Người chuyên thiết kế linh vật cho đường hoa tết

08/02/2015 14:15 GMT+7

(TNO) Những ngày này, ông Nguyễn Minh Phương, nghệ sĩ tạo hình của Công ty quảng cáo Lữ Nhạc (quận 7, TP.HCM), lại tất bật hoàn thành công đoạn cuối cùng cho linh vật dê núi trước khi đưa hai cụm linh vật này ra trưng bày ở đường hoa Tết Ất Mùi 2015.

(TNO) Những ngày này, ông Nguyễn Minh Phương, nghệ sĩ tạo hình của Công ty quảng cáo Lữ Nhạc (quận 7, TP.HCM), lại tất bật hoàn thành công đoạn cuối cùng cho linh vật dê núi trước khi đưa hai cụm linh vật này ra trưng bày ở đường hoa Tết Ất Mùi 2015.

Linh vật dê núi sẽ được trưng bày ở đường hoa Tết Ất Mùi - Ảnh: Trung Hiếu

Chủ đề dê sum họp

Tết năm nay, đường hoa trên đường Hàm Nghi (TP.HCM) sẽ có hai điểm trưng bày linh vật dê núi. Một điểm trưng bày ở đầu đường Hàm Nghi phía bến Bạch Đằng, một điểm trên đường Hàm Nghi hướng về phía chợ Bến Thành.

Linh vật dê núi trưng bày ở phía Bến Thành gồm ba con dê là dê bố, mẹ và con. Linh vật này có chiều cao 2,7 mét, dài 2 mét, được chế tạo từ xốp, thạch cao, phía ngoài bọc bằng vải bố. Linh vật này được thiết kế theo mẫu dê núi ở Ninh Bình, cách điệu, bố cục phù hợp với văn hóa Việt.

Ở cụm phía bến Bạch Đằng sẽ có 9 linh vật tượng trưng cho một đại gia đình gồm ông bà, bố mẹ, con cháu. Những chú dê này cao 1,7 mét và dài 2 mét, được chế tạo từ thạch cao, kết hợp với sơn nhũ phía ngoài. Khác với ba chú dê ở phía chợ Bến Thành lấy nguyên mẫu từ dê Ninh Bình, 9 linh vật dê núi này được thiết kế, cách điệu khá vui mắt.

Ông Phương cho biết so với các linh vật năm trước, linh vật dê năm nay không khó về tạo hình mà chỉ khó là làm sao tìm được chất liệu phù hợp tính chất cổ truyền, văn hóa dân gian Việt Nam.

Phối cảnh linh vật dê núi ở đường hoa - Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Năm nay công tác chuẩn bị thiết kế linh vật được chuẩn bị khá sớm. Cách đây 6 tháng, nhóm thiết kế, chế tạo linh vật dê núi cho đường hoa xuân được thành lập. Trước đó, nhóm thiết kế đã phác thảo mẫu, sau đó lấy ý kiến, rồi lập ra mô hình nhỏ, cuối cùng mới thành như linh vật dê núi như hiện tại.

“Cái khiến tôi hài lòng nhất là chất liệu vải bố khiến linh vật dê rất giống với dê thật. Còn cái chưa hài lòng là vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất với nhau về hình ảnh con dê. Đơn cử như mọi người có ý kiến khác nhau về sừng dê to hay nhỏ. Tôi vẫn bảo lưu là dê Việt Nam sừng phải nhỏ chứ không lớn như dê ngoại quốc được”, ông Phương nói.

Ngoài việc bảo lưu ý kiến "sừng dê Việt Nam phải nhỏ", ông Phương cho biết dê Việt Nam còn có kích thước nhỏ hơn, màu sắc đa số là nâu nhạt so với những chú dê nước ngoài.

Dự kiến, ban tổ chức sẽ đưa linh vật dê núi ra đường hoa Hàm Nghi vào ngày 7.2.

Không chấp nhận sự đơn điệu, trùng lặp

Đến nay đường hoa tết ở TP.HCM đã trải qua 12 năm. Ông Phương đều tham gia đầy đủ 12 năm, trong đó có ba năm làm cố vấn và chín năm được giao nhiệm vụ thiết kế linh vật cho đường hoa.

“Cơ duyên khiến tôi gắn bó với đường hoa là do trước đây thiết kế tổng thể của đường hoa có một đoạn dành cho các nghệ sĩ so tài với nhau. Sau này thiết kế đường hoa không còn phần này nữa nhưng các anh trong ban tổ chức lại tin tưởng giao cho tôi thiết kế linh vật”, ông Phương nói.

Phần khó và thách thức nhất trong thiết kế linh vật, theo ông Phương, là phải làm sao linh vật phải thể hiện đúng tính cách của con vật ngoài đời, lại phải mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa, dân gian Việt Nam. Bản sắc dân gian Việt thể hiện trên linh vật càng đậm đặc càng tốt. Ngoài ra, nhóm thiết kế phải tìm chất liệu phù hợp với linh vật.

Nghệ nhân Nguyễn Minh Phương bên cạnh linh vật dê núi - Ảnh: Trung Hiếu

“Con cọp tưởng khó nhưng lại là linh vật dễ thiết kế nhất vì trong dân gian việc thể hiện con vật này đã có một công thức chung và số đông đều biết. Khó nhất vẫn là thiết kế con rắn. Bởi con vật này dù không xa lạ nhưng để thiết kế con rắn vừa gần gũi vừa dễ thương trong lòng công chúng rất khó”, ông Phương bày tỏ.

Tuy nhiên, linh vật rồng tượng trưng cho năm Nhâm Thìn 2012 lại khiến nhóm thiết kế của ông Phương dụng công nhiều nhất. Linh vật rồng năm đó dài 15 m (chiều dài thực tế là 25 m do uốn lượn), cao 5 m được ghép lại bởi 4.000 vảy làm từ lục bình. Riêng phần vảy, nhóm chế tác phải đặt hàng trước 4 tháng của các xưởng mỹ nghệ từ Nam ra Bắc mới đủ chất liệu.

Năm thiết kế linh vật heo cho năm Đinh Hợi 2007 khiến ông Phương và nhóm thiết kế ấn tượng nhất trong sự nghiệp thiết kế linh vật. Năm đó, nhóm thiết kế của ông Phương phải làm 70 con heo từ lớn đến nhỏ, cộng thêm 300 con diều. Khối lượng công việc khổng lồ cộng với thay đổi thiết kế (nhóm chỉ có thời gian 7 ngày so với các năm trước 2 - 3 tháng chuẩn bị) khiến hơn 20 nghệ nhân, họa sĩ phải làm quần quật cả ngày lẫn đêm mới kịp tiến độ.

“Cái hay của linh vật đường hoa năm đó là mỗi ông họa sĩ được giao thiết kế một vài con heo nên nhóm heo linh vật mỗi con mỗi vẻ trông rất dễ thương. Ngoài ra, năm đó có bốn con heo bỏ ống rất to đặt ở đường hoa để du khách góp tiền thiện. Cuối lễ tổng kết được hơn 80 triệu đồng làm từ thiện khiến anh em rất vui”, ông Phương cười nói.

Theo ông Phương, người Sài Gòn thích khám phá và sự đổi mới. Với đường hoa cũng vậy, người Sài Gòn không bao giờ chấp nhận sự đơn điệu, trùng lặp mà đòi hỏi đường hoa năm sau phải mới lạ so với năm trước. Đây cũng là thách thức không kém phần thú vị cho ban tổ chức đường hoa lẫn nhóm thiết kế, sáng tạo linh vật.

“Vừa xong linh vật dê thì bây giờ trong đầu chúng tôi phải nghĩ ra linh vật khỉ cho năm Bính Thân 2016, cả về nội dung lẫn phần chất liệu. Đây cũng là thách thức bởi 12 năm trước, linh vật khỉ đã được thể hiện ở đường hoa, chúng tôi không được phép trùng lặp mà phải sáng tạo, làm mới”, ông Phương khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.