Người “chạm trổ” lịch sử

23/02/2012 03:07 GMT+7

Những người chơi chim cảnh ở Sài Gòn không ai không biết đến “Châu chạm”, người nổi tiếng làm ra những lồng chim có độ tinh xảo cao bởi những đường nét chạm trổ độc đáo đến không ngờ.

Những người chơi chim cảnh ở Sài Gòn không ai không biết đến “Châu chạm”, người nổi tiếng làm ra những lồng chim có độ tinh xảo cao bởi những đường nét chạm trổ độc đáo đến không ngờ.  

“Châu chạm” là biệt danh của anh Nguyễn Hoàng Châu, ngụ ở P.10, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Mặc dù mới 36 tuổi nhưng anh đã có thâm niên trong nghề chạm trổ hơn 20 năm. Anh Châu tâm sự: “Trước đây ba tôi là một nghệ nhân chạm trổ nổi tiếng ở Sài Gòn. Khi lên lớp 5 tôi đã làm quen với những chiếc đục của những người thợ chạm trong xưởng mộc của ba tôi rồi đam mê và gắn bó với nghề này từ đó cho đến nay”.

 
Anh Nguyễn Hoàng Châu đang chạm trổ các chi tiết của lồng chim - Ảnh: Lê Thanh

Những tác phẩm trên lồng chim thường được anh tái hiện lại các thời kỳ, giai đoạn lịch sử, trận đánh lớn, truyền thuyết như: Lạc Long Quân - u Cơ, trống đồng Đông Sơn, trận đánh trên sông Bạch Đằng, danh tướng Trần Hưng Đạo… Tất cả đều được chạm trổ rất tinh tế, sắc sảo từng đường nét, vì thế dù giá bán rất cao nhưng vẫn được nhiều người đặt mua. Không chỉ có khách hàng trong nước mà ngay cả Việt kiều cũng rất ưa chuộng những tác phẩm do anh thể hiện trên chiếc lồng chim. Anh cho biết: “Có rất nhiều Việt kiều về nước đến đây đặt hàng”.

Một chiếc lồng chim anh làm ra có giá bán trung bình từ 40 - 50 triệu đồng, thậm chí có cái còn cao hơn rất nhiều vì tùy theo độ khó dễ mà khách yêu cầu. Anh Châu nói: “Nhiều người mới nghe qua giá 40 - 50 triệu đồng/chiếc thấy giật mình, tưởng không ai mua nổi, nhưng thực tế mình có rất nhiều đơn đặt hàng làm không xuể. Đôi khi phải từ chối vì sợ nhận rồi làm không kịp, mất uy tín”. Nhưng để hoàn thành một chiếc lồng có giá thành như thế cũng không đơn giản, phải làm liên tục từ 4 - 5 tháng mới xong vì chạm trổ từng chi tiết nhỏ trên chiếc lồng rất khó. Không những thế, nguyên liệu để làm được lồng chim cũng rất đặc biệt, đó là loại tre lồ ô có tuổi thọ lâu năm và gỗ pơ mu. “Để có những nguyên liệu này đích thân tôi phải lặn lội lên các tỉnh Tây nguyên, rồi nhờ những người dân bản địa ở đó tìm kiếm bán lại” - anh Châu chia sẻ.

“Khó khăn và gian nan là thế nhưng khi thấy sản phẩm của mình làm ra được nhiều người thích và trân trọng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Vì vậy, mặc dù có lúc cũng trải qua những giai đoạn thăng trầm, sóng gió tưởng chừng như bỏ nghề nhưng cứ nghĩ đến tình yêu nghệ thuật, hơn nữa mỗi ngày mà không nghe được tiếng đục đẽo thì tôi cảm thấy nhớ nhung và thiếu vắng một cái gì đó rất khó tả” - anh Châu nói. 

Lê Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.