Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 10.9 dẫn dữ liệu từ 3 nghiên cứu nhấn mạnh mức độ hiệu quả của các loại vắc xin Covid-19 hiện có trong việc ngăn chặn bệnh nặng.
Theo AP, một nghiên cứu đánh giá hơn 600.000 ca nhiễm tại 13 bang từ tháng 4 đến giữa tháng 7. Kết quả cho thấy người chưa tiêm vắc xin có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao hơn 4,5 lần, nguy cơ nhập viện cao hơn 10 lần và nguy cơ tử vong cao hơn 11 lần so với người đã tiêm vắc xin đầy đủ.
Các ca nhiễm ở người đã tiêm vắc xin chiếm 14% số ca nhập viện và 16% số ca tử vong trong tháng 6 và 7, cao hơn tỷ lệ của trước đó.
Tuy nhiên, Giám đốc CDC Rochelle Walensky nhấn mạnh các loại vắc xin Covid-19 hiện nay hiệu quả và lưu ý rằng hơn 90% bệnh nhân Covid-19 điều trị trong các bệnh viện tại Mỹ là người chưa tiêm vắc xin.
Theo 2 nghiên cứu còn lại được CDC công bố, khả năng bảo vệ của vắc xin đối với những người lớn tuổi hơn có thể thấp hơn những người còn lại. Cụ thể, kết quả kiểm tra tại 9 bang vào mùa hè cho thấy khả năng bảo vệ của vắc xin giúp ngăn nhập viện đối với những người từ 75 tuổi trở lên là 76% trong khi đối với nhóm người trưởng thành còn lại là 89%.
Dữ liệu tại 5 trung tâm y tế cựu binh Mỹ cho thấy vắc xin hiệu quả 95% trong việc ngăn người từ 18 - 64 tuổi nhập viện, trong khi người từ 65 tuổi trở lên là 80%.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy khả năng bảo vệ của vắc xin có giảm xuống, từ 91% vào mùa xuân xuống còn 78% vào tháng 6 và tháng 7.
|
Hiện chưa rõ những thay đổi nói trên là do khả năng miễn dịch yếu dần ở những người tiêm vắc xin từ trước khi có biến thể Delta, hay do người dân Mỹ không thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang.
Cơ quan y tế Mỹ sẽ dựa vào những dữ liệu thực tế này để quyết định có tiêm liều vắc xin tăng cường cho người dân hay không. Vào tuần sau, nhóm cố vấn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ sẽ thảo luận về việc cấp phép sử dụng vắc xin Pfizer làm liều tăng cường.
Bình luận (0)