|
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học làm việc chung hoặc cộng tác với ông Tạn đều có chung nhận xét, ông là con người hành động, không nói suông. Ở đâu có cây gì mới, con gì hay, ông Tạn tìm đến nơi để tay được sờ, mắt thấy thực tế và trao đổi tận cùng nông dân để nghiên cứu nhân rộng. Có tư duy chiến lược, quyết đoán hành động, ông Tạn có đóng góp quan trọng phát triển ngành chăn nuôi bò sữa, đưa cây macca về Việt Nam.
Giấc mơ “dòng sông sữa” học đường
Ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tiếp xúc với ông Tạn khi còn là cán bộ kỹ thuật nghiên cứu giống lúa tại Hà Nam. Ông Tạn lúc ấy là đương kim Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhưng đích thân mang giống lúa lai Trung Quốc về tận Hà Nam trực tiếp trao đổi với cán bộ nghiên cứu để nhân rộng.
“Ấn tượng khiến tôi nhớ mãi, đó là người lãnh đạo tâm huyết, từng vấn đề ông phân tích, đặt ra rất rõ ràng, mạch lạc”, ông Ngọc kể. Về sau, ông Ngọc trưởng thành qua nhiều vị trí Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Nam, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đến lúc về hưu, đầu quân làm cộng sự cho ông Tạn ở Viện nghiên cứu nông - lâm nghiệp Thành Tây lại càng thấm thía và nể phục tầm nhìn xa trông rộng ở một chính khách luôn đau đáu, máu mê đóng góp phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Không phải là “dân” làm chăn nuôi, ông Nguyễn Trí Ngọc ấn tượng vị tư lệnh đầu tiên Bộ NN-PTNT ở sự quyết tâm đeo đuổi đến cùng mỗi ý tưởng. Lúc đương thời làm Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Tạn mơ ước phát triển chăn nuôi bò sữa để có những “dòng sông sữa” chảy vào trường học, giúp người Việt Nam nâng cao tầm vóc thể chất. Có lần đề xuất xây dựng hệ thống trang trại mục tiêu 10.000 con bò phục vụ cho ngành chế biến sữa đưa ra tại một hội nghị lớn về nông nghiệp có không ít chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, lãnh đạo hoài nghi và viện dẫn nhiều lý do phản đối. Vì có những định kiến như thế, ngành bò sữa ì ạch trong thời gian dài. Kiên định trước dư luận trái chiều đến khi lên cương vị Phó thủ tướng, ông Tạn đặt niềm tin và quyết tâm cho ra đời chính sách đầu tiên khuyến khích nông dân nuôi bò sữa, sau đó đã tạo thành phong trào trên cả nước.
Đến nay, chăn nuôi bò sữa không chỉ giúp nông dân làm giàu, lợi nhuận từ con bò sữa thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư trang trại quy mô lớn, với công nghệ chế biến hiện đại. “Nếu không có sự quyết đoán của ông Tạn, ngành sữa Việt Nam khó có nhiều thương hiệu mạnh, doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm sữa xuất khẩu như bây giờ”, ông Ngọc khẳng định. Ý nghĩa hơn, giấc mơ đưa sữa vào trường học, nâng cao thể lực vóc dáng cho học sinh Việt Nam đang có nhiều doanh nghiệp chung tay hành động.
Cường quốc macca
Trong số hàng chục cây giống, vật nuôi ông Tạn mang về nước sau những chuyến công du nước ngoài, cây macca đặc biệt được kỳ vọng đưa Việt Nam lên vị trí cường quốc về nông sản này trên bản đồ thế giới. Gần đây nhất, năm 2013, Bộ NN-PTNT xếp macca vào nhóm cây công nghiệp đặc biệt được Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển.
Trực tiếp nghiên cứu phát triển cây macca gần 10 năm nay, PGS.TS Phạm Đức Tuấn, nguyên Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), kể lại ông Tạn “mê mẩn” macca đến độ trồng ngay trước riêng tại Hà Nội dù chẳng bao giờ thấy cây đậu quả.
Năm 2002, ông Tạn được báo cáo về loại cây này ở Úc đã lập đoàn công tác bay sang nghiên cứu. Nhưng đưa giống cây này về Việt Nam không dễ. “Chẳng biết sau đó ông Tạn quan hệ đi lại ra sao, chỉ một thời gian ngắn sau đó phía bạn đã tặng 100 cây, đại diện những dòng tốt nhất ở Úc”, ông Tuấn kể. Cây về đến sân bay Nội Bài được chuyển ngay lên Ba Vì (Hà Nội) nuôi trồng nghiên cứu. Giữ toàn bộ số cây “làm vốn” này, ông Tạn cho nhập giống từ Trung Quốc. Mỗi chuyến công tác về cơ sở, ông Tạn xách theo vài cây tặng địa phương trồng thử. Cây trưởng thành đơm hoa, tỉ lệ đậu quả ở mỗi nơi khác nhau. Khi thì ngược Sơn La, Điện Biên lúc lặn lội vào Tây Nguyên, ông Tạn trực tiếp rong ruổi khắp nơi ghi chép, nghiên cứu chi tiết. Phương pháp khảo nghiệm thực tế sáng tạo này thu lượm được dữ liệu quý củng cố kết luận, macca hợp khí hậu vùng Tây Bắc và Tây Nguyên làm cơ sở xây dựng quy hoạch vùng trồng chiến lược.
PGS.TS Phạm Đức Tuấn cho biết, cây macca ở nước ta hiện có trên 2.000 ha và đang phát triển nhanh. Năng suất cây macca chỉ thua kém với giống trồng ở Hawaii (Mỹ). Macca được xem là “hoàng hậu của các loại hạt” về hàm lượng dinh dưỡng. Nhưng sản lượng hạt macca toàn thế giới mới chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu tiêu dùng. Nếu đầu tư đồng bộ và bài bản, mục tiêu đưa VN trở thành cường quốc macca trên bản đồ thế giới là không khó.
“Gần 2 tháng trước ngày qua đời, ông Tạn vẫn hào hứng chuẩn bị lễ ra mắt Câu lạc bộ macca Việt Nam quy tụ nhiều doanh nhân, nhà khoa học đam mê với cây trồng này. Đáng tiếc, người có công lớn đưa nó về Việt Nam không có cơ hội chứng kiến thành quả này”, ông Tuấn nghẹn ngào nói.
Nguyên Phó thủ tướng có giống lúa riêng GS.TS.Trần Khắc Thi, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả T.Ư, hiện là Phó viện trưởng Viện nông - lâm nghiệp Thành Tây chia sẻ, “sự hiếm có” ở người lãnh đạo như ông Nguyễn Công Tạn là lối tư duy ở chiến lược nhưng luôn được đúc kết và tổng hợp từ thực tiễn trên có sở am hiểu sâu sắc về nông nghiệp và có niềm đam mê đặc biệt với nghiên cứu khoa học. Sau khi về hưu, ông Nguyễn Công Tạn bỏ tiền túi nghiên cứu, lai tạo và khảo nghiệm thành công giống lúa thuần mang tên RVT, viết tắt của từ các từ: Rice (tiếng Anh nghĩa là gạo), Việt Nam và Tạn. RVT cho gạo thơm ngon, cơm dẻo được công nhận là giống quốc gia, Công ty CP giống cây trồng T.Ư mua bản quyền sản xuất từ nhiều năm và được gieo trồng ở nhiều địa phương trên toàn quốc. Sản phẩm của sự tâm huyến vói nghiên cứu khoa học là Viện nghiên cứu nông - lâm nghiệp Thành Tây ông Tạn sáng lập tập hợp nhiều nhà khoa học tầm cỡ, có uy tín trong nông nghiệp để cứu các giống mới, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp. (Hoàng Phan) |
Phan Hậu
>> Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn từ trần
>> Đại tướng làm nông nghiệp
>> Hội chợ triển lãm nông nghiệp và làng nghề Việt Nam
Bình luận (0)