Xếp hàng từ 5 giờ sáng khám bệnh
Hôm qua 14.7, Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn TP.HCM. Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, Sở Y tế...
Báo cáo của ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP, cho biết: “Theo quy định của Luật BHYT, những người mới tham gia khám chữa bệnh BHYT phải đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại BV quận huyện, trạm y tế phường xã. Tuy nhiên, trong thực tế hiện không có trạm y tế nào đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT cả. Điều đó dẫn đến hiện nay phần lớn các BV tuyến quận huyện quá tải trầm trọng, không đáp ứng được nhu cầu người bệnh. Như tại BV Q.Bình Thạnh hiện có 226 ngàn người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu BHYT, khiến người bệnh phải đi khám từ 5 giờ sáng, phải xếp hàng chờ đợi. Trong khi đó, nhiều BV tuyến TP đã được TP đầu tư, nâng cấp thì lại vắng người bệnh BHYT, trông chờ người bệnh BHYT đến đăng ký, như tại BV Nguyễn Tri Phương hiện chỉ có hơn 67 ngàn người đăng ký BHYT, BV An Bình 58 ngàn người, BV Thống Nhất 62 ngàn người...”.
Sở Y tế TP kiến nghị cần cho hưởng 100% chi phí điều trị cho các đối tượng nghèo, cận nghèo; với trẻ em dưới 6 tuổi nên bỏ đồng chi trả 50% tiền thuốc chống ung thư, chống thải ghép nằm ngoài danh mục BHYT. Hiện theo luật, với hộ nghèo phải đồng chi trả 5%, hộ cận nghèo đồng chi trả 20%... |
Đáng lưu ý, ông Cao Văn Sang cho rằng hiện vẫn còn tình trạng bác sĩ, BV phân biệt đối xử giữa bệnh nhân BHYT và người bệnh thường. Bởi tiền công khám bệnh và tiền giường BHYT vẫn còn tính theo khung giá cũ, rất thấp (3.000 đồng/lần khám) nên các BV không “mặn” khi tiếp người bệnh BHYT...
Bội chi BHYT, do đâu?
Theo báo cáo của BHXH TP, tính đến ngày 30.6.2010, toàn TP có 4.346.615 người tham gia BHYT (trong đó chiếm phần lớn là CBCNV, người lao động tại các cơ quan và doanh nghiệp, với gần 1,5 triệu người). Theo thống kê, trong năm 2009, TP bội chi cho khám chữa bệnh BHYT gần 600 tỉ đồng. Việc bị bội chi, theo ông Cao Văn Sang, có rất nhiều vấn đề mà cơ quan quản lý y tế cần phải xem xét. Chẳng hạn: bội chi có liên quan đến việc đấu thầu, sử dụng thuốc tại các BV... Bên cạnh đó, phần lớn những người tham gia BHYT tự nguyện (hiện có gần 600 ngàn người) khi có bệnh mới mua BHYT...
Mặc dù công nhận giá thu tiền công khám chữa bệnh BHYT theo quy định cũ chỉ 3.000 đồng/lần khám là quá lạc hậu, nhưng phía BHXH TP cho rằng nếu tới đây áp dụng giá khám bệnh theo dự kiến của Bộ Y tế đưa ra là 40.000 đồng/lần khám là quá cao, các BV tư hiện cũng chưa lấy giá cao đến như vậy. “Nếu tính giá 40.000 đồng công khám, thì Quỹ BHYT không thể nào kham nổi”, ông Sang nói.
Vướng mắc
Theo ông Phan Văn Báu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, do thay đổi nhanh về những quy định, chẳng hạn từ đồng chi trả trong khám chữa bệnh BHYT, rồi bỏ đồng chi trả, nay lại thực hiện trở lại đồng chi trả... đã "gây tâm lý không vui cho người bệnh". Phía BHXH TP cho rằng từ khi thực hiện Luật BHYT đến nay, qua 1 năm đã có những sự không đồng tình của người bệnh. Cụ thể như vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử với bệnh nhân BHYT; việc đồng chi trả đối với một số đối tượng; người bệnh BHYT phải xếp hàng để làm quá nhiều thủ tục tại BV...
Bà Trần Kim Hà, Phó ban Dân nguyện, chuyển tải những bức xúc của người dân đến ngành y tế, BHXH, đó là việc triển khai Luật BHYT chậm; chi trả BHYT không hợp lý, chậm, nhất là tai nạn giao thông... đại diện UBND TP cũng cho rằng việc thực hiện Luật BHYT đúng là chậm. Ông Cao Văn Sang lý giải việc chậm là do chờ các thủ tục từ trung ương, trong đó có Bộ Y tế. Ông Sang cũng nhìn nhận khó khăn lớn nhất hiện nay trong khám chữa bệnh BHYT là người bị tai nạn giao thông rất bức xúc khi thanh toán tiền BHYT phải có xác nhận không vi phạm luật khi tham gia giao thông của ngành công an cấp. "Trong khi bị tai nạn giao thông, không ai đứng đó đợi, hay giữ nguyên hiện trường để chờ cảnh sát giao thông đến giải quyết, lập biên bản cả", ông Sang nói.
Thanh Tùng
Bình luận (0)