Người chinh phục đồng phèn

23/01/2014 10:52 GMT+7

Bằng ý chí vượt khó, ông Lê Thanh Long (Mười Long, 47 tuổi, ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Lợi, H.Tịnh Biên, An Giang) đã “đánh thức” cánh đồng phèn một thời hoang hóa...

Người chinh phục đồng phèn1

Thu hoạch lúa trên cánh đồng của ông Mười Long - Ảnh: Bình Minh

 

Người chinh phục đồng phèn

Ông Mười Long - Ảnh: Bình Minh

Đánh thức đồng phèn

Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp ở đồng phèn Tân Lợi, Mười Long nói: “Lúc đó, kênh, mương nội đồng chưa được đầu tư đồng bộ nên đất vùng này phèn rất nặng. Những tháng hạn, nước dưới kênh đỏ au, ăn uống, tắm rửa chẳng được, phải chạy xe ra tận kênh xáng chở nước về dùng. Nhiều cư dân nơi khác đến ở không bao lâu cũng phải đầu hàng trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên”

Mười Long kể tiếp: “Khoảng năm 1993, tôi với một người bạn dự tính hùn tiền để sang nhượng lại đất ruộng. Khi vào đây, bạn tôi thấy phèn nặng đã “bỏ của chạy lấy người”. Còn tôi thì bạo gan sang nhượng lại 6,5 ha. Sau khi sang đất xong, về nhà ai cũng bảo tôi khùng vì “đem tiền đổ biển”, bởi đất phèn nặng trồng cây gì cũng chết. Năm đầu tiên, tôi trồng lúa mùa, đến gần thu hoạch, đất bỗng nhiên dậy phèn, lúa chết gần hết. Mấy hộ lân cận cũng trắng tay, chẳng thu hoạch được giạ lúa nào. Nông dân kêu sang lại đất, bán mà như cho vì mỗi công trị giá chỉ khoảng 2 phân vàng nhưng cũng chẳng ai thèm”.

Thấy canh tác khó khăn, Mười Long bèn thuê máy cày trục, rồi sửa đất lại cho bằng phẳng. Những tưởng san lấp bằng xong, đem lúa mùa về canh tác hiệu quả, nào ngờ ông tiếp tục trắng tay. Nhiều nông dân từ miệt Vĩnh Long lên canh tác một thời gian cũng cuốn đồ về quê. Nhưng với Mười Long thì khác, ông quyết chí bám trụ lại đồng phèn. Ba năm sau, Mười Long bỏ cây lúa mùa, chuyển sang canh tác lúa thần nông. Đồng thời Mười Long nghĩ cách “đánh gục” phèn để cây lúa phát triển tốt. Mười Long kể mỗi lần sạ lúa xong, tôi dùng máy bơm nước từ dưới kênh lên ruộng. Cặp bờ mẫu, tôi cho đào một con mương sâu khoảng 1 m, ngang 1,5 m, tuyệt đối không bơm nước vào, để phèn rịn từ mặt ruộng xuống mương. Hai đầu con mương, tôi khai nước phèn xả xuống kênh. Ngoài ra, tôi còn mua phân lân về bón. Với cách làm này, chỉ sau một năm, mảnh đất của tôi đã giảm phèn, cây lúa bắt đầu xanh tốt, năng suất tăng lên.

Đất trả ơn người

Trải qua nhiều năm đổ mồ hôi, đồng phèn đã trả ơn Mười Long xứng đáng. Vụ đông xuân năm 2002, ông thắng lớn, lúa đạt năng suất khoảng 40 giạ/công (1.300 m2). Thừa thắng xông lên, Mười Long tích lũy vốn, tiếp tục sang đất của những hộ lân cận. Đến nay, ông có trong tay tổng cộng 850 công đất ruộng, chủ yếu trồng lúa 2 vụ. Để giảm chi phí sản xuất, ông thực hiện quy trình sản xuất khép kín, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng ruộng bằng cách sử dụng bơm điện, máy cày, máy gặp đập liên hợp, máy sấy.

Với diện tích như trên, mỗi vụ Mười Long thu hoạch khoảng 25.000 - 30.000 giạ lúa. Cũng nhờ cây lúa mà ông đã có cơ ngơi đồ sộ như hôm nay và đi thăm ruộng bằng xe 4 bánh. Mười Long cho biết: “Hiện nay, đất ở đây cơ bản đã được xổ phèn. Tuy nhiên, mình không được lơ là, phải tiếp tục đào mương, xẻ rãnh để tiếp tục tháo chua. Bên cạnh đó, năm nào tôi cũng dùng máy cày sửa lại đất cho bằng phẳng. Mỗi vụ, tôi mướn khoảng 100 nhân công, trong đó có nhiều đồng bào Khmer”.

Nhiều vụ vừa qua, do giá lúa bấp bênh, Mười Long mạnh dạn trồng lúa Jasmine để cung ứng giống cho thị trường, thu nhập cũng tăng lên gấp đôi so với trồng lúa thương phẩm. Mười Long tâm đắc: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức, quan trọng là phải kiên trì, bền bỉ, thì thành quả lao động sẽ được đền đáp. Điều tôi tự hào nhất là đã nuôi các con ăn học đàng hoàng. Hiện con trai lớn đang là sinh viên năm thứ 3 Trường đại học Y Dược Cần Thơ, 2 đứa còn lại đang học phổ thông”.

Bình Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.