Ngủ ngồi tác động đến sức khỏe ra sao?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
07/01/2024 00:09 GMT+7

Không phải bất kỳ lúc nào muốn ngủ thì chúng ta cũng có thể tìm một chỗ thích hợp để nằm. Nhiều trường hợp, chẳng hạn như đang trên xe đò hoặc nhiều phương tiện giao thông khác, chúng ta không thể nằm ngủ mà phải ngồi ngủ. Ngủ ngồi có thể gây ra một số tác động đến sức khỏe.

Một trường hợp khác phải ngủ ngồi là những người đang có vấn đề sức khoẻ, chẳng hạn như suy thận. Người vừa phẫu thuật cũng có thể được bác sĩ yêu cầu ngủ ngồi trong 1 đến 2 ngày, theo chuyện trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Ngủ ngồi tác động đến sức khỏe ra sao?- Ảnh 1.

Ngủ ngồi trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Dù ngủ ngồi ở trên máy bay hay có ghế dựa trên ô tô thì đầu thường sẽ nghiêng sang một bên. Tư thế ngủ này sẽ khó giữ đầu và cột sống cổ ở tư thế thẳng. Hệ quả là khiến chúng ta thức dậy với cảm giác đau nhức cổ. Ngoài tác động này, chúng ta cũng sẽ gặp một số vấn đề khác nếu ngủ ngồi trong nhiều giờ.

Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Chronobiology International cho thấy ngủ ngồi có thể khiến cơ thể rơi vào trạng thái kích thích sinh lý nhiều hơn. Tình trạng này khiến chúng ta khó chìm vào giấc ngủ và có ngủ thì cũng sẽ chập chờn.

Ngủ ngồi làm ức chế hoạt động nghỉ ngơi và tiêu hóa của cơ thể. Các hoạt động này vốn được điều chỉnh bởi hệ thần kinh phó giao cảm. Thay vào đó, tư thế ngủ ngồi sẽ kích thích hệ thần kinh giao cảm, vốn liên quan đến trạng thái cảnh giác và phản ứng nhanh với mối đe dọa từ bên ngoài. Do đó, người ngủ ngồi rất khó ngủ sâu.

Một điều khác nữa là ngủ ngồi sẽ làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu. Thời gian ngủ ngồi kéo dài và duy trì trong nhiều ngày sẽ dẫn đến các cục máu đông trong tĩnh mạch chân. Nếu những cục máu đông này di chuyển trong các mạch máu và đến gần các cơ quan quan trọng, chẳng hạn như phổi, thì có thể đe dọa tính mạng, theo Healthline.

Các triệu chứng thường gặp của cục máu đông là đau, sưng ở chân, và da ở vị trí này cũng đổi màu và có cảm giác ấm khi chạm vào. Nếu thấy các triệu chứng này thì người bệnh cần đến bác sĩ kiểm tra ngay.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp ngủ ngồi đều có tác động tiêu cực. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san American Review of Respiratory Disease đã thực hiện trên 13 người bị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA). Kết quả cho thấy ngủ ở tư thế ngồi thẳng 60 độ làm giảm đáng kể triệu chứng ngưng thở trong lúc ngủ.

Để giảm các tác động tiêu cực đến sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo nếu bạn ngủ ngồi thì hãy kê một chiếc gối nhỏ sau đầu để giúp đầu có được tư thế thoải mái, trong khi đó bàn chân nên duỗi ra, hướng về phía trước chứ không nên co lại hay nghiêng sang một bên, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.