Ngừa ung thư đường tiêu hóa từ những thực phẩm sẵn có

25/10/2019 09:50 GMT+7

Các nghiên cứu cho thấy, món ăn chế biến từ thực phẩm giàu kẽm góp phần giảm nguy cơ ung thư đường tiêu hóa.

“Bẫy” ung thư từ các món nướng thơm ngậy

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, ung thư đường tiêu hóa như: vòm miệng, thực quản, dạ dày, đại tràng... được chứng minh là có liên quan đến thói quen ăn uống. Trong đó, những món ăn như thịt cá hun khói, thịt nướng, chả nướng... có mùi thơm quyến rũ do chất mỡ và đạm được đốt cháy trên ngọn lửa, than hồng là do sinh ra các hợp chất hóa học có vòng thơm (ví dụ N-Nitrosomethyl-benzylamine-NMBA), là thủ phạm gây ung thư đường tiêu hóa.
Một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy tỷ lệ ung thư đường tiêu hóa (miệng, thực quản, dạ dày...) ở một số nước châu Á cao hơn các châu lục khác là có liên quan đến thói quen ăn các món ăn kể trên.

Chống ung thư từ thực phẩm sẵn có

Một số thực phẩm giàu kẽm (Bảng hàm lượng kẽm trong 100 gram thực phẩm)

Một số thực phẩm giàu kẽm (Bảng hàm lượng kẽm trong 100 gram thực phẩm)

Ảnh: Tư liệu Viện Dinh dưỡng quốc gia

Gần đây một số vitamin và chất khoáng cũng như các chất chống ô xy hóa trong thực phẩm được chứng minh là có vai trò phòng chống ung thư, làm chậm quá trình lão hóa ở người.
Kẽm là một vi khoáng đã được biết đến với vai trò kích thích tăng trưởng, tăng miễn dịch, phòng chống các bệnh nhiễm trùng ở người và động vật, đặc biệt là phòng chống bệnh nhiễm trùng hô hấp và tiêu chảy ở trẻ em.
Từ năm 2001-2003 tạp chí nghiên cứu về ung thư của Mỹ đã công bố nhiều nghiên cứu phát hiện ra vai trò của kẽm trong phòng chống ung thư thực quản ở chuột thực nghiệm.
Kết quả cho thấy ở nhóm chuột được ăn chế độ đủ kẽm có tỷ lệ xuất hiện khối u biểu mô thực quản là 8%, ít hơn hẳn so với nhóm chuột đối chứng (ăn chế độ thiếu kẽm) có tỷ lệ xuất hiện khối u là 93% tại thời điểm 15 tuần sau ăn chất gây ung thư NMBA.
“Từ nghiên cứu trên, chúng ta thấy rằng biện pháp phòng chống ung thư tốt nhất là tránh tiếp xúc với các chất độc hại”. Tuy nhiên việc phát hiện để tránh các chất độc hại hằng ngày không phải lúc nào cũng làm được”, các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ.
Do đó, biện pháp thực tế hơn là luôn chuẩn bị cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là ăn những món ăn có nhiều các chất dinh dưỡng, các vitamin và chất khoáng, các chất chống ô xy hóa như kẽm, selen, vitamin C, vitamin E, Beta- carotene, lycopene, flavonoids, chúng có nhiều trong rau quả tươi, có màu vàng, màu xanh, màu tím, màu đen, các chế phẩm từ đậu tương... sẽ giúp cơ thể phòng chống được nhiều loại ung thư có thể xảy ra.
PGS-TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K T.Ư (Hà Nội) cho biết thêm, béo phì có liên quan đến gây ung thư đường tiêu hóa, đại trực tràng, dạ dày. Chế độ ăn uống (nhiều đạm) dẫn tới béo phì, thì nguy cơ ung thư, trong đó có ung thư đường tiêu hóa cao hơn. Cần áp dụng dinh dưỡng hợp lý, chú trọng bổ sung rau xanh và duy trì vận động thể lực 30-60 phút mỗi ngày ngay từ khi còn trẻ để góp phần giảm nguy cơ mắc ung thư, trong đó có ung thư đường tiêu hóa.
Tuổi trung bình mắc ung thư trẻ hơn
Nghiên cứu của Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cho thấy trong 20 năm (1995 - 2004) riêng tại TP.HCM có 119.556 ca mắc ung thư. Tuổi trung bình mắc ung thư là 55, trẻ hơn so với nhiều nước. Tại BV K T.Ư (Hà Nội), các bệnh nhân mắc ung thư đường tiêu hóa: dạ dày, đại trực tràng cũng đã ghi nhận ở những người trước 40, trẻ hơn nhiều so với 10-15 năm trước đây.
Mỗi người cần có thói quen ăn uống lành mạnh, tăng cường rau xanh, duy trì vận động thể lực từ khi còn trẻ để ngăn ngừa ung thư. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.