Chết là hết. Nhưng có những người khi chết đi họ vẫn có còn ích cho xã hội, thân xác họ trước khi tan vào cát bụi đã góp phần vào sự phát triển của y học, phục vụ cho việc cứu người.
Cái chết của họ vì vậy không phải là hết, mà là sự tiếp nối của sự sống khác.
|
Ước nguyện cuối đời của người cha
|
Trưa 8.9, khi chúng tôi đến gia đình anh Nguyễn Trùng Quang (ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng là lúc gia đình đang hoàn tất những giấy tờ liên quan đến việc hiến thi hài của người cha là ông Phạm Văn Tâm (66 tuổi). Ông Tâm vừa mất hôm 7.9, và thi thể ông được chuyển đến bộ môn Giải phẫu học Trường ĐH Y Dược TP.HCM lúc 11 giờ cùng ngày, theo ý nguyện hiến thi hài cho khoa học của ông Tâm. Toàn bộ quy trình chỉ vọn vẹn có 9 giờ đồng hồ.
Dù đau buồn bởi mất đi người cha, người ông đáng kính, nhưng con cháu ông Tâm cảm thấy tự hào về việc làm của ông. “Ba hay nói “sau này ba mất các con không phải lo gì cho ba cả, cứ gọi điện thoại thì sẽ có người đến lo hậu sự cho ba”. Ban đầu, cứ ngỡ ba nói vui lúc tuổi già sức yếu, nhưng mãi đến lúc ba gần mất đi, thì gia đình mới biết đó là ý nguyện hiến thi hài cho khoa học của ba”, anh Quang, là con rể của ông Tâm, chia sẻ.
Theo vợ chồng anh Quang, ông Tâm đã nói về chuyện hiến thi hài từ lâu, nhưng gia đình không nghĩ là ông đã tự mình đi làm giấy tờ và đăng ký hiến thi hài cách đây hơn chục năm (vào năm 2000). Mãi đến những ngày cuối đời, người nhà mới phát hiện tờ giấy đăng ký hiến thi hài, tờ thông tin về những điều cần biết khi hiến thi hài và một cái thẻ được cấp khi hoàn thành việc đăng ký - những giấy tờ này được ông Tâm bao bọc cẩn thận trong túi ni lông và luôn để trong người.
Thực hiện đúng ý nguyện cuối đời của ông Tâm, nên khi ông vừa qua đời, gia đình đã lập tức liên lạc ngay với Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Anh Quang cho biết thêm ban đầu gia đình cũng lo lắng vì chưa bao giờ gặp phải trường hợp này, nhưng sau đó biết ý nghĩa việc ba làm nên cả nhà nhẹ nhàng hơn rất nhiều. “Gia đình sẽ gặp được ba bất cứ lúc nào muốn trong giờ hành chính, chỉ cần báo trước để phía trường biết có sự chuẩn bị”.
Hiến thi hài giúp ích cho đời
Vượt qua mọi ngăn cản của gia đình, bạn bè, chị Châu Thị Lan Phương (46 tuổi) quyết định làm đơn xin hiến thi thể từ khi ở tuổi 31. Tiếp chúng tôi tại chung cư 218 Nguyễn Đình Chiểu (P.6, Q.3, TP.HCM), chị Phương luôn cười tươi trong lúc tâm sự: “Cuộc đời có bao lâu đâu nên phải cố gắng sống cho tốt với tất cả mọi người, và khi chết cũng cần mang lại nhiều ý nghĩa cho cuộc đời”. Chính từ những suy nghĩ đó, chị Phương quyết định làm đơn xin hiến thi hài cho khoa học. “Khi mới biết việc tôi hiến thi hài, cả gia đình và bạn bè đều phản đối, vì vậy tôi phải vừa kiên quyết vừa thuyết phục mọi người dần”, chị Phương kể. Và rồi, nhờ suy nghĩ có ý nghĩa cho đời, sự kiên quyết đã giúp chị Phương thuyết phục được mọi người xung quanh.
Chị Phương tâm tình: “Rồi thời gian sau gia đình tôi cũng hiểu và nhìn nhận đó là việc làm đầy ý nghĩa. Chính mẹ tôi từ phản đối, sau đó mẹ tự nguyện làm đơn xin hiến thi hài. Cô bạn thân cũng vậy, lúc đầu khi nghe tôi nhắc đến chuyện hiến thi hài thì phản đối và cho rằng chuyện điên rồ, nhưng rồi sau đó cô ấy cũng tự nguyện hiến thi thể mình cho khoa học. Thời gian sau thì cô bạn tôi mất, thi thể của bạn tôi hiện đang được phục vụ cho việc giảng dạy tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM”. Hiện nay, hằng ngày chị Phương luôn mang theo thẻ hiến thi hài khi đi làm. “Cuộc sống không biết trước được, nên tôi luôn mang theo thẻ hiến thi hài bên người, phòng lỡ bất trắc, nằm xuống thì người ta biết mà gọi cho trường để đem thi hài tôi về cho kịp”, chị Phương nói.
Cũng tại chung cư 218 Nguyễn Đình Chiểu, chúng tôi gặp bà N.T.T.T (67 tuổi) là một trong những người đã tự nguyện làm đơn hiến thi hài cho khoa học từ 10 năm trước (2004). Với mái tóc bạc trắng ngồi bán thuốc lá bên hông chung cư, bà T. tâm sự: “Cách đây hơn 10 năm, tôi và chồng cùng nhau đến Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch để xin hiến thi hài khi mất. Khi nghe nói, các con tôi kiên quyết phản đối và dùng mọi cách ngăn cản. Cách đây hơn 1 năm chồng tôi mất, các con nhất quyết không báo cho trường, và cất giấu hết giấy tờ hiến thi hài của ông và thực hiện nghi thức tang lễ như bình thường”. Sợ các con không thực hiện ước nguyện của mình khi mất, nên bà T. dặn trước những người quen rằng: “Tôi đã đăng ký hiến thi hài cho khoa học rồi, khi tôi mất mọi người gọi giúp cho phía trường đến đưa tôi đi”.
Từng hoạt động trong ngành y, hơn ai hết bà T. thấu hiểu được sự thiệt thòi của những sinh viên y khoa do thiếu phương tiện trong thực tập, nghiên cứu, nên bà T. quyết định thuyết phục chồng đi hiến thi hài khi qua đời. “Ai sinh ra rồi cũng mất đi, vì vậy chết làm sao để có ích cho đời, cho sự phát triển y khoa, như vậy cuộc sống của mình sẽ có ý nghĩa lắm”, bà T. tâm sự.
Có không ít người sau khi đăng ký hiến thi hài đã tiếp tục lặng lẽ hằng ngày vận động người thân, gia đình, bạn bè cùng tham gia. Họ cần mẫn vận động những người khác tham gia vào việc làm này, bởi họ hiểu ý nghĩa tốt đẹp của việc hiến thi hài...
Công Nguyên - Lương Ngọc
>> Lễ hội tri ân những người hiến xác
>> Đôi vợ chồng hiến xác
>> Tri ân những người hiến thi hài cho khoa học
Bình luận (0)