Thú chơi độc đáo: Máy ảnh cũ kể chuyện đời

08/11/2016 06:11 GMT+7

Khởi nguồn từ niềm đam mê nhiếp ảnh, ông Trần Minh Ngọc (57 tuổi, ngụ đường Trần Nguyên Hãn, TP.Nha Trang) dần nhận ra mình còn thú sưu tầm máy ảnh cũ, cổ.

Đến nay, ông có khoảng 250 máy ảnh các loại, được xem là người sở hữu nhiều máy ảnh nhất ở Khánh Hòa.
Đổi dây đồng hồ của người yêu lấy máy ảnh
Ông Ngọc kể: “Tôi được tiếp xúc với máy ảnh từ bé. Hồi tôi 4 - 5 tuổi, bố tôi lúc ấy là Phó phòng Văn hóa - Thông tin TP.Nam Định nên tôi đã nhìn thấy nhiều loại ảnh, máy ảnh. Một lần, bố đem về cho một cái máy ảnh đã hư, tôi rất khoái, cầm khắp xóm khoe chúng bạn, rồi cũng giơ máy giả đò chụp, nhóm bạn cũng đứng tạo dáng như thật”.

tin liên quan

Chuyện ít biết về Sài Gòn xưa: Những nhiếp ảnh gia đầu tiên
Sau khi bức ảnh đầu tiên được chụp ở Pháp vào năm 1826 bởi nhà phát minh Joseph Nicéphore Niépce, những nhà nhiếp ảnh tiên phong người Pháp đã mang nghệ thuật nhiếp ảnh đến VN, sau đó các nhiếp ảnh gia người Việt bắt đầu xuất hiện.
Năm 1976, khi vào học tại Học viện An ninh ở Hà Nội, Trần Minh Ngọc có dịp tiếp xúc với nhiều loại máy ảnh qua môn học nhiếp ảnh về khoa học kỹ thuật hình sự, niềm đam mê nhiếp ảnh trong ông được "khuấy" lên mạnh mẽ. Ra trường, ông về Nha Trang, công tác tại Công an tỉnh Phú Khánh (cũ) và vẫn không nguôi nghĩ về máy ảnh. “Hồi đó, nhiếp ảnh là thú chơi xa xỉ nên ba mẹ không có khả năng cho tôi tiền mua. Mê quá, tôi quyết định lấy số tiền lâu nay tích cóp được, bán luôn cái đồng hồ đeo tay, ứng tiền đơn vị, vay mượn bạn bè, mua được “con” Canon QL19. Có máy, ngày nào tôi cũng chụp cho đỡ “nghiện”. Tuy nhiên, “con” này tốn phim quá, chỉ chụp được 36 kiểu, nên sau đó tôi bán và tìm mua “con” Canon Demi EE17 vì máy cấu tạo có thể chụp được 72 kiểu, dù chất lượng ảnh không cao bằng”, ông nói.
Vì quá mê máy ảnh, ông từng “làm điều có lỗi” với người yêu để sở hữu được chiếc máy mình thích. Ông kể, năm 1983, khi mới quen người yêu (là bà xã hiện nay), trong đợt ông vào TP.HCM tập huấn, cô ấy đưa cho ông mượn chiếc đồng hồ để “đeo cho đỡ nhớ”. Cùng dự lớp tập huấn có anh quê Lạng Sơn, luôn đeo chiếc máy ảnh hiệu Kowa cũ nhưng trông lạ mắt khiến ông Ngọc thèm thuồng. “Tôi gặng hỏi mua lại nhưng người đó không bán, vì bảo không biết giá bao nhiêu. Năn nỉ một hồi, anh ta nhìn vào tay tôi, nói: “Nếu cậu đổi cái đồng hồ thì tớ đổi cho”. Tôi nói đây là kỷ vật của bố mẹ người yêu hồi xây dựng gia đình tặng lại cô ấy, nên không đổi được. Anh ta lại nói: “Vậy đổi cái dây đeo bằng bạc của đồng hồ cũng được”. Tôi đánh liều đổi luôn. Khi về lại Nha Trang, chỉ trả lại cái mặt đồng hồ cho người yêu, tôi bị cô ấy giận, nhưng khi hiểu được đam mê của mình thì cô ấy bỏ qua hết”, ông Ngọc tâm sự.
Ngã rẽ cuộc đời
Đam mê nhiếp ảnh đã đưa cuộc đời Trần Minh Ngọc rẽ sang một hướng khác. Năm 1991, ông xin nghỉ ngành công an, làm việc tại công ty lữ hành và khách sạn để được đi đây đi đó, thỏa niềm đam mê chụp ảnh. Cảm thấy vẫn bị gò bó, ông lại nghỉ việc ở công ty lữ hành, dồn tâm huyết cho nhiếp ảnh.
Từ đam mê chụp ảnh, Ngọc dần có sở thích sưu tầm máy ảnh cũ. Ông cho biết trong thời gian sưu tầm máy ảnh có những câu chuyện khiến ông nhớ mãi. Cách đây 6 năm, trên đường Ngô Gia Tự (Nha Trang) có một anh hành nghề chụp ảnh dạo. Thấy anh này có “con” Polaroid sx-70 (loại máy chụp phim lấy liền) và một máy rọi hiệu Leica DC1 sản xuất những năm 1930, ông Ngọc “khoái” quá nên muốn mua lại, nhưng anh ta không bán. Vào một đêm khuya sau đó vài tháng, ông bỗng nhận được điện thoại của người này, nói “anh còn muốn cái máy ảnh đó thì đến chỗ tôi ngay đi, 15 phút sau mà không đến là không bao giờ có nữa đâu. Anh nhớ cầm theo 10 triệu nữa”. Ông Ngọc vội vàng cầm tiền, phóng ra khỏi nhà. Khi đến nơi, người kia giao máy cho ông, nhận tiền rồi vội vã lên xe đi. Hôm sau, ông Ngọc mới biết hóa ra người nhà anh ta bị tai nạn trong TP.HCM, anh ta phải vào gấp. Người bán lại máy ảnh cho ông Ngọc đã mất cách đây chưa lâu.

tin liên quan

Thú chơi độc đáo: Người níu giữ thanh âm xưa
Ông Phương Chánh Hùng (53 tuổi, ở đường Cổ Loa, TP.Nha Trang) là người có niềm đam mê băng đĩa, máy phát nhạc xưa, đặc biệt là đầu máy băng cối. Có thời điểm, ông có trong tay khoảng 6.000 băng cối, 200 đầu máy băng cối.
Ông Ngọc hiện sở hữu một chiếc máy ảnh cổ do Pháp sản xuất trước năm 1900. Về "con" này, ông nói: "Trước đây Nha Trang có hiệu ảnh chuyên sử dụng chiếc máy này để chụp hình cho khách. Không biết vì lý do gì, sau đó chủ nhà phải chuyển vào Cam Ranh. Biết họ không theo nghề nữa, tôi tìm hỏi mua lại máy. Chủ nhà nói rằng đây là chiếc máy “gia bảo”, có từ thời ông nội ông ấy. Nghe vậy, tôi thấy nó càng có giá trị và phải thuyết phục “gãy lưỡi” họ mới để lại. Cái máy nhìn đơn giản nhưng lại làm nên cả sự nghiệp, nuôi sống mấy thế hệ của một gia đình”, ông nói.
Đến nay, ông Ngọc đã sưu tầm được khoảng 250 máy ảnh các loại, với nhiều dòng khác nhau như: Zeiss Ikon, Kowa, Minolta, Polaroid, Yashica, Zenit, Kiev, Labitel, Praktica, E.Lorillon… Có những máy tuổi đời trên 100 năm, cũng có một số được sản xuất cách đây 30 - 40 năm. Mỗi khi đưa một máy ảnh sưu tầm được về nhà, ông lại cẩn thận lau chùi, rồi cho vào tủ kính 4 tầng, để dễ phân niên đại của từng loại. Những máy quý ông cho vào thùng xốp, bảo quản cẩn thận.
Trần Minh Ngọc đã giành được nhiều giải thưởng về ảnh: Huy chương đồng cuộc thi ảnh toàn quốc năm 2008, huy chương vàng Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền Trung - Tây nguyên 2002, giải nhì cuộc thi ảnh về môi trường VN 2004, nhiều huy chương vàng, bạc, đồng của FIAP (Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế), PSA (Hội Nhiếp ảnh Mỹ)...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.