những nguy hiểm và cả với cái chết… Nhưng những bạn trẻ vẫn mang trong mình ước mơ sẽ được học về nghề cá, để có thể chuyên nghiệp hơn, đi xa hơn nữa...

Ngư dân tuổi đôi mươi...

Hoàng Tuấn năm nay mới 17 tuổi, vậy mà nhìn cậu, mọi người cứ nghĩ phải hai mươi mấy. 2 năm đi biển, sóng và gió đã làm cậu trưởng thành lên rất nhiều. Học xong lớp 9, "thi lớp 10 mãi chẳng đỗ", Tuấn xin đi theo người chú ruột ra biển đánh bắt cá thu. Tuấn kể: "Lần đầu tiên đi biển cũng bị say sóng đứ đừ. Bây giờ thì đã quá quen với sóng và gió, có đợt nghỉ ốm 1 tháng nằm nhà mà lại thấy nôn nao".

Thuyền của Tuấn có 5 người. Họ đều là người cùng xã Hải Chính, thị trấn Hải Thịnh, Nam Định góp chung vốn và vay ngân hàng đóng thuyền đi biển. Tuấn là người trẻ nhất, cả về tuổi và kinh nghiệm. Thế nhưng, bác Quốc - thuyền trưởng của tàu NĐ 2087 TS nhận xét: "Thằng đó trông vậy nhưng mà làm tốt lắm, học việc cũng nhanh, hắn có duyên với cá lớn, có lần thằng cu quăng lưới bắt được cá tới mấy chục cân".


Trên biển, phương tiện liên lạc duy nhất với đất liền và các thuyền bạn là máy bộ đàm (Ảnh: T.H.M)


Tay thoăn thoắt đan lại những mắt lưới bị rách, Tuấn trò chuyện: "Lưới bắt cá rất quan trọng, bọn mình phải kiểm tra thường xuyên xem lưới có bị rách, chỗ nào cần đan lại cho chắc chắn kẻo cá mắc lưới nhưng lưới bị mục thì hôm ấy coi như trắng tay".

Tuấn đã theo thuyền đi khắp từ Nam ra Bắc, lần đi xa nhất là thuyền vào tận đảo Phú Quốc. Có khi lại ngược tít lên phía Quảng Ninh. Lưới quăng khá rộng. Chiều cao của lưới tính từ phao xuống đáy là 40m, dài tới 6.000m. "Ấy vậy mà có hôm chỉ được vài con do mình tính toán sai đường đi của đàn cá, mà ngư trường càng ngày càng cạn, tàu bé cũng khó đi xa" - Tuấn lặng lẽ nhìn ra xa, nơi có vài bóng phụ nữ cắm cúi cào ngao ngoài bãi tắm.

Sang chiếc tàu câu mực đỗ bên cạnh, chúng tôi gặp Phạm Ngọc Lợi. Cậu bé loắt choắt, cao chưa đến mét rưỡi này mới 14 tuổi đời nhưng đã có tới 1 năm rong ruổi cùng cha đi câu mực ngoài biển khơi. Lợi hồn nhiên kể về lý do mình theo nghề biển: "Mới đầu em thích đi theo cha cho đỡ nhớ vì cha em cứ đi biển quanh năm. Đi nhiều, đâm ra thích, học hết lớp 5, em xin mẹ cho đi theo cha câu mực ngoài biển. Hồi đầu, em cũng rất sợ bóng đêm trên biển, cũng chẳng biết câu mực thế nào, nhưng rồi, cha và các chú dạy cho. Vì em còn bé, nên đi cùng cha trên một thúng câu, chứ chưa được ngồi một mình".

Có lẽ bạn trẻ thuộc hạng "đàn anh" trong đoàn thuyền chúng tôi gặp hôm ấy là Nguyễn Văn Tới. Năm nay Tới 21 tuổi, học hết cấp 3, từng ước mơ thi đại học. Nhưng rồi ruộng ít, nhà đông anh em, Tới đã theo thuyền một người họ hàng ra biển. Đang cùng người bác kiểm tra lại các mắt lưới, Tới hất mái tóc vàng cháy: "Tháng 5 và tháng 6 âm lịch, thuyền đánh cá của mình sẽ phải nằm tại bến. Vì khi đó nước lũ về nhiều, cá rủ nhau đi tránh nước ngọt hết. Tranh thủ chưa phát Nam (gió Nam), thuyền của mình đang chuẩn bị lưới, lương thực, nước ngọt để đi một chuyến cuối mùa". Tới đi biển cũng chưa thật nhiều nhưng anh Thanh (lái thuyền) khoe: "Thằng nhỏ giỏi lắm, ham học hỏi, dạy hắn mấy bữa cầm lái, thế mà hắn đã cầm lái trèo qua con sóng cao vài mét ngon lành rồi đó".

...Và những ước mơ trên sóng biển

Hoàng Tuấn, Lợi, hay Tới hiện tại cũng chỉ là những thuyền viên học việc. Lương được trả theo công. Tuấn nói: "Cũng khó nói về mức tiền công lắm. Bọn mình làm cái nghề này cũng bấp bênh, lúc trúng cá thì được công cao, còn có lúc cũng chỉ đủ tiền ăn thôi".

Nguyễn Văn Tới nói thêm: "Cũng may là bọn mình chưa gặp bão lớn lần nào. Tàu đánh cá cũng nhỏ, chỉ vào khoảng 22 mã lực, đi xa lắm là 40 hải lý. Khi có thông tin báo bão tới là thuyền mình đi vào bờ ngay lập tức. Chứ không như ngư dân ở dải miền Trung, biết có bão hướng này, họ tránh hướng khác, cố đánh bắt thêm nên khi bão đổi hướng chạy không kịp".

Phương tiện liên lạc trên tàu cũng hết sức đơn giản, chỉ trang bị một máy bộ đàm để các thuyền có thể liên lạc với nhau và với đất liền, một máy định vị tọa độ. Năm ngoái, biển Hải Thịnh gặp đợt áp thấp nhiệt đới gần bờ, biển động dữ dội. Đê vỡ, nước biển tràn vào. Nhớ lại lúc đó, chú của Thanh - một ngư dân đã có tới 30 năm kinh nghiệm đi biển kể lại: "Đợt đó tuy không thiệt hại gì về người và của nhưng chúng tôi phải nằm nhà mất cả tháng trời", ông rít điếu thuốc lào sòng sọc rồi thở hắt ra đánh khà một tiếng: "Nói cho cùng, nghề biển đói lắm...".

Được biết, mỗi thuyền đánh cá, nếu đóng mới cũng mất đến 200 triệu đồng. Số tiền này, một phần các ngư dân trên thuyền đóng góp. Còn lại chủ yếu thế chấp ruộng đất nhà cửa trên đất liền để vay ngân hàng. "Trời yên biển lặng thì may mắn 3 đến 4 năm mới trả hết nợ, còn không thì..." - bác Quốc lắc đầu.

Nói thế, nhưng những người đi biển kinh nghiệm như bác Quốc, như chú của Thanh không khỏi chạnh lòng khi so sánh thuyền đánh cá của mình với ngư dân Trung Quốc. Bác Quốc bộc bạch: "Thuyền của họ nhìn cũng không hiện đại hơn thuyền của mình  bao nhiêu, nhưng về kỹ thuật đánh bắt và trang thiết bị liên lạc của họ hơn hẳn mình. Họ có thể đoán biết được nơi nào có nhiều cá, quăng lưới ở đâu thì bắt được cá to". Nói đến đây, Tuấn chen ngang: "Dạo trước em định xin bố cho sang một thuyền đánh cá của Trung Quốc học việc, nhưng bố em nói cứ đi biển vài năm cho quen đã. Chắc chắn em sẽ phải đi học công nghệ đánh bắt của họ".

Nguyễn Văn Tới thì lại ấp ủ một dự định khác. Tới tâm sự: "Mình cũng tính đi biển hết năm nay thôi, năm sau về cố gắng ôn thi vào Trường Hàng hải. Mình muốn học hành cẩn thận để có làm ngư dân cũng không còn khổ như đời ông cha mình nữa. Đi biển, chẳng ai dạy cả, hầu hết mọi người đều là "cha truyền con nối", học theo kinh nghiệm. Nhưng mình nghĩ, điều đó chưa thể đủ được nếu mình muốn vươn xa hơn nữa".

Riêng với Phạm Ngọc Lợi thì khác. Cậu bé này xem ra rất thích nghề biển nhưng nỗi nhớ trường lớp cũng luôn vỗ ì oạp vào mạn thuyền. Lợi bảo: "Hết hè này em dự định nghỉ đi biển, về nhà xin đi học lại lớp 6. Không phải vì sợ nghề biển mà em nghĩ, nếu học thì sau này cơ hội đi biển của mình sẽ rộng hơn. Bây giờ, ở trong thị trấn, internet cũng đã có, qua một số người bạn quen được khi đi biển, họ có ghi lại cho em cách vào mạng xem thông tin về thời tiết của biển, về các kiến thức khi đi biển. Chắc chắn em sẽ dành tiền để đọc và học về kỹ năng đi biển. Sau này, trở lại với biển khơi, mình sẽ câu được nhiều mực hơn".

Huyện Hải Hậu nổi tiếng với gạo tám thơm, nhưng riêng thị trấn Hải Thịnh, vùng ven biển thì tuyệt nhiên không có một bóng cây lúa nào. Các gia đình nơi đây, hoặc là làm muối, hoặc là trồng cây màu, cây cảnh và nghề được nhiều người chọn nhất đó là ra biển đánh cá. Các bạn trẻ ở xóm Hải Chính này cũng vậy. Nhưng một điều đáng mừng là các bạn đã ý thức hơn về nghề đi biển. Như Tuấn đã nói với chúng tôi: "Nghề nào cũng phải học thì mới đi xa hơn được!".

T.H.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.