Người 'chinh phục' lan dendro

12/09/2014 09:48 GMT+7

Một loại lan khó tính và khó trồng nhất ở VN đã được kỹ sư Mai Quốc Thái (ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, H.Dầu Tiếng, Bình Dương) “chinh phục” dễ dàng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Công nhân thu hoạch lan tại vườn lan của kỹ sư Mai Quốc Thái - Ảnh Tuệ Phương

Chân dung kỹ sư Mai Quốc Thái bên vườn lan của gia đình - Ảnh Tuệ Phương

Kỹ sư Mai Quốc Thái, vốn là giảng viên Khoa Lâm nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Rời giảng đường, ông đầu tư trồng cao su tại xã Trừ Văn Thố (H.Bàu Bàng) với diện tích 38 ha. Sau khi cao su cho thu nhập cao, ông tiếp tục bỏ tiền mua thêm 52 ha tại xã Minh Hòa (H.Dầu Tiếng) để nghiên cứu trồng xoài, bưởi nhưng không thành công. “Trong một lần xem chương trình giới thiệu loại lan dendro khó tính, hiếu kỳ tôi quyết tam phải “chinh phục” loài hoa này”, ông Thái nhớ lại.

 

Từ trước đến nay lan dendro Thái Lan chiếm thị trường khá nhiều. Tuy nhiên, lan Thái nhập về VN giá rẻ nhưng tươi không lâu, màu sắc kém hơn lan bản địa. Với lợi thế này, kỹ sư Mai Quốc Thái hi vọng các nhà vườn nỗ lực chăm sóc, đầu tư để lan Việt thay thế hoàn toàn lan nhập. Ông Thái tâm sự: “Tôi thiết nghĩ, thời gian tới nếu nông dân chịu khó, tỉ mỉ chăm sóc lan sẽ tăng diện tích trồng lan, nhất là các loại lan nhập khẩu. Kỹ thuật đều giống nhau, quan trọng phải kiểm tra thường xuyên để tránh sâu bệnh. Nếu làm được như vậy, lan Việt sẽ ngày càng khẳng định chỗ đứng, chinh phục những khách hàng khó tính trong nước, xuất khẩu đi các nước”. 

Nói là làm, ông Thái đưa gia đình sang Thái Lan tham khảo cách trồng lan. Về nước, ông tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ các vườn lan tại Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước… về lan dendro. “Lan dendro cho bông đẹp, được thị trường đón nhận rất nhiều. Tuy nhiên, hỏi cách trồng, chăm sóc thì nhiều nhà vườn lắc đầu, chào thua. Với suy nghĩ, khó mới có cửa cạnh tranh, ngày đêm tôi tìm tòi cách trồng, chăm sóc cho loài lan đặc biệt này”, ông Thái cho biết.

Người hỗ trợ nhiệt tình nhất trong kế hoạch “chinh phục” lan dendro phải kể đến người vợ của ông Thái, nguyên là đội trưởng Đội hoa viên của Thảo Cầm viên ở TP.HCM (đã nghỉ hưu) và 2 cô con gái đều tốt nghiệp Trường ĐH Nông Lâm. Thời gian đầu, công việc gặp không ít khó khăn. Nhưng mỗi khi gặp vấn đề khó ông Thái tham khảo tài liệu, hỏi kinh nghiệm của các nhà vườn khác, tìm cách khắc phục những khiếm khuyết. Ông dành công chăm sóc kỹ từng chậu lan từ khoảng cách giữa các chậu, các luống hay khoảng cách mành lưới, thậm chí là sức gió trong khuôn viên vườn.

Tính từ năm 2009 đến nay, ông Thái đã trồng được gần 4ha lan dendro. Ông Thái tính toán: “Một cây giống lan denro nhập từ Thái Lan về khoảng 8.000 đồng. Chăm sóc tốt, giá ra thị trường của một chậu lan dendro trưởng thành bán hơn 30.000 đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 18 tỉ đồng và tiền lương nhân công, tôi còn lãi khoảng 10 tỉ đồng”.

Trước những thành công này, đã khiến nhiều người bất ngờ với vườn lan đẹp. Chuyên gia Nguyễn Thiện Tịch, Giảng viên dạy trồng hoa lan Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM (thầy cũ của ông Thái) cũng phải thốt lên lời khen ngợi học trò mình: “Tôi đã đào tạo hơn 1.000 học trò. Rất nhiều người đã thành công với các mô hình trồng cây ăn trái, cây công nghiệp… Riêng đối với việc trồng lan, Thái là học trò duy nhất thành công. Để có được như ngày hôm nay ngoài kiến thức về nông học, Thái còn dành tâm huyết, chịu khó làm ăn, không nản chí trước những khó khăn và không ngừng tìm tòi học hỏi”.

Giờ đây, trại lan của ông Thái không chỉ cung cấp lan ra các tỉnh mà còn là điểm đến lý tưởng cho các nhà vườn. Không giấu nghề, ông Thái còn tư vấn, hướng dẫn hoàn toàn miễn phí cho một số nhà vườn tại vì địa phương và các tỉnh lân cận có mong muốn học hỏi kinh nghiệm trồng hoa lan. Ông Trần Văn Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Anh Thái đã đầu tư đúng hướng để phát triển hoa lan dendro tại Bình Dương. Tôi mong muốn anh chia sẻ kinh nghiệm với địa phương để phát triển mạnh loại cây trồng này, mang lại cơ hội cho nhiều người khác làm giàu từ cây hoa lan”.

Tuệ Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.