Hàng ngàn ngư dân ở các tỉnh ven biển tại ĐBSCL đang phấn khởi được “lộc đầu năm” khi trúng đậm mùa ruốc.
Công nhân phân cỡ con ruốc để chế biến xuất khẩu tại DNTN Thùy Dung - Ảnh: Trần Thanh Phong
|
Mùa ruốc sớm
|
Ông Nguyễn Văn Tuấn, một chủ ghe te ở P.Nhà Mát (TP.Bạc Liêu), cho biết nghe tin ruốc xuất hiện nhiều ở cửa biển, gia đình ông đã gác chuyện ăn tết, huy động cả chục thành viên chuẩn bị ghe te, lưới, thùng xốp ra biển khai thác. Người thì điều khiển ghe, người kéo lưới, một số thành viên còn lại ở trên bờ chuẩn bị xe kéo, lưới phơi. “Những ngày ruốc xuất hiện nhiều, ghe te của tôi khai thác được từ 1 - 2 tấn. Con ruốc năm nay to, bóng, đẹp nên bán được giá cao. Một số phương tiện khai thác ruốc số lượng lớn kiếm lời từ 5 - 10 triệu đồng/ngày”, ông Tuấn nói.
Hiện giá ruốc khô được các thương lái, doanh nghiệp thu mua từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Ông Lưu Thiện Thanh, Phó chủ tịch UBND P.Nhà Mát, cho biết phường có 150 ghe te hành nghề khai thác ruốc. Nhưng gần đây, do con ruốc xuất hiện nhiều nên hằng ngày có khoảng 500 ghe te ở Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh… đổ về đây khai thác, với sản lượng lên đến hàng trăm tấn.
“Mùa ruốc xuất hiện sớm đã góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn ngư dân ven biển Bạc Liêu và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, đối với các hộ nghèo, không có việc làm ổn định thì mùa ruốc năm nay đã tạo cơ hội cho họ có thêm thu nhập nhờ được các chủ ghe, doanh nghiệp thuê phơi, vận chuyển, vác ruốc”, ông Thanh cho biết thêm.
Chế biến ruốc xuất khẩu
Theo bà con ngư dân, sở dĩ ruốc khô năm nay bán được giá cao, sản lượng khai thác lớn nhưng vẫn tiêu thụ hết là nhờ được chế biến xuất khẩu. Riêng tại P.Nhà Mát hiện có DNTN Thùy Dung chuyên thu mua và chế biến ruốc xuất khẩu với quy mô khá lớn.
Bà Trần Thị Thùy Dung, Chủ DNTN Thùy Dung, cho biết doanh nghiệp đã có trên 10 năm thu mua, chế biến ruốc xuất khẩu nên hiểu được những khó khăn, vất vả của ngư dân nghèo làm nghề khai thác hải sản ven bờ. Từ đó, bà đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chế biến ruốc từ nhiều nơi. Đồng thời đầu tư vốn mua máy móc, xây dựng kho đông lạnh, thương hiệu rồi tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến từ ruốc trong và ngoài nước.
Theo bà Dung, bình quân mỗi năm doanh nghiệp thu mua khoảng 500 tấn ruốc khô, tương đương hàng ngàn tấn ruốc tươi để chế biến xuất khẩu. Ngoài thu mua của ngư dân tại các cửa biển ở Bạc Liêu, doanh nghiệp còn tìm kiếm, thu mua ruốc ở các tỉnh ven biển ĐBSCL như Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang. Sau khi thu mua ruốc khô trong dân, doanh nghiệp mướn công nhân phân cỡ, loại bỏ tạp chất, cá lẫn lộn và chế biến thành các sản phẩm như: ruốc khô, muối ruốc, ruốc sấy… để cung ứng ra thị trường.
Bà Dung cho biết do ruốc được khai thác từ tự nhiên đẹp, sạch, đều và bảo đảm chất lượng nên được thị trường nhiều nước ưa chuộng. Hiện DNTN Thùy Dung đã xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ con ruốc sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia… Nhờ ăn nên làm ra, DNTN Thùy Dung đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 60 lao động nhàn rỗi tại vùng ven biển Bạc Liêu.
Bình luận (0)