Người bệnh tiểu đường: Đừng vì bận rộn ngày tết mà quên ăn...

Lê Cầm
Lê Cầm
08/02/2024 15:21 GMT+7

Người bệnh đái tháo đường (tiểu đường) nên duy trì ăn uống đều đặn các bữa; đối với các món đặc sản ngày tết giàu năng lượng thì nên chia nhỏ ra các bữa ăn, cần chuẩn bị thuốc đầy đủ...

Bận tiếp khách không ăn dẫn đến ngất xỉu, hôn mê

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Viết Thắng, Phó trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết thời điểm cận tết bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đái tháo đường nhập viện cấp cứu do bận rộn trong thời điểm cuối năm, không ăn uống theo dõi sức khỏe gây hạ đường huyết.

Điển hình là trường hợp của bệnh nhân nữ (54 tuổi, trú tại TP.HCM) được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hạ đường huyết nặng. Người nhà cho biết bệnh nhân mới phát hiện đái tháo đường phải tiêm insulin. Sau khi tiêm xong, bệnh nhân lại bận tiếp khách, chuẩn bị đồ ăn nên không kịp ăn. Khi người thân vào phòng bếp đã thấy bệnh nhân ngất trên sàn.

Hôn mê do hạ đường huyết đột ngột là biến chứng vô cùng nguy hiểm

Bác sĩ Thắng cho biết tình trạng hôn mê do hạ đường huyết một cách quá đột ngột là biến chứng vô cùng nguy hiểm, khiến bệnh nhân bất tỉnh. Nếu không can thiệp sớm, người bệnh dễ bị tổn thương não không hồi phục

Theo bác sĩ Thắng, ngày tết đối với người bệnh đái tháo đường có nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng tới sức khỏe.

Trong thời gian nghỉ tết, các cơ sở y tế chăm sóc người bệnh trong thời gian đó không mở cửa, người bệnh không lấy được thuốc. Ngoài ra, người Việt thường tâm lý mệt mỏi, ốm cũng "ráng" chờ qua tết tới khám.

Ngày tết mọi người thường chuẩn bị thức ăn mặn hơn, chứa nhiều đường hơn, các thực phẩm chế biến giàu năng lượng như bánh chưng, bánh mứt, nước ngọt có ga ảnh hưởng tới tăng đường huyết của người bệnh.

Người bệnh tiểu đường: Đừng vì bận rộn ngày tết mà quên ăn...- Ảnh 1.

Trong ngày tết các món ăn thường được chuẩn bị mặn hơn, nhiều chất béo, ngọt... ảnh hưởng tăng đường huyết

MINH HỌA: LÊ CẦM

Giờ giấc ăn uống cũng bị ảnh hưởng như bận tiếp khách, đi chơi bạn bè có thể khiến người bệnh bị hạ đường huyết. Trong dịp tết, người bệnh thường bỏ tập thể dục, bỏ các thói quen hằng ngày tốt cho sức khỏe.

Đặc biệt nguy hiểm là người đái tháo đường có đường huyết cao phải uống thuốc hoặc tiêm insulin nhưng lại quên thuốc hoặc không mang đầy đủ thuốc đi để uống và tiêm theo cữ hằng ngày.

Thạc sĩ Thắng cho biết người bệnh đái tháo đường khi dùng thuốc hạ đường huyết, đặc biệt là những bệnh nhân phải tiêm insulin cần phải nhớ không được bỏ bữa ăn hoặc ăn quá trễ, ăn ít hơn bình thường, vì rất dễ bị hạ đường huyết.

Đối với những bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, ăn uống, vận động tốt nhưng có dấu hiệu hạ đường huyết như mệt mỏi, hoa mắt, vã mồ hôi, lạnh, ý thức suy giảm… thì phải nhanh chóng bổ sung đường bằng cách ăn bánh kẹo, uống nước đường, sau đó đo đường huyết để kiểm tra.

Ngược lại, khi đường huyết cao, người bệnh có thể có các triệu chứng như mệt mỏi, uống nhiều, tiểu nhiều, đau bụng, thở nhanh, khó thở, ngủ nhiều… khi có triệu chứng kể trên người bệnh phải liên hệ ngay với bác sĩ điều trị hay đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Người bệnh tiểu đường: Đừng vì bận rộn ngày tết mà quên ăn...- Ảnh 2.

Với các món ăn giàu năng lượng như bánh tét, bánh chưng... thì nên chia ra ăn trong nhiều bữa

L.C

"Người bệnh không nên có tâm lý chờ hết tết mới đi khám. Nếu thấy mệt, triệu chứng nghi ngờ thì người bệnh nên thử đường huyết ngay để xác định chỉ số đường máu của mình có an toàn không", bác sĩ Thắng khuyến cáo.

Đối với người bệnh đái tháo đường, để đảm bảo sức khỏe trong ngày tết, cần cố gắng duy trì được thói quen ăn uống đều đặn hằng ngày. Chuẩn bị thuốc đầy đủ. Khi đi công tác, về quê, bạn cần mang sẵn thuốc và bộ đo đường huyết trong người. Trong một bữa không nên ăn thả cửa những món khoái khẩu nhưng không tốt cho sức khỏe, mà chia ra mỗi bữa vài miếng nhỏ. Người bệnh đái tháo đường nên hạn chế uống nhiều rượu vì khi hạ đường huyết dễ bị gây nhầm lẫn trong xử trí của những người thân xung quanh vì vậy có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.