Cứ mỗi lần đến một vùng đất mới lạ, tôi thường chọn chùa chiền hoặc đền miếu là điểm đến thăm viếng đầu tiên. Bởi lẽ di tích không chỉ đơn thuần là kiến trúc cổ kính, trầm mặc mang giá trị văn hóa tín ngưỡng, tâm linh bản địa mà còn gắn liền lịch sử khai hoang mở đất của tiền nhân.
Đền xưa bên sông Lam huyền thoại
Đền Vạn - Cửa Rào nằm ngoại vi thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương, mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa tiêu biểu của các dân tộc miền thượng du xứ Nghệ, có sức sống trường tồn suốt chiều dài lịch sử 700 năm và tọa lạc trên cù lao hình mũi thuyền giữa ngã ba sông: gồm hai nhánh Nậm Nơn phía tả, Nậm Mộ phía hữu, cùng bắt nguồn từ nước Lào sau khi vượt qua bao thác ghềnh hiểm trở, đến phía trước đền Vạn - nơi người bản địa đặt cho một cái tên rất ấn tượng: Cửa Rào. Từ đây, cả hai hợp lưu khai sinh nên sông Lam hay còn gọi là sông Cả (sông lớn).
Ở nơi này, sông Lam tiếp tục cuộc hành trình về xuôi trên quê hương xứ Nghệ với chiều dài hơn 360 km và được tiếp nước bởi sông Hiếu (huyện Quế Phong), sông Giăng (huyện Con Cuông), sông La (huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh) trước khi dùng dằng, chậm rãi hòa vào biển lớn ở cửa Hội.
Cũng trên hành trình ấy, từ bao đời nay, dòng sông đã trở thành cội nguồn văn hóa, nuôi sống biết bao thế hệ cư dân: Ơ Đu, Thái, Mông, Kinh và cùng với dãy núi Hồng Lĩnh, sông Lam mang tính biểu tượng của vùng Hoan Châu xưa, tức hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay.
Rời đường 7A, tôi bước xuống cầu treo vắt qua con sông Nậm Mộ dẫn tới quần thể kiến trúc đền miếu, mặt nhìn ra sông Lam theo hướng chính đông.
Gió từ sông phả lên người mát lạnh. Quả là sảng khoái, mệt nhọc tiêu tan sau những chặng đường đèo, dốc liên miên để lên với một kỳ tích của tạo hóa. Theo ông Nguyễn Trọng Thắng, thủ nhang đền Vạn - Cửa Rào: Tiền thân của đền Vạn vốn là một miếu nhỏ do dân vạn chài đầu nguồn sông Lam góp của, công sức dựng nên vào năm 1335 nhằm nhang khói tưởng nhớ Đốc tướng quân Đoàn Nhữ Hài - danh thần trải qua ba đời vua nhà Trần. Người đã cùng các tướng sĩ trung nghĩa, phụng mạng Thượng hoàng Trần Minh Tông đi dẹp giặc Ai Lao quấy nhiễu vùng phên dậu tây nam, chẳng may bị mai phục tử nạn tại khu vực Cửa Rào trong năm ấy.
Sau đó, ngôi miếu được mở mang, xây dựng dần trở thành công trình đồ sộ, đẹp đẽ thấp thoáng dưới những tán cây cổ thụ ngàn năm tuổi và đặt tên đền Vạn do nằm ngay vị trí ngã ba sông, cũng có ý nghĩa do những người sống trên sông nước lập nên.
Tương Dương là huyện có 6 dân tộc anh em sinh sống gồm: Thái, Kinh, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, Tày Poọng với tổng số dân là 75.993 người. Trong đó, người Thái chiếm số đông với 54.815 người, 3.083 người Mông, 8.979 người Khơ Mú, người Kinh chiếm khoảng 10% nằm trong nhóm "dân tộc thiểu số".
Dù trong quá trình phát triển xã hội kéo theo sự biến đổi các giá trị văn hóa truyền thống nhưng người Thái ở Tương Dương vẫn lưu giữ bản sắc văn hóa cả về phong tục, ẩm thực, trang phục và hàng ngày dưới nếp nhà sàn vẫn vang lên âm thanh lách cách của tiếng thoi đưa trên khung cửi.
Từ công cụ nông nghiệp trở thành sản phẩm du lịch
Càng nể phục hơn khi trên đường liên xã từ ngã ba Cửa Rào, vượt dốc Bản Vẻ, qua xã Yên Hòa, khách dễ dàng bắt gặp ven con suối, con sông hay cánh đồng xanh mướt những chiếc cọn nước, hay còn gọi là guồng nước, bánh xe nước - một công cụ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của vùng sơn cước, được bà con lắp đặt hoàn toàn bằng thủ công từ tre nứa, lạt, song, mây… có sẵn tại địa phương.
Cọn nước hoạt động nhờ dòng chảy của con suối Chà Hạ tạo thành lực đẩy khiến bánh xe chầm chậm quay vòng đều đặn đưa những ống nước bằng thân cây bương lên cao, tới vị trí nhất định, các ống bương sẽ dốc nước xuống các máng tre dẫn vào ruộng bậc thang hoặc tưới cho cây trồng.
Sống trên vùng cao, địa hình chia cắt, việc làm kênh mương để có nguồn nước gieo cấy như miền xuôi là điều không thể. Thêm nữa, dân bản còn nghèo, việc sắm máy bơm dẫn nước vào ruộng đồng là điều xa xỉ, chi bằng quay về với công cụ cọn nước truyền thống như cha ông xưa kia vừa chi phí thấp, hiệu quả cao lại phù hợp địa hình đồi núi.
Từ khi có những chiếc cọn nước ngày đêm quay miệt mài cùng hình ảnh người dân quăng chài bắt cá mưu sinh khắp khúc sông, con suối là những nét chấm phá cho bức tranh sơn thủy thêm phần tươi đẹp, đã thu hút ngày càng đông du khách gần xa đến thăm thú, chụp ảnh… Vì thế, ngành văn hóa xã Yên Hòa đã vận động dân làm mương dẫn nước, lắp cầu tre, chòi ngắm cảnh bên cạnh những cọn nước được lắp đặt thành hàng dài đang hoạt động trên dòng suối trong xanh… nhằm phát triển du lịch cộng đồng cho địa phương.
Không chỉ có thế, để tăng sức hấp dẫn và níu chân khách, người dân địa phương mở điểm du lịch sinh thái tại cánh rừng săng lẻ với vô số cây dáng mảnh khảnh, cao hàng chục mét đan xen cây cổ thụ, nhằm để khách nghỉ ngơi, thưởng thức món ăn truyền thống, giao lưu điệu xòe Thái. Thật là một công nhưng gặt hái được đôi ba việc, vừa duy trì nét văn hóa mang dấu ấn của dân tộc Thái sống tại miền biên viễn, vừa xây dựng sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp và giúp bà con thêm thu nhập.
Bình luận (0)