Người Anh bắt đầu bỏ phiếu việc đi hay ở lại EU

23/06/2016 17:05 GMT+7

Ngày 23.6, hàng triệu người dân Anh bắt đầu bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về Brexit, tức Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Theo AFP, 46,5 triệu cử tri đi bỏ phiếu để quyết định tương lai của Anh là ở lại hay rời khỏi EU. Trong lá phiếu có câu hỏi: “Anh nên duy trì làm thành viên của EU hay rời khỏi EU?”. Mỗi cử tri sẽ chọn một trong hai lựa chọn: “Duy trì làm thành viên EU” hay “Rời khỏi EU”. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý sẽ được công bố vào ngày mai 24.6.
Theo Reuters, đa số các cuộc khảo sát trước thềm cuộc trưng cầu dân ý cho thấy chiến dịch Remain (tức Anh ở lại EU) có số lượng cử tri ủng hộ gần như ngang bằng với phe Leave (tức Anh rời khỏi EU).
Phe Leave khẳng định nền kinh tế Anh sẽ gặp nhiều thuận lợi từ Brexit. Nhưng Thủ tướng Anh David Cameron, ủng hộ phe Remain, cảnh báo nếu Anh rời khỏi EU có thể gây ra khủng hoảng tài chính.
Các doanh nghiệp và nhà đầu tư đang trong tư thế chuẩn bị cho rủi ro biến động thị trường tài chính sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý, dù Anh có ra đi hay ở lại EU.
Bộ trưởng Tài chính từ các nước G7 sẽ ra một tuyên bố chung nhấn mạnh họ sẵn sàng có những biện pháp cần thiết để bình ổn thị trường nếu Anh bỏ phiếu rời khỏi EU.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard and Poor's có thể hạ bậc chỉ số xếp hạng tín dụng của Anh vốn đang ở mức tốt nhất là AAA (tức có những người vay tốt nhất, đáng tin cậy và ổn định) nếu Anh rời khỏi EU, ông Moritz Kraemer, một lãnh đạo phụ trách về xếp hạng tín dụng của Standard and Poor's cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ Bild (Đức).
Reuters dẫn lại kết quả các cuộc khảo sát cho thấy người dân thế hệ trẻ ở Anh ủng hộ ở lại EU hơn thế hệ lớn tuổi hơn vốn muốn Anh rời khỏi EU.
Người ủng hộ chiến dịch Remain cầm banner kêu gọi cử tri bỏ phiếu để Anh ở lại EU Reuters
“Hãy bỏ phiếu ở lại để nước Anh phát triển tốt hơn trong một EU đã được cải tổ”, ông Cameron phát biểu trước những nhà vận động chiến dịch Remain vào ngày 22.6.
Đối thủ chính của ông Cameron là cựu thị trưởng London, ông Boris Johnson quyết định theo đuổi chiến dịch Leave, đã kêu gọi cử tri “đây là cơ hội cuối cùng để quyết định”.
Phe Remain chỉ trích đối thủ, cho rằng Brexit sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, an ninh quốc gia của Anh. Trong khi đó, phe Leave nói việc ở lại EU khiến Anh không thể kiểm soát được dòng người tị nạn ồ ạt đến nước này.
“Nếu chúng ta không bỏ phiếu rời khỏi EU, chúng ta sẽ bị khóa chặt trong cốp xe hơi và chẳng biết được chở đến đâu, nói trắng ra, là đến một nơi chúng ta không muốn đến và có lẽ là bởi vì người tài xế không biết nói tiếng Anh”, ông Johnson, tuyên bố. Ông Johnson vốn là ứng viên hàng đầu thay thế ông Cameron trong cuộc bầu cử sắp tới.
Các lãnh đạo trên thế giới, từ Tổng thống Mỹ Barack Obama cho đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cùng lãnh đạo những tổ chức tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp toàn cầu đã kêu gọi Anh ở lại EU.
“Hãy ở lại với chúng tôi”, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk kêu gọi cử tri Anh.
“Không có Anh, không chỉ châu Âu và toàn thể cộng đồng các nước phương Tây sẽ suy yếu. Đoàn kết lại, chúng ta sẽ có thể đối phó với những thách thức gian nan hơn trong tương lai”, ông Tusk nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.