Người bền bỉ “cấy nền”

Ngọc An
Ngọc An
24/01/2023 08:00 GMT+7

Một buổi sáng đầu đông Hà Nội, vị giáo sư 76 tuổi, tóc bạc trắng, say sưa nói về những khát khao tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm Việt trên thế giới giữa những doanh nhân, những bạn trẻ và cả những người vì yêu mến ông mà đến.

Đã quá trưa mà những gương mặt háo hức vẫn vây quanh “ông tiên” - cách mà nhiều người vẫn gọi GS Phan Văn Trường. Người muốn được ông ký sách, người muốn được hỏi thăm ông, người muốn được ôm ông… Còn ông thì quên mất cả việc mình chẳng kịp uống ngụm nước nào suốt mấy tiếng đồng hồ. “Tôi hạnh phúc trong sự bận bịu”, ông bảo tôi.

GS Phan Văn Trường

Ai cũng là thầy, ai cũng là trò

Buổi trò chuyện nằm trong hoạt động của hệ sinh thái Cấy Nền mà GS Phan Văn Trường đã khởi xướng từ năm 2019. Ở đó, mọi người được nghe chuyện của cô gái trẻ vì thương những nghệ nhân nghèo khó mà tìm cách phát triển làng nghề, đưa những sản phẩm lụa Việt đi muôn nơi; là chuyện của một cán bộ nhà nước làm thêm việc đi trồng rau vì muốn dân mình được ăn rau sạch; là chuyện nữ doanh nhân thành công với sữa hạt cùng khát khao mang đến sức khỏe cho người Việt…

Đã có không biết bao nhiêu những buổi trò chuyện như vậy được tổ chức. Sau 3 năm, Cấy Nền đã trở thành hệ sinh thái kết nối hàng chục nghìn người Việt ở trong nước và khắp nơi trên thế giới. GS Phan Văn Trường bảo chính ông cũng bất ngờ khi có nhiều người Việt đến với Cấy Nền như thế. Trong khi, việc tạo dựng Cấy Nền được bắt đầu từ ý tưởng giản dị: Mỗi tháng một vài lần, ông dành tặng 48 giờ đồng hồ của mình để chia sẻ những ý kiến riêng “với tinh thần trách nhiệm và tâm hồn trong sáng” cho những bạn trẻ muốn hỏi những câu hỏi triết lý sống và phát triển nghề nghiệp.

Lúc lập Cấy Nền, dù nhận thấy sức khỏe của mình không được dồi dào như trước, nhưng ông vẫn không thể dừng bởi những đau đáu: “Tôi đã gặp những bạn trẻ vô cùng thông minh, vô cùng trí tuệ, vô cùng hiếu học, vô cùng chăm chỉ, nhưng mà cứ đi sai đường. Mà đi sai đường là rủ nhau cùng sai, biết đi sai nhưng vẫn đi. Người Việt Nam mình lạ lắm, không đi thì mình sợ chậm trễ, sợ cái gì cũng không biết”.

“Những bài học trong Cấy Nền không phải là bài học của một tổ chức, bài học của một lớp người mà đây chỉ là chia sẻ của một người mà ai đến có thể vì yêu và lấy được một chút năng lượng nào đó. Tôi dạy cho các em có trái tim để yêu, có tấm lòng để trắc ẩn và tay và chân để làm từ thiện. Thế thôi!”, GS Phan Văn Trường giải thích ngắn gọn.

GS Phan Văn Trường trong buổi trò chuyện cùng sinh viên, người trẻ

NVCC

Ông nói vậy, nhưng thực ra, mỗi người có thể học nhiều điều trong mỗi chương trình của Cấy Nền. Hàng trăm khóa học, tọa đàm, thảo luận của Cấy Nền đã được tổ chức khắp đất nước và tại nước ngoài theo cách trực tiếp và trên nền tảng trực tuyến với nhiều chủ đề khác nhau về khởi nghiệp, thương thuyết, quản trị, công dân toàn cầu, phát triển bản thân; Chẳng hạn: Thuận tự nhiên để trường tồn và phát triển bền vững; Hạnh phúc trong công việc, công dân toàn cầu, công dân vũ trụ; Kết nối và tương trợ; Làm gì để thành công khi sống ở nước ngoài?...

Sau Cấy Nền, Trường Vũ Trụ đã được ra đời từ trải nghiệm cá nhân của ông: “Một tay golf vô địch Malaysia trước mỗi giải đấu quốc tế thích chơi với tôi. Trình độ của tôi kém hơn anh nhiều, nhưng anh nói không phải muốn đấu với tôi mà chơi với tôi rất sướng vì tôi nhìn thấy lỗi của anh. Anh xin gọi tôi là thầy, dù tôi chơi thua rất nhiều. Lần tôi gặp một em sinh viên 18 tuổi, tôi hỏi em có biết dùng Facebook không, dạy tôi đi. Em dạy tôi xong, tôi nói em vừa làm thầy tôi đấy…”.

Ý tưởng “ai cũng là thầy, ai cũng là trò” của Trường Vũ Trụ bắt đầu từ quan sát tưởng như bình thường đó, nhưng nơi đây đã trở thành nơi mang tới cho mọi người những kiến thức, điều hay của cuộc sống, từ ngoại ngữ đến cắm hoa, làm mắm, nấu phở… Có anh nông dân không kiếm đủ tiền học tiếng Anh thì bây giờ đã có thể vào “trường” với nhiều người thầy sẵn sàng dạy miễn phí. “Có người dạy nấu phở thì thêm nhiều người biết nấu phở ngon, có người dạy trồng hoa thì thêm nhiều người biết trồng hoa đẹp. Với tôi, như thế là chúng ta thành dân tộc bảo nhau, dân tộc thương yêu nhau”, ông cười và nói.

Để sản phẩm Việt tạo thương hiệu trên trường quốc tế

Tinh thần chung của Cấy Nền và Trường Vũ Trụ là bình đẳng, hồn nhiên, thẳng thắn và tích cực. Cùng với tinh thần này, ông muốn những người con nước Việt ở khắp mọi nơi cùng kết nối, tạo giá trị cho đất nước, trong đó có phát triển kinh tế, thương mại mà một “nhiệm vụ” cụ thể là để sản phẩm Việt có thương hiệu trên trường quốc tế.

GS Phan Văn Trường, cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế từ thập niên 1990, đã 2 lần được Tổng thống Pháp phong Hiệp sĩ (Đài ghi công, năm 1990 và Bắc đẩu Bội tinh năm 2006). Tại Việt Nam, ông được Chủ tịch nước tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục vào năm 2010. Ông là giáo sư giảng dạy tại Trường đại học Paris 1 - Pathéon Sorbonne, Đại học Kiến trúc TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Ông là nhà lãnh đạo, quản lý và quản trị của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kinh doanh, xây dựng, điện lực, giao thông vận tải, lọc nước, đô thị và dầu khí. Năm 2017, ông cùng 22 nông dân trẻ thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp mực. Chỉ sau 2 năm, câu lạc bộ đã có 80.000 thành viên, trở thành hệ sinh thái nơi nông dân khắp các tỉnh, thành được kết nối, chia sẻ thông tin.

Ông là tác giả của bộ sách Một đời gồm 3 cuốn Một đời thương thuyết, Một đời quản trị, Một đời như kẻ tìm đường; cuốn Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ. Cuốn sách đầu tay của ông Một đời thương thuyết được trao tặng Giải sách hay năm 2016.

Ông thấy tiếc vì Việt Nam đáng phải thuộc nhóm hàng đầu thế giới khi hội tụ nhiều yếu tố thuộc hàng nhất từ thực phẩm, hải sản, cảnh đẹp cho đến con người, nhưng lại vẫn chưa làm được. Theo ông, lý do là bởi người Việt vẫn còn nhiều “cái dại”.

Chẳng hạn, theo ông, một “cái dại” là người Việt thường mang tư duy “đánh lẫn nhau” để bán hàng trong khi toàn thế giới đã chứng minh muốn bán được nhiều thì phải bán cùng nhau, gọi thế là cạnh tranh tạo sự sầm uất. Ông nhắc lại, ngày xưa, ở Hà Nội, những phố hàng như Hàng Trống, Hàng Đào, Hàng Than… người ta bán hàng cùng mặt hàng ở đấy. Điều ông muốn và đang hướng nhiều doanh nghiệp trong nước là quay lại tư duy của các cụ ngày xưa “buôn có bạn, bán có phường”, cùng tạo ra những phố hàng như thế.

Một điều nữa mà ông trăn trở là người Việt không chịu chơi luật chơi chung mà có thể thấy ngay khi đi ra đường, người người vẫn theo kiểu “đường tôi tôi đi”. Trong khi, ngay những nước bạn xung quanh ta là Malaysia, hay Thái Lan từ lâu đã biết chơi đúng luật. “Họ đủ khôn ngoan để thấy rằng việc lách luật chơi dễ như chơi, nhưng mà khi lách luật chơi là nước họ sẽ bị loại”, ông nói.

Dù đang có những vấn đề trước mắt, nhưng ông lạc quan bởi dân tộc Việt là dân tộc cho thấy sự sẵn sàng giải quyết. Tuy nhiên, điều chúng ta cần củng cố là sự tự tin, ông muốn “đất nước dạy nhau tự tin”, mà dạy nhau tự tin chẳng có gì khó, cứ chia sẻ cho nhau những thành công hay cả những thất bại. Điều mà ông đang làm cũng là giúp cho “những cánh chim cuối đàn” tin tưởng lẫn nhau hơn, tin tưởng vào bản thân mình hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.