Người chết cứu người sống - Kỳ 3: 'Để bác sĩ muốn lấy gì cũng dễ'

12/09/2014 02:15 GMT+7

“Cái chết có ý nghĩa hơn nếu thi thể mình giúp ích được cho sự sống”, một lão nông ở tỉnh Đồng Tháp có suy nghĩ như vậy, và ông đã quyết định hiến thi hài cho khoa học. Đáng quý hơn từ tấm gương của cụ ông, vợ, cháu và rất nhiều người ở địa phương cùng tham gia.

“Cái chết có ý nghĩa hơn nếu thi thể mình giúp ích được cho sự sống”, một lão nông ở tỉnh Đồng Tháp có suy nghĩ như vậy, và ông đã quyết định hiến thi hài cho khoa học. Đáng quý hơn từ tấm gương của cụ ông, vợ, cháu và rất nhiều người ở địa phương cùng tham gia.

 Người chết cứu người sống
Vợ chồng ông Quý bà Tuyết - cả hai cùng đăng ký hiến thi hài sau khi mất - Ảnh: Công Nguyên

Trên thực tế, trong số những người đăng ký hiến thi hài hiện nay có không ít cặp vợ chồng, như trường hợp vợ chồng ông Vũ Trọng Quý và bà Tăng Ánh Tuyết (ngụ hẻm 99 Trần Quốc Toản, Q.3, TP.HCM).

Đi đâu cũng đem theo thẻ

Từng học về nghề y, đến năm 2004, khi nghe một người bạn nói về việc hiến thi hài, ông Quý đã bắt đầu trăn trở. Ông chia sẻ: “Những năm tôi còn đi học, phương tiện thực tập còn thiếu thốn, việc thực hành trên những mô hình khô khan, sinh viên y rất khó tiến bộ. Chính vì vậy, tôi quyết định khi qua đời, tôi sẽ hiến thi hài cho các em sinh viên trường y học tập”. Còn bà Tuyết kể: “Lúc mới nghe ông nhà nói về hiến thi hài, tôi hơi sốc, nhưng sau đó tôi hiểu chồng mình là người chín chắn, làm việc gì cũng đã nghĩ thấu đáo, vì vậy tôi cùng chồng tham gia đăng ký luôn”.

 

Mình cứ đăng ký hết, sau này các bác sĩ có muốn lấy gì của mình cứu người cũng dễ, không bị vướng những thủ tục rườm rà

Ông Vũ Trọng Quý (ngụ hẻm 99 Trần Quốc Toản, Q.3, TP.HCM)

Một lần chứng kiến người bạn sáng mắt nhờ được ghép giác mạc do người khác hiến, ông Quý cũng đã đăng ký hiến giác mạc và mô của mình. “Mình cứ đăng ký hết, sau này các bác sĩ có muốn lấy gì của mình cứu người cũng dễ, không bị vướng những thủ tục rườm rà”, ông Quý nói.

Tấm thẻ đăng ký hiến thi hài làm 10 năm nay, được vợ chồng ông Quý giữ cẩn thận, đi đâu họ cũng đem theo bên người, phòng bất trắc xảy ra sẽ có người báo cho nơi tiếp nhận thi hài biết. Vợ chồng ông cũng thường chia sẻ với người thân về việc hiến thi hài. Từ đó, mẹ, anh trai và những người trong dòng họ của bà Tuyết cũng đã đăng ký, đến nay đã có 7 người tham gia.

Tương tự, vợ chồng ông Võ Sửu và bà Đoàn Thị Đội (ngụ ở hẻm 230 Pasteur, P.6, Q.3) cũng đã đăng ký hiến thi hài. Ông Sửu chia sẻ: “Tui thấy việc làm này bình thường chứ chẳng có gì to tát. Thân thể này khi mất đi nếu còn giúp ích được cho đời, cho y học, cho việc nghiên cứu thì nên làm, trước khi về với cát bụi”.

Vợ chồng ông Sửu dựa vào chiếc xe hủ tiếu để mưu sinh và nuôi nấng con cái. Cách đây 12 năm, khi biết đến việc hiến thi hài qua một người bạn, vợ chồng ông đã tìm hiểu và rồi cùng nhau đi đăng ký, không hề do dự. “Vậy là bà với tui khi chết cũng cùng nhau làm việc tốt hả?”, ông Sửu nhìn vợ cười.

Không tiễn đưa về nơi an táng...

Cách nay 8 năm, khi nghe nói đến chuyện hiến thi hài cho khoa học, nhiều người ở xã Hòa An, TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) lấy làm ngạc nhiên. Nhưng việc cụ Dương Tự Tín hiến thi hài của mình cho Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã giúp nhiều người nhận ra nghĩa cử cao đẹp đó.

 Người chết cứu người sống 2
Anh Tài (con cụ Tín) cùng những mẫu đơn đăng ký hiến thi hài mà anh thường mang theo để vận động người thân và bạn bè cùng tham gia - Ảnh: Tiến Trình

Cụ Tín mất năm 2007 (thọ 81 tuổi). Tại đám tang cụ, người dân địa phương lần đầu chứng kiến một nghi lễ đầy xúc động. Những người đến viếng đều nán lại tỏ lòng thành kính và tiễn đưa cụ không phải đến nơi an táng thông thường, mà tháp tùng cùng chiếc xe tang là những người mặc áo blouse trắng kính cẩn. Sau những thủ tục cần thiết, thi thể cụ Tín được đưa vào chiếc hòm sắt phủ dòng chữ “Đại học Y Dược TP.HCM, quà tặng cho sự sống”. Chiếc xe đưa thi hài cụ Tín thẳng về trường - nơi thi thể của cụ tiếp tục cho những sự sống khác.

Noi gương cụ Tín, đến nay đã có hơn 40 người trong dòng tộc của cụ đăng ký hiến thi hài. Con của cụ Tín kể lại, sinh thời, cụ được nhiều người xa gần biết đến là tấm gương nhân hậu. Là một thầy thuốc, cụ Tín thường hốt thuốc miễn phí giúp người và luôn giúp đỡ những người khó khăn, học sinh nghèo. Trong một lần tề tựu bên gia đình, cụ Tín nói lên nguyện vọng của mình muốn hiến thi hài cho khoa học. “Khi nghe cha nói, các thành viên trong gia đình đều rất bất ngờ. Nhưng rồi mọi người đều tôn trọng quyết định của cha”, chị Dương Thị Gián, con cụ Tín nhớ lại.

Sau nghĩa cử của cụ Tín, người thân trong gia đình lại chứng kiến hành động đẹp khác: cụ Phan Thị Mận, vợ cụ Tín, cũng bày tỏ nguyện vọng “giúp cho sự sống sau khi chết”. Năm 2012, ý nguyện của cụ Mận đã được người thân kính cẩn thực hiện sau khi cụ qua đời.

Sau đó, lần lượt con, cháu của cụ Tín và cụ Mận cũng noi theo, làm đơn tình nguyện hiến thi hài khi mất. Anh Tài (con cụ Tín) cho hay: “Đến nay gia đình tôi và cả bên vợ đã có hơn 40 người đăng ký hiến thi hài, vợ tôi, ba mẹ vợ, anh vợ, chú và những người thân khác...”.

Từ ý nguyện của gia đình cụ Tín, gần xa có không ít người noi gương theo, tình nguyện làm đơn hiến thi hài. Một người con của cụ Tín tự hào: “Chắc là nơi suối vàng cha tôi mỉm cười”.

Tiến Trình - Công Nguyên

>> Tri ân những người hiến thi hài cho khoa học
>> Người chết cứu người sống - Kỳ 2: Vận động nhiều người cùng hiến thi hài

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.