Ngưng ngược đãi

05/07/2015 07:15 GMT+7

Chiến dịch 'Ngưng ngược đãi' đã và đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Chiến dịch nhằm để dân mạng hiểu rằng sự tổn thương tâm lý bằng lời nói là rất nguy hiểm và kêu gọi dân mạng nên ngưng ngược đãi.

Chiến dịch “Ngưng ngược đãi” đã và đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Chiến dịch nhằm để dân mạng hiểu rằng sự tổn thương tâm lý bằng lời nói là rất nguy hiểm và kêu gọi dân mạng nên ngưng ngược đãi.

Trên fan page Ngưng ngược đãi (fb.com/ngungnguocdai) có vô số hình ảnh, là những nét vẽ giản đơn nhưng đã để lại ấn tượng với người xem bằng những thông điệp kèm theo, chứng minh trong cuộc sống nhan nhản sự ngược đãi mà bấy lâu mọi người không biết. Như khi chửi một đứa trẻ là đồ nghèo hèn, nhưng không hề biết chính đứa trẻ ấy phải quần quật làm việc suốt đêm để giúp đỡ gia đình. Hay vô tình cười một chàng trai vì cho rằng đàn ông sao “mít ướt”, nhưng có ai ngờ mẹ anh ấy vừa qua đời…
Fan page đã có hơn 62.000 thành viên. Họ hưởng ứng chiến dịch bằng cách gom góp thêm rất nhiều câu chuyện về sự ngược đãi đã và đang tồn tại, cho thấy sự ngược đãi không chỉ ở hành động, mà còn ở cả những lời nói, tồn tại ngay cả trong gia đình.
Thành viên Quyên Lê dẫn chứng câu chuyện gây xôn xao dư luận gần đây là việc một hoa hậu bị dân mạng “ném đá” chỉ vì dáng ngủ trên máy bay chính là sự ngược đãi.
Thành viên Vân Trang cho rằng, chuyện phụ huynh thường mắng mỏ con cái: “Có mỗi việc học mà cũng không xong, mày xách dép cho con nhà người ta. Muôn đời không khá lên được đâu con ạ” cũng là minh chứng rõ nét cho sự ngược đãi.
Thậm chí, những câu nói vô tình: “Bố đừng đến đón con nữa nhé, con không thích bị bạn bè cười cợt vì bố là lao công"… như chuyện kể của thành viên Trí Dũng, cũng chính là sự ngược đãi.
Những hình ảnh, nội dung trên fan page đã giúp dân mạng hiểu được rằng những lời nói bông đùa tưởng chừng vô hại: “Con gái gì như thùng phuy", “Ăn như heo vậy mà”, “Con gái là phải như mấy đứa khác chứ ai như mày”… có thể làm người khác tổn thương không thể nào “đong đếm” nổi.
“Chàng trai ngưng ngược đãi”
Đó là tên mà dân mạng đặt cho Hạ Hồng Việt (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Công nghệ Hà Nội), người khởi xướng chiến dịch ý nghĩa này.
Việt kể tình cờ thấy một bộ ảnh được dịch lại từ nước ngoài với tiêu đề “ngưng ngược đãi”, chợt nghĩ tại sao không làm một chiến dịch “Ngưng ngược đãi” dành cho người VN? Suy nghĩ thế rồi Việt triển khai.
Theo Việt, sự ngược đãi tồn tại như một điều hiển nhiên của cuộc sống. Là do sự mâu thuẫn giữa người với người. Con người ai cũng sống vì bản thân mình. Hai người bất kỳ dù thân nhau đến đâu rồi cũng đến lúc xuất hiện những mâu thuẫn lợi ích, nên lúc đó có thể họ sẽ làm tổn thương nhau. Đôi khi để bảo vệ một ai đó, vẫn phải chấp nhận làm tổn thương người khác. Thế nhưng ít ai biết được rằng khi bị ngược đãi, nạn nhân chắc chắn sẽ gặp rất nhiều sự tổn thương. Những tổn thương ấy tác động tới tinh thần, nếu trở nên nghiêm trọng thì khó phai mờ hơn những nỗi đau thể xác rất nhiều. Nhất là khi con người bị đặt vào thế yếu, bị làm tổn thương, không thể tự bảo vệ mình, thì họ cũng không có khả năng lên tiếng cho chính bản thân mình…
Trò chuyện với PV Thanh Niên, Việt cho biết rất vui khi chiến dịch “Ngưng ngược đãi” ngày càng có đông dân mạng hưởng ứng tham gia. Mặc dù vậy, sự ngược đãi vẫn còn hiển hiện. Chính vì thế, chia sẻ với những ai đã và đang vô tình ngược đãi người khác, bằng bất cứ dạng nào như: qua lời nói, nói xấu sau lưng, bình luận trên mạng, sự thờ ơ… thì cũng nên hiểu rằng điều đó có thể làm tổn thương người khác hay không. Và nếu vô tình làm người khác đau, hãy chân thành đồng cảm với họ, nghĩ kỹ trước khi nói câu: “Chỉ đùa thôi mà, có gì đâu”, Việt nhắn nhủ.
Bình luận
“Ngược đãi có muôn hình vạn trạng, là dọa nạt, chửi bới, bắt nạt, miệt thị, dè bỉu... Đừng bao giờ tự cho mình quyền được làm tổn thương người khác”.
(Lê Vương/Facebook)
“Rất thích chiến dịch này. Rất mong Ngưng ngược đãi sẽ tiếp tục lan tỏa rộng rãi, để người và người bảo vệ nhau tránh khỏi những sự tổn thương”.
(Tuấn Quảng/instagram)
“Nên chăng mỗi người hãy ý thức về việc làm tổn thương người khác, ý thức hơn về việc ngược đãi. Cuộc đời chỉ đẹp khi người ta thay vì cố ý làm tổn thương nhau, thì họ cố gắng để hiểu nhau hơn”.
(Vũ Thanh/Facebook)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.