|
Sáng 30.9, Trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh cảnh báo chiến dịch phong tỏa khu trung tâm do nhóm Occupy Central (OC) phát động đang “vượt tầm kiểm soát” và yêu cầu chấm dứt ngay lập tức, theo AFP. Đây là lần đầu tiên ông Lương phát biểu trước công chúng kể từ chiến dịch phong tỏa bắt đầu sáng 28.9, thu hút hàng chục ngàn người tham gia, làm tê liệt đường phố. Ngoài ra, ông Lương cũng được cho là đã đưa ra tín hiệu sẽ không từ chức theo yêu cầu của giới biểu tình. Theo tờ South China Morning Post (SCMP), ông Lương đã tuyên bố nếu ông từ chức thì người kế nhiệm vẫn sẽ do một ủy ban bầu cử chọn ra theo cách thức hiện nay.
Ông Lương còn cảnh báo các cuộc phản đối sẽ không thay đổi được lập trường của Bắc Kinh về cải cách bầu cử ở Hồng Kông. Sau khi ông Lương phát biểu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh lên tiếng chỉ trích phong trào biểu tình ở Hồng Kông là “cuộc tụ tập bất hợp pháp” và tuyên bố Bắc Kinh “hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ cách chính quyền Hồng Kông xử lý vấn đề này”, theo AFP.
Đáp lại, các nhóm biểu tình không những không giải tán mà còn nêu thời hạn buộc ông Lương phải từ chức và chuẩn bị đợt tập hợp lớn hơn. Cụ thể, OC đã ra thời hạn cuối cùng là vào hôm nay 1.10, ngày Quốc khánh Trung Quốc, ông Lương phải đáp ứng yêu cầu của họ về nền dân chủ thật sự, và từ chức. OC còn tiết lộ sẽ thông báo các kế hoạch “bất tuân dân sự” mới trong cùng ngày nếu tối hậu thư của họ không được đáp ứng. Tương tự, Tổng thư ký Hội Liên hiệp sinh viên Hồng Kông Châu Vĩnh Khang cảnh báo sẽ có thêm nhiều người tham gia biểu tình trong ngày 1.10 và những ngày còn lại trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc, theo SCMP. Hôm qua, nhóm người biểu tình đã lập thêm rào chắn trên phố vì lo ngại cảnh sát sẽ ra tay dẹp đám đông trước ngày 1.10. Ngoài ra, giới biểu tình còn lập các trạm cung cấp nước uống, trái cây, bánh, áo mưa, khăn, lều, khẩu trang, cho thấy họ chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài.
Hôm qua, người dân Hồng Kông tiếp tục chứng kiến hệ quả tức thì của chiến dịch phong tỏa. Cụ thể, 37 chi nhánh của 21 ngân hàng và nhiều trường học đã phải đóng cửa, nhiều tuyến xe buýt tiếp tục bị tạm ngưng hoặc đổi hướng, gây trở ngại cho việc đi lại của người dân. Sự bất tiện này khiến không ít người dân nổi giận, nhưng cũng có nhiều người không xem đó là vấn đề lớn và vẫn ủng hộ phong trào. Chẳng hạn, cô Richie Tsui chia sẻ với tờ SCMP rằng cô ủng hộ chiến dịch biểu tình và nhận định: “Nếu chính quyền tiếp tục phớt lờ những gì họ nói, tình hình này sẽ kéo dài”.
Thủ tướng Anh lên tiếng về Hồng Kông Ngày 30.9, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố ông “quan ngại sâu sắc” về những gì đang diễn ra ở Hồng Kông và cảm thấy có trách nhiệm lên tiếng ủng hộ thành phố này. Ông khẳng định với Đài Sky News rằng trong thỏa thuận giữa Anh và Trung Quốc về việc trao trả Hồng Kông có nhiều chi tiết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo cho người dân ở đặc khu này một tương lai dân chủ theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Phó thủ tướng Anh Nick Clegg cho biết ông sẽ triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại London Lưu Hiểu Minh để bày tỏ “sự thất vọng và lo lắng” trước việc Bắc Kinh từ chối bảo đảm quyền tự do bầu cử của người dân Hồng Kông. |
Văn Khoa
>> Dân Hồng Kông kêu gọi thế giới giúp đỡ
>> Giảng viên ủng hộ phong trào dân chủ ở Hồng Kông bị dọa giết
>> Thủ tướng Anh cực kỳ quan ngại tình hình Hồng Kông
>> Bắc Kinh sẽ bác yêu cầu từ người biểu tình Hồng Kông
>> Đặc khu trưởng Hồng Kông yêu cầu chấm dứt biểu tình ‘ngay lập tức’
Bình luận (0)