Người bệnh cần được tiếp cận hồ sơ bệnh án

13/04/2017 08:02 GMT+7

Đó là ý kiến của thạc sĩ Đinh Thị Thanh Nga, giảng viên bộ môn nhà nước và pháp luật Học viện Cán bộ TP.HCM, sau khi Thanh Niên ngày 11.4.2017 đăng bài: Người bệnh có được sao chép hồ sơ bệnh án?

Theo bà Nga, điều 11 luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) quy định: hồ sơ bệnh án (HSBA) là tài liệu y học, y tế và pháp lý; được bảo quản theo cấp độ mật của pháp luật về bí mật nhà nước. Người bệnh được cung cấp thông tin tóm tắt HSBA nếu có yêu cầu bằng văn bản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác... 
Bà Nga phân tích, về lý thuyết có thể cho rằng HSBA có những thuật ngữ chuyên môn người bệnh không cần thiết phải tiếp cận, vì trong quá trình KCB họ đã được giải thích đầy đủ về tình trạng bệnh, kết quả cũng như phương pháp chữa trị... nên cơ sở y tế chỉ cần cung cấp tóm tắt bệnh án là đủ.
Tuy nhiên, bệnh án chứa đựng thông tin liên quan trực tiếp đến người bệnh và họ có quyền tiếp cận (xem, nghe, đọc) đến toàn bộ những gì thuộc về chính mình và cũng có quyền yêu cầu bằng văn bản trích lục toàn bộ HSBA và chịu trách nhiệm với sự trích lục của mình. Nếu nói người bệnh được tôn trọng và giữ bí mật riêng tư nhưng lại không được tiếp cận HSBA thì họ sẽ không biết bí mật đó là gì. Nên họ hoàn toàn có thể nghi ngờ bản tóm tắt không đúng sự thật và bên cung cấp che giấu thông tin. Họ cũng khó có thể tham khảo ý kiến chuyên gia y khoa khác nếu không có HSBA với đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng, y lệnh nên dễ nảy sinh nguy cơ tranh chấp khi có tai biến. Khi yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho mình trong tranh chấp thì người bệnh cũng gặp khó khăn trong việc cung cấp chứng cứ để chứng minh có sai sót chuyên môn trong KCB. Việc khiếu kiện lâu nay của bệnh nhân chỉ dựa vào cảm nhận chủ quan với những thông tin tóm tắt do bị đơn (cơ sở y tế) cung cấp. Điều này có thể làm trầm trọng hơn tranh chấp mà điều này là không đáng có.
Theo bà Nga, tại Mỹ, các nước EU và một số nước đều cho phép người bệnh được xem HSBA và được cung cấp bản sao lục hồ sơ nếu có yêu cầu và chịu trách nhiệm với việc trích lục của mình. Trong một số trường hợp, việc cung cấp toàn bộ HSBA sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý hoặc tình trạng tinh thần của người bệnh hoặc các trường hợp khác thì bị luật cấm.

tin liên quan

Y tế công: Chất lượng và minh bạch
Đổi mới bệnh viện công được ngành Y tế Thủ đô xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm củng cố niềm tin, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đẩy mạnh công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Một chuyên gia về y tế cho rằng không cho người bệnh biết HSBA là không bình đẳng và xâm phạm quyền hiến định.
Theo vị này, nhân viên y tế đương nhiên là phải bảo mật thông tin bệnh nhân nhưng không phải là cấm tiếp cận. Việc cấm là do ngành, cơ quan đặt ra để bảo vệ mình. Vị này phân tích, bệnh nhân đã trả tiền cho việc điều trị thông qua bảo hiểm y tế hoặc chi trả trực tiếp nên họ có quyền tiếp cận thông tin của mình. Không phải chỉ HSBA mà ngay cả những xét nghiệm, hiện nay một số bệnh viện gây khó khăn cho bệnh nhân rất nhiều, mặc dù họ đã trả tiền và cung cấp bệnh phẩm cho bệnh viện làm xét nghiệm.
Vị này đề xuất nên chăng có quy định hợp lý hơn để các bệnh viện phải tuân thủ, minh mạch HSBA, các xét nghiệm. Điều này sẽ giúp bệnh viện giảm thiểu sai sót và ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.