Người bất chấp 'Long vương, Hà bá' lao mình cứu hai trẻ nhỏ đuối nước

12/06/2016 08:02 GMT+7

Thảm nạn đuối nước khiến ba em nhỏ trong cùng một gia đình tử vong xảy ra ở Huế tuần qua đã bớt xót xa hơn khi có hai em khác được một người đàn ông bất chấp hiểm nguy cứu sống.

"Tiếc là chỉ cứu được hai... "

Đó là khoảnh khắc khó quên với cuộc đời của người đàn ông 43 tuổi, có dáng vẻ dạn dày sương gió.

Ông tên là Nguyễn Hữu Lộc, 46 tuổi, người làng Dương Nổ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Là người đã giúp giảm đi sự đau thương cho gia đình cụ Nguyễn Thông (78 tuổi, ở làng Dương Nổ) khi cứu được 2/5 người cháu nội của cụ sau khi ra bến sông quê câu cá rồi bị đuối nước.

Ba cháu khác ông Lộc không cứu kịp đã vĩnh viễn ra đi gồm Nguyễn Minh Anh Sơn (11 tuổi, chuẩn bị lên lớp 6), Nguyễn Minh Anh Thư (9 tuổi, HS lớp 4, cả hai đều là con ông Nguyễn Minh Hải, trú ở thị trấn Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị), Nguyễn Thị Thu Hằng (8 tuổi, lớp 3, con ông Nguyễn Minh Tuấn, trú tại xã Phú Dương, anh ruột ông Hải, cả ba nạn nhân này đều là anh chị em chú bác ruột).

Nỗi đau của bà Nguyễn Thị Hương, người mẹ, bác mất một con, hai cháu trong vụ đuối nước thương tâm - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Ông Lộc kể vào khoảng 10 giờ ngày 6.6, ông đi công chuyện về ngang bến sông quê ở xóm 8, làng Dương Nổ thì thấy có bốn cái tay đang chấp chới. Ông đã đi xe lướt qua rồi, nhưng thấy bất thường nên quay lại xem thì không thấy mấy cái tay đó nữa.

“Tui chỉ kịp rút cái điện thoại đôi (quẳng) bên đường rồi cứ thế lao xuống sông. Lúc lặn xuống hai cháu đang chìm dần xuống đáy sâu khoảng 3,5 - 4m. Tui liền ôm lấy cháu gái đưa lên khỏi mặt nước rồi bơi vào bờ, sau đó đến lượt cứu cháu trai. Cứu xong hai đứa thì người mệt lử, bà con cũng đã tới đông. Khi đó tui mới biết dưới sông còn ba cháu khác, sau đó thì thợ lặn vớt đưa thi thể các cháu lên bờ... Đến chừ tui cũng chưa rõ mấy cháu tên chi…” – ông Lộc nhớ lại.

Đông đảo người dân đến chia buồn gia đình các em nhỏ tronng những ngày qua - Ảnh: ĐÌNH TOÀN
 
Ông Lộc nói, ông có năm người con, đứa lớn năm nay lớp 12, đứa út lớp 4. Ông lao động phổ thông “cơ động”, còn vợ bán cháo lòng ở chợ Dương Nổ. Đây không phải lần đầu ông cứu người.
Trong cơn lũ lịch sử năm 1999, ông Lộc cũng đã từng cứu hai nữ sinh ở Thuận An, Phú Vang đi học về đoạn qua cầu Diên Trường, trên QL 49B bị nước cuốn.
“Quan niệm dân gian thì cứu sống người đuối nước là có tội với Long Vương, Hà Bá. Tui không biết có đúng không, chỉ thấy các cháu đuối nước thì lao xuống cứu thôi. Là phản xạ tự nhiên, trách nhiệm làm người thế thôi. Tiếc là tui phát hiện muộn nên chỉ cứu được hai cháu” – ông Lộc thoáng buồn.

Về thăm nội, ngủ yên vĩnh hằng

Khi chuyện trò với ông Lộc thì thi thoảng tiếng chiêng buồn đến quặn lòng từ nhà cụ Nguyễn Thông vọng lại.

Bà Nguyễn Thị Hương, 43 tuổi, mẹ và bác của ba đứa trẻ tử nạn, kể rằng ba người cháu của bà là Anh Sơn, Anh Thư (đã mất), Nguyễn Thị Châu Anh (7 tuổi được ông Lộc cứu sống) rất ngoan hiền.

Do ba mẹ sống và làm ăn ở Quảng Trị nên thi thoảng các cháu mới được về thăm nội. Các cháu nghỉ hè nên về Huế thăm nội, định nán lại vài hôm ăn tết Đoan Ngọ xong thì ra lại Quảng Trị.

May “trời còn thương” nên bé Châu Anh và bé Nguyễn Minh Tú, 12 tuổi (con ruột) đã được ông Lộc cứu sống. Ngày 9.6 cả ba em vốn là anh em chú bác ruột được an táng nơi quê nhà.

Những ngày qua, bà con xóm làng gần xa, chính quyền, mặt trận, nhiều tổ chức đoàn thể từ thôn lên tỉnh đã đến chia buồn, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần ông bà, bố mẹ các cháu nhỏ gặp nạn. Lẫn trong tiếng khóc than, có cả những lời ân hận muộn màng của người lớn, một phút lơlà thiếu trách nhiệm với trẻ nhỏ đã dẫn đến thảm cảnh…

Bến sông quê có mực nước sâu không được cảnh báo đã cướp đi sinh mệnh ba em nhỏ ĐÌNH TOÀN

Bà Võ Thị Kim Khánh, Phó trưởng Phòng bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em nói chung và đuối nước nói riêng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt.

Riêng ở Thừa Thiên Huế Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có công văn chỉ đạo, các huyện cũng đã triển khai, tuy nhiên trách nhiệm chính vẫn là gia đình các em, nhất là những ngày nghỉ hè.

Riêng bến sông xảy ra vụ đuối nước ở làng Dương Nổ là nơi nguy hiểm vì nước sâu, nhưng không có cảnh báo.

“Thông tin chúng tôi được biết là một cháu bị trượt chân rơi xuống nước, rồi các cháu nắm tay nhau kéo lên nên xảy ra thảm nạn… So với trẻ em thành phố thì trẻ em nông thôn biết bơi một cách tự nhiên, nhưng không có kĩ năng “thoát đuối nước” và “cứu đuối nước”. Sắp tới chúng tôi sẽ tìm nguồn lực để dạy những kĩ năng này” – bà Khánh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.