Theo ghi nhận của Thanh Niên, từ chiều tối 30.3, rất đông người dân cả người lớn và trẻ em đến nhà thờ Tân Định (Q.3) để dự thánh lễ. Trước khi vào nhà thờ, mọi người được phát nến và trứng Phục sinh. Ai nấy đều đón nhận với tâm thế trang trọng, nghiêm túc.
Cây nến phục sinh có ý nghĩa Chúa Giêsu đã chiến thắng cái chết, sự sống lại của Ngài đã xua tan bóng tối tội lỗi. Trứng phục sinh là biểu tượng cho sự hồi sinh và khởi đầu một cuộc sống mới.
Tại buổi lễ, vị cha chủ tế cho biết, Giáo hội hân hoan cử hành màu nhiệm Chúa Giêsu phục sinh. Phục vụ đêm vọng Phục sinh gồm 4 phần: phụng vụ làm phép lửa mới và nến Phục sinh, phụng vụ lời Chúa, phụng vụ thánh tẩy và phụng vụ thánh thể. 4 phần này gắn kết chặt chẽ với nhau. Cộng đoàn chăm chú lắng nghe lời Chúa và sốt sắng cử hành những bí tích tưởng niệm màu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu với niềm hy vọng sẽ được cùng Ngài chiến thắng sự chết và sống kết hợp với Chúa Cha. Đèn ở nhà thờ tắt lại, người dân cùng chuyền nhau thắp sáng ngọn nến Phục sinh và cùng cầu nguyện dưới ánh sáng của nến.
Lễ Phục sinh là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Công giáo thường diễn ra vào tháng 3 hoặc 4 mỗi năm (tùy chu kỳ năm phụng vụ thuộc vào năm nhuận hay không nhuận). Năm nay, lễ Phục sinh rơi vào ngày 31.3.
Bà Chu Thị Thu Vân (55 tuổi, ở Q.1) cho biết, từ 16 giờ 30 bà đã đến nhà thờ phát nến và trứng Phục sinh cho mọi người. Người phụ nữ có tâm trạng hân hoan khi mừng Chúa Giêsu sống lại. Trước đó, bà cùng mọi người tham gia các hoạt động bác ái với trẻ em mồ côi, người già neo đơn ở những vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn ở Đăk Lăk, Hậu Giang, Trà Vinh, TP.Cần Thơ…
"Vài tuần trước các thành viên trong gia đình đều đi xưng tội. Lễ Phục sinh rất có ý nghĩa với người Công giáo, đó là dịp Chúa Giêsu sống lại cứu nhân loại. Hôm nay tôi đến thấy không khí ở nhà thờ Tân Định rất đông vui, trang trọng", bà Vân chia sẻ.
Vào đêm vọng Phục sinh, anh Cao Quý (31 tuổi, ở Q.1) đã tranh thủ về sớm, không tăng ca để đến nhà thờ dự thánh lễ. Anh chia sẻ: "Hôm qua (29.3) nhìn trên màn hình và thấy cảnh Chúa bị đóng đinh tôi đã bật khóc. Những ngày Chúa Giêsu mất ai cũng đau lòng nên khi Ngài sống lại mọi người đều hân hoan. Những ngày này, người Công giáo như có thêm năng lượng vô hình, cảm thấy mọi tiêu cực dần như tan biến".
Tương tự, nhà thờ giáo xứ Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh) cũng trang trọng tổ chức lễ vọng Phục sinh. Nhiều tín hữu tập trung tại đây để tham dự các nghi thức và cầu nguyện.
Đến trước giờ thánh lễ, bà Nguyễn Ngọc Anh (65 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) đứng cầu nguyện rất lâu ở sân nhà thờ. Những ngày trước lễ Phục sinh, nhà thờ tổ chức những thánh lễ buộc khác, bà Anh luôn đến sớm để cầu nguyện và suy ngẫm về mầu nhiệm.
Đối với bà lễ vọng Phục sinh là một trong những thánh lễ thiêng liêng của đạo Công Giáo và cũng là dịp để mọi người nhìn lại đời sống đức tin, luôn tin yêu và phó thác vào Thiên Chúa.
"Mầu nhiệm Phục sinh, mầu nhiệm Chúa Giêsu sống lại là một trong những niềm tự hào nhất của người Công giáo" bà Ngọc Anh nói.
Người Công giáo tham dự lễ vọng Phục sinh
Bình luận (0)