Người cha mù hát rong và đứa con 'Đại sứ văn hóa đọc'

10/12/2021 06:20 GMT+7

Người cha mù bẩm sinh, hành nghề hát rong nhưng là nguồn cảm hứng cho con gái nhỏ, để rồi em trở thành 'Đại sứ văn hóa đọc ' ở tuổi 14.

“Đôi mắt” của cha

Sống trong căn nhà nhỏ ngay dưới chân cầu Cửa Việt, Bùi Thị Thu Nhớ (14 tuổi, KP.5, TT.Cửa Việt, H.Gio Linh, Quảng Trị) hằng ngày vẫn dẫn người cha mù đi hát rong từ dọc bãi tắm Cửa Việt cho đến từng quán nhậu trên địa bàn thị trấn.

Bố của Nhớ, ông Bùi Đình Quốc (40 tuổi), ảnh hưởng từ chất độc da cam nên khi lọt lòng đã bị mù bẩm sinh, nhưng ông Quốc lại được trời phú cho giọng hát trầm ấm, nhờ đó “tận dụng” tài năng để có thể kiếm ra tiền từ nghề hát rong.

Lên 6 tuổi, Nhớ đã làm “đôi mắt” dẫn cha đi hát rong hằng ngày. Vào mùa hè, cứ tầm 14 giờ, khi du khách bắt đầu rủ nhau về tắm biển, cha con ông Quốc lại dẫn nhau đi hơn 1 km ra bãi tắm để vừa hát vừa bán kẹo kéo. Đến tối, họ lại đi ngược về trung tâm TT.Cửa Việt, tạt vào mấy quán nhậu để hát. Thi thoảng, cô con gái cũng được dịp trổ tài, kiếm thêm vài ba đồng rồi về nhà.

Lên 6 tuổi, Nhớ bắt đầu dẫn bố đi hát rong dọc bãi tắm Cửa Việt

BÁ CƯỜNG

Thời gian đó, ngày nào cũng vậy, ông Quốc và cô con gái út mới vào lớp 1 dắt nhau đi hát rong, bán kẹo kéo, thu nhập vào tháng “đắt show” nhất cũng được hơn 3 triệu đồng. Khoản tiền đó vừa dùng để lo cho Nhớ và chị gái ăn học, vừa lo chuyện ăn uống của gia đình. Mẹ Nhớ, bà Trần Thị Thu Thủy (47 tuổi), cũng không có công việc ổn định, hằng ngày ở nhà lo nội trợ. “Thi thoảng tôi cũng có đi làm thuê, ai kêu đâu làm đó. Tôi không biết đi xe máy, nên có lúc phải đi bộ 5 km mới đến chỗ làm, về đến nhà cũng đã quá giờ ăn tối. Thế là phải úp vội cho hai cha con bát mì ăn liền cho có sức để mai còn đi làm tiếp”, bà Thủy nói.

Một câu chuyện dân gian có từ xa xưa, nay mình viết tiếp bằng góc nhìn của thời đại mới cũng rất hay nên chắc chắn sẽ tạo nhiều yếu tố mới lạ, bất ngờ. Em yêu chuyện cổ tích, cũng như mong một ngày điều kỳ diệu sẽ đến với cha mình, gia đình mình.

Em Bùi Thị Thu Nhớ (H.Gio Linh, Quảng Trị)

Khi vào học cấp 2, được thầy cô khuyên nhủ, Nhớ mới chịu ở nhà để có thêm thời gian học tập. Việc dẫn người cha mù đi hát được thay thế bằng bà Thủy. Đổi lại, Nhớ ở nhà ôn bài vở và dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn... “Thời điểm này, vừa vướng dịch lại vừa vào mùa đông. Nguồn thu nhập từ bãi tắm coi như đã mất, bố mẹ chỉ biết đi làm ở quán nhậu. Đó chính là nơi để bố mẹ kiếm ra cặp sách, bút vở cho em. Không phụ công sức bố mẹ, em cũng cố gắng học thật tốt, để mỗi khi mẹ ốm em vẫn có thể dẫn bố đi làm”, Nhớ chia sẻ.

Nguồn cảm hứng từ người cha mù

Dẫn người cha mù đi hát hơn 5 năm nhưng Nhớ vẫn có thành tích học tập tốt. Trong suốt 9 năm học, cô gái nhỏ không ít lần đạt danh hiệu học sinh giỏi, mang về nhiều giải cấp trường, cấp tỉnh. Mới đây, Nhớ tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc với tác phẩm dự thi là viết tiếp câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, đoạt giải nhì cấp tỉnh và giải ba cấp quốc gia.

Nhớ nhận được rất nhiều nguồn cảm hứng, lời động viên từ người cha mù của mình

Điều thú vị, câu chuyện được Nhớ lấy cảm hứng từ chính người cha mù, một người rất thích đọc truyện cổ tích, truyền thuyết. “Được thầy cô chỉ dẫn, tạo điều kiện, em về tham khảo thêm ý kiến từ ba, được ba động viên và gợi ý vài câu chuyện cổ tích. Một câu chuyện dân gian có từ xa xưa, nay mình viết tiếp bằng góc nhìn của thời đại mới cũng rất hay nên chắc chắn sẽ tạo nhiều yếu tố mới lạ, bất ngờ. Em yêu chuyện cổ tích, cũng như mong một ngày điều kỳ diệu sẽ đến với cha mình, gia đình mình”, Nhớ nói.

Lâu nay, ông Quốc “đọc” truyện cổ tích hay bất cứ sách báo nào tất nhiên đều thông qua cô con gái. Cha nghe được truyện, con gái cũng đọc thêm nhiều sách, tích lũy kiến thức.

Ngoài giải thưởng Đại sứ văn hóa đọc, Nhớ cũng đoạt giải A cuộc thi “Tìm kiếm tài năng thiếu niên vùng đông Quảng Trị” với năng khiếu ca hát. Giải thưởng này cũng chính nhờ ông Quốc đã truyền cảm hứng lại cho cô gái nhỏ. Với chất giọng nhẹ nhàng, trong sáng của nữ sinh 14 tuổi, Nhớ khiến khán giả cảm động với những bài hát dân ca, những ca khúc về cha mẹ. Người cha mù tâm sự rằng chưa bao giờ nghĩ con mình sẽ đoạt giải thưởng trong một cuộc thi nào đó, nên những thành quả “vượt cả sự mong đợi” mà Nhớ gặt hái khiến cha mẹ rất vui. “Vợ chồng tôi đều không biết chữ. Điều mà chúng tôi mong nhất chỉ là con cái mình biết chữ để có cuộc sống tốt hơn”, ông Quốc tâm sự.

Thân hình nhỏ nhắn, tuổi nhỏ nhưng Nhớ đã có một khát vọng lớn. Trước mắt, Nhớ đang cố gắng thi đậu vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP.Đông Hà) và xa hơn là mong muốn trở thành một luật sư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.