TS.BS Võ Công Minh đang khám xoang cho bệnh nhân tại FV |
Mối liên hệ giữa ngủ ngáy và nguy cơ ngưng thở
Những ngày gần đây anh T.C.N luôn mệt mỏi và buồn ngủ ban ngày, còn tối đến thì thường thức giấc nửa đêm. Vậy nhưng chị Loan, vợ anh cho rằng người mất ngủ là chị mới đúng, bởi anh ngủ rất ngon và ngáy rất to. Hai vợ chồng đều luôn trong trạng thái gà gật buồn ngủ, khó tập trung. Cho đến khi đến khám tổng quát tại Bệnh viện FV, anh N. mới giật mình khi nghe bác sĩ Khoa tai mũi họng FV cho biết, anh bị phì đại cuốn mũi nặng, gây hẹp đường thở.
TS.BS Võ Công Minh, Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện FV cho hay rất nhiều người bị bạn đời “áp tải” đến bệnh viện vì không chịu nổi tiếng ngáy. Điều đó cho thấy, ngủ ngáy ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng sống của… người bên cạnh. Tuy nhiên, chứng ngủ ngáy kèm ngưng thở thì lại ảnh hưởng chất lượng sống của chính người bệnh. Chứng này thường gặp ở nam giới, phụ nữ sau tuổi mãn kinh và những người trên 65 tuổi.
TS.BS. Công Minh giải thích, ngủ ngáy thường do đường thở hẹp, dẫn đến luồng không khí đi vào qua khe hẹp phát ra âm thanh gây tiếng ngáy. Từ mũi đi xuống họng và khí quản, bất cứ vùng nào trên đường đi của luồng không khí bị tắc nghẽn đều gây ra khó thở. Nhẹ sẽ đi qua chỗ hẹp, rung rít lên tạo âm thanh ngáy. Nặng hơn thì hít thở không đủ không khí, gây thiếu ô xy lên não, não bộ thiếu ô xy sẽ đánh thức người ngủ dậy. Khi khởi phát thì tình trạng ngưng thở không nhiều nên người bệnh khó nhận biết. Nhưng khi ngưng thở ngày càng thường xuyên, người mắc hội chứng này thường có biểu hiện sáng dậy không tỉnh táo, mau mệt. Biểu hiện nặng là bệnh nhân hay ngủ gà ngủ gật, lúc nào cũng thấy mệt mỏi, hay đau đầu. Ngưng thở có thể kéo dài trong vài giây đến vài phút và xảy ra nhiều lần trong đêm. Khi số lần ngưng thở nhiều và thời gian ngưng thở tăng lên khiến não thiếu ô xy thì rất nguy hiểm tính mạng. Một số trường hợp ngưng thở và tử vong ngay lúc ngủ.
Đường thở bình thường và đường thở bị tắc nghẽn do chứng ngưng thở gây ra |
Ngăn ngừa chứng ngủ ngáy, ngưng thở bằng cách nào?
TS.BS Công Minh cho biết, đốt sóng cao tần là một trong những cách giảm thể tích cho các trường hợp vẹo vách ngăn, phì đại cuốn mũi hiệu quả, an toàn. Thời gian thực hiện nhanh, chỉ 5 phút, cảm giác đau ít, thậm chí có người còn không thấy đau. Bệnh nhân cần tái khám 1-2 lần sau khi đốt, hiệu quả thấy rõ chỉ sau 3-4 tuần. Với các bệnh nhân không biết nguyên nhân và mức độ nặng hay nhẹ, các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện FV có một số biện pháp thăm khám cận lâm sàng để phát hiện vùng hẹp gây bệnh, để có cách điều trị phù hợp.
Sau khi được điều trị phì đại cuống mũi bằng phương đốt sóng cao tần để cải thiện tình trạng này, anh T.C.N. cho biết: "Quá trình đốt chỉ hơi nóng chút thôi, không hề đau và sau đó tôi ngủ ngon hẳn, vợ bảo không còn ngáy nữa!”.
TS.BS Công Minh đang sử dụng máy đốt sóng cao tần điều trị phì đại cuốn mũi cho 1 ca bệnh |
Để đánh giá mức độ nặng hay nhẹ của ngủ ngáy, các bác sĩ có thể chỉ định đo đa kí giấc ngủ. Bệnh nhân có thể mang dụng cụ đa ký giấc ngủ loại cầm tay về nhà, tự đặt thiết bị lên cơ thể và thu nhận thông tin giấc ngủ trong 1 đêm. Một số trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ được chỉ định đo tại bệnh viện, nếu trường hợp ngưng thở nhiều thì được xử lý bằng máy CPAP (máy thở áp lực dương liên tục).
Những bất thường về mặt giải phẫu như vẹo vách ngăn, phì đại cuốn mũi… tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể, nhẹ thì cho dùng thuốc giảm triệu chứng như rửa mũi, xịt mũi kháng histamine hoặc steroid, liệu pháp miễn dịch dị ứng. Nặng hơn thì chỉnh hình bằng các biện pháp như đốt sóng cao tần hoặc phẫu thuật.
Nhiều trường hợp cần được phẫu thuật để cải thiện sức khỏe tai mũi họng |
Ngoài ra, những trường hợp hẹp đường thở dưới họng thì cần phẫu thuật, bao gồm: lưỡi gà dài; màng hầu bị hẹp; eo họng bị hẹp, lưỡi to bất thường, có bất thường đáy lưỡi hay khối u trong họng hoặc thanh quản khiến tắc nghẽn, sự to bất thường của xương hàm dưới hay xương hàm trên, khối sọ mặt…
TS.BS Võ Công Minh nhấn mạnh, ngủ ngáy không chỉ gây phiền toái, làm gián đoạn giấc ngủ của người bệnh và người cùng giường, nếu liên quan đến chứng ngưng thở sẽ gây nguy cơ mắc các biến chứng khác, bao gồm: khó tập trung, tăng nguy cơ tai nạn giao thông do thiếu ngủ, nguy cơ cao hơn về huyết áp cao, bệnh tim mạch và đột quỵ.
Để biết thêm thông tin chi tiết về chứng ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ, có thể liên hệ Khoa tai mũi họng của FV qua số (028) 54 11 33 41.
Bình luận (0)