Giọng đọc ‘trời cho”
Năm 1957 xuất hiện trên sóng Đài tiếng nói VN (VOV) Trần Phương lập tức gây sự chú ý bởi giọng đọc khỏe khoắn truyền cảm đậm chất Nam bộ. Thời chiến tranh khói lửa, người chiến sĩ cách mạng đêm đêm bên chiến hào vẫn thường lắng nghe Trần Phương để vững bền ý chí và mong ngày đất nước sớm đoàn viên. Trong sự nghiệp phát thanh viên (PTV) của mình, Trần Phương đã có những giờ phút không thể nào quên. Ông thật sự hạnh phúc khi là PTV người miền Nam duy nhất đọc “Hiệp định Paris năm 1973 chấm dứt chiến tranh VN của Mỹ” và là người đọc bài bình luận đầu tiên vào chiều 30.4.1975 trên sóng VOV khẳng định hùng hồn với toàn thế giới rằng “Mỹ cút ngụy nhào”, đất nước VN hoàn toàn thống nhất.
Sau giải phóng vài năm, Trần Phương vào miền Nam tiếp tục công tác tại VOV2. Ngoài việc đọc trước máy, ông còn nhận thêm trách nhiệm đào tạo PTV cho nhiều tỉnh thành. Học trò của nghệ sĩ đến nay thật khó mà thống kê chính xác. Chính vì giọng đọc quá đặc biệt, Trần Phương đã có hơn 4 năm rưỡi sang làm chuyên gia tại Đài Moscow thuộc Liên Xô (cũ). Năm 1993 Trần Phương là PTV miền Nam đầu tiên được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT). Một năm sau đó ông về Đài Cần Thơ tiếp tục “nói trước micro” cho đến tận hôm nay trong chương trình Đọc truyện đêm khuya, lực lượng vũ trang Quân khu 9. Tuổi đã ngoài 80 song ngày ngày người nghệ sĩ vẫn một mình chạy xe gắn máy đến Đài PT-TH TP.Cần Thơ, tự soạn lời giới thiệu rồi vào phòng thu hoàn tất chương trình. Hỏi ông còn có thể đọc trên đài bao lâu nữa, NSƯT Trần Phương rít một hơi thuốc lá phả khói xong thong thả đáp: “Mình đủ sức đọc khoảng 3 năm nữa”, tức là vẫn có thể đều đều lên sóng đến khi tuổi 85. Nếu lời khẳng định trên trở thành hiện thực thì giọng đọc Trần Phương là một “Guinness” trong giới PTV VN. Vì từ trước đến nay cả nước chỉ mới có nam PTV Nguyễn Thơ thuộc VOV là đọc đến tuổi 73 thì nghỉ ngơi. Khỏe khoắn và tráng kiện, NSƯT Trần Phương vẫn luôn là một giọng đọc hiếm trên sóng đài phát thanh. Ông cũng đã đọc lời bình cho rất nhiều phim tài liệu, trong đó có phim nổi tiếng Chiến thắng Đường 9 Nam Lào.
Nhà báo Quách Thanh Triệu, Phó giám đốc thường trực Đài PT-TH TP.Cần Thơ cho biết sau khi nhận quyết định nghỉ hưu theo quy định của nhà nước, NSƯT Trần Phương vẫn tiếp tục “hợp đồng khoán việc” với làn sóng phát thanh Cần Thơ thông qua 2 chương trình trên. “Giọng đọc quá đặc biệt này là hiện tượng xưa nay hiếm trong giới PTV nước nhà. Những PTV cùng thời đã ngưng nói trước máy mấy chục năm rồi nhưng nghệ sĩ Trần Phương thì vẫn lên sóng mỗi ngày khi đã ngoài 80 tuổi thì quả là chuyện khó tin nhưng có thực”, nhà báo Quách Thanh Triệu bày tỏ sự ngưỡng mộ. Còn theo nhà báo Phạm Duy Hưng, Phó bí thư Đảng ủy VOV (nguyên Giám đốc VOV khu vực ĐBSCL), NSƯT Trần Phương được xem là PTV có giọng đọc bền nhất trên sóng phát thanh VN. Giọng đọc này xứng đáng được xem xét đưa vào kỷ lục Guinness Việt.
|
Chuyện đời chuyện nghề
Một chiều giữa tháng 11.2016, tới thăm PTV Trần Phương tôi đã được nghệ sĩ cho xem bài báo “Hiệp định Paris công bố ở đâu?” đăng trên Báo Văn Nghệ TP.HCM ngày 22.1.2015 mà chính ông là tác giả. Đây không phải là bài báo duy nhất, bởi tôi được biết việc “viết cho các báo” cũng là chuyện nghề của người PTV đặc biệt này.
Cũng trong cuộc gặp thân tình này, NSƯT đã cho tôi xem bức thư gửi đi từ Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội. Tác giả Lê Riêu qua thư đã không ngần ngại bộc lộ với Trần Phương rằng: “Ngay từ nhỏ tôi đã rất thích giọng đọc Nam bộ của anh (riêng tôi có thể nói đến nay chưa có giọng đọc Nam bộ nào thay thế được). Những năm tháng chống Mỹ cứu nước qua giọng đọc của anh trên VOV đã động viên cổ vũ chúng tôi hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc giải phóng miền Nam. Bây giờ nhớ lại thật là vinh hạnh. Được biết anh vẫn khỏe, tôi vui mừng, chỉ tiếc chưa một lần được gặp anh, người mà tôi suốt đời yêu quý và ngưỡng mộ. Nhân đây nếu có thể xin anh một tấm hình làm kỷ niệm, để mỗi ngày nhìn thấy anh, tôi lại nhớ những năm tháng hào hùng của dân tộc, nhớ lại một giọng đọc Nam bộ đến giờ vẫn không ai thay thế được, để tôi nói cho lớp con cháu hiểu được một bác Trần Phương có giọng đọc trời cho vẫn mãi vang lên mỗi ngày”.
Bức thư 2 trang viết tay đong đầy tình cảm ấy đã bao lần gây xúc động mạnh trong lòng người PTV tên tuổi.
60 năm đọc liên tục trên sóng đài phát thanh, nghệ sĩ Trần Phương đã đón nhận thật nhiều tình cảm yêu quý của thính giả gần xa. Mỗi người một cách bày tỏ. Nghệ sĩ hớp ngụm trà và cho biết, sau năm 1980, một bữa ông Bốn Vũ (Giám đốc Đài phát thanh Long An) mời đi dự đám cưới ở Đức Hòa. Chiều mưa rỉ rả, khách dự nhóm họ phần lớn là dân kháng chiến, dân ghiền nghe đài nên khi nghe giới thiệu đây Trần Phương, PTV VOV thì mọi người ồ lên vồ vập. Duy chỉ một người đàn ông ngồi cách xa chừng 10 m lặng lẽ dường như chẳng quan tâm gì đến cái ông Phương này. Ông ta cứ ngồi một mình và chừng nửa tiếng sau hai tay bưng 2 ly rượu Gò Đen trong veo khập khiễng khó khăn bước tới nói lớn: “Trần Phương đó hả, tôi nghe giọng anh hồi còn dưới hầm bí mật lận. Trần Phương đó hả, bữa nay mới gặp, xin chúc mừng anh, tụi mình cạn ly!”...
Cũng theo lời kể của nghệ sĩ, bà ngoại của Hồ Thủy (Đài phát thanh Long An) nhà ở Tân Châu (An Giang) mắt mờ nhưng tai thì thính. Cụ nói với con cháu giải phóng rồi sao tụi bây không dẫn cái ông Trần Phương về đây cho tao vuốt mặt ổng một cái coi, tao không nhìn thấy được chỉ vuốt thôi. “Rất tiếc sau giải phóng, do bận công việc cơ quan, đến năm 1978 tôi mới vào miền Nam ở hẳn thì bà ngoại Hồ Thủy đã qua đời rồi!”, NSƯT tiếc nuối bùi ngùi.
Ông Nguyễn Văn Quân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long trong một lần hội ngộ đã bộc bạch rằng: “Năm 1970 một đêm nọ tôi vừa chèo xuồng vừa nghe Trần Phương đọc trên đài một truyện ngắn của nhà văn Đoàn Giỏi. Đến đoạn cao trào thì ô buýt thụt, tôi phải nhảy xuống sông chém vè, chừng lên lại xuồng thì anh đọc truyện xong rồi, tiếc hùi hụi”... Theo nghệ sĩ, những tình cảm quý báu của thính giả chính là bầu sữa ngọt nuôi dưỡng tâm hồn người nghệ sĩ bên chiếc micro dài lâu.
Về đất Cần Thơ, được nhiều anh em bè bạn khắp nơi sẻ chia giúp đỡ, Trần Phương gom hết tiền tích cóp xây dựng ngôi nhà cấp 4 để có chỗ đi về yên ổn mà tiếp tục “nói hằng đêm” với thính giả gần xa. Giờ đây nơi đất Cần Thơ, ông không có ai là bà con ruột thịt song với cuộc đời này ông có rất nhiều anh em bè bạn yêu quý. Sự kết thân đó chính là do giọng đọc “trời cho” mang lại!
NSƯT Trần Phương tên thật là Nguyễn Bá Thế, sinh năm 1935, quê quán P.Bình Đức, TP.Long Xuyên, An Giang. Ông tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi và tập kết ra bắc năm 1954. Năm 1957 Trần Phương chính thức về Đài tiếng nói VN. Ông vào Đảng năm 1977. Năm 1993, ông được Chủ tịch nước Lê Đức Anh tặng danh hiệu NSƯT và một năm sau đó thì về Đài PT-TH Cần Thơ cho đến nay. Người nghệ sĩ tên tuổi này đã có khoảng một năm rưỡi công tác ở Côn Minh (Trung Quốc) và 4 năm 7 tháng ở Liên Xô. Hiện nay nhà ông ở số 34/21 Tầm Vu, P.Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, điện thoại 07103.840145. NSƯT Trần Phương không mặn mà với điện thoại di động mà chỉ “khoái” trà, cà phê, khô cá mặn chưng gừng và nhất là bóng đá quốc tế. (Q.M.N ghi)
|
Bình luận (0)