Người của công chúng Ngày ấy... bây giờ - Kỳ 2: Cô hàng giải khát may mắn

17/10/2011 23:03 GMT+7

Chỉ với suy nghĩ đơn giản rằng học xiếc sẽ được ra Hà Nội, được gặp Bác Hồ, cô bé Tâm Chính không ngờ đã gắn bó với nghề ấy cho đến tận bây giờ khi đã ở tuổi 65.

Vào những năm 60-70 thế kỷ trước, khán giả vẫn nhớ đến hình ảnh Cô hàng giải khát khéo léo đứng thăng bằng trên 8 tầng cốc chênh vênh, phía dưới là con lăn luôn chuyển động. Đây cũng là tiết mục làm nên tên tuổi nghệ sĩ (NS) Tâm Chính. Cuộc đời run rủi để bà đến với xiếc, còn lòng kiên trì, bền bỉ, chịu đựng đau đớn, hy sinh đã giúp Cô hàng giải khát tỏa sáng, còn mãi trong lòng công chúng.

Vết sẹo trên má

Tâm Chính - khi mới 15 tuổi, là học sinh khóa đầu tiên của trường Xiếc Việt Nam mở năm 1961 (nay là trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ VN). Trong lớp có 30 người, chỉ có khoảng 6 học sinh nữ. Hầu hết mọi người đều sớm rẽ ngang, bà là người duy nhất trong lớp trụ lại với xiếc cho đến tận bây giờ. Bà kể: “Những ngày đầu học xiếc có lúc thấy khổ quá, đau quá, nghĩ rằng sẽ xin về nhà. Nhưng về thì lại thấy xấu hổ, chả biết thưa chuyện làm sao với bố mẹ, gia đình, bà con lối xóm. Mình ra Hà Nội học xiếc được mọi người trông mong nhiều lắm!”. Dần vượt qua những nỗi đau đớn ban đầu, Tâm Chính bắt đầu thấy yêu nghề. Hằng ngày, sáng sớm khi mọi người vẫn còn đang say ngủ, cô bé Tâm Chính thường “lấy trộm” con lăn ra tập. NS Hoa Vinh thấy cô tập luyện chăm chỉ, say sưa liền đồng ý hướng dẫn, kèm cặp cho Tâm Chính. Một thời gian sau, Tâm Chính thấy cần phải có một tiết mục mới của riêng mình. Ý tưởng Cô hàng giải khát bắt đầu được nhen nhóm.

 
NSND Tâm Chính - Ảnh: TL

“Tôi thay bốn chân ghế trong tiết mục con lăn trước bằng bốn cái cốc thủy tinh có nước, mặt ghế thay bằng những tấm ván, đồ tung hứng là những chai bia. Tôi mặc trang phục diễn là bộ đồ của người phục vụ. Cô hàng giải khát đã ra đời như thế ”, NSND Tâm Chính nhớ lại. Ý tưởng là vậy nhưng phải mất tới hai năm tập luyện, Cô hàng giải khát mới ra mắt khán giả. Qua thời gian, Tâm Chính xếp được 2 tầng cốc, rồi nâng lên 4 và cuối cùng là... 8 tầng cốc. Để thành công, cơ thể bà ngày một dày thêm những vết sẹo. Có lần trong lúc tập, cốc bị vỡ, mảnh thủy tinh đâm vào mặt và tay bà. Phải đến mấy tháng sau tai nạn, bà mới dám đứng trên con lăn trở lại. Đến giờ, bên má trái của bà còn hằn vết sẹo, còn ngón tay út phải khâu nhiều mũi không thể gập lại như bình thường. Hỏi bà, là phụ nữ bị vết sẹo trên mặt như vậy có thấy buồn, tự ti không, bà chỉ cười: “Người con gái nào chả sợ xấu nhưng vết sẹo này lại là vết sẹo làm tôi thấy tự hào”.

Chuyện tình yêu của Cô hàng giải khát

Ngày ấy, học chung lớp với Tâm Chính có chàng trai Việt kiều mới ở Thái Lan về nước. Bà mến ông (NSƯT Lê Thể) vì tính hiền lành, cần cù. Sau này, khi đã yêu nhau, ông thú nhận đã bị cái tính thật thà, chất phác của bà làm say lòng. Bà kể: “Lúc tôi biểu diễn Cô hàng giải khát, ông ấy thường đứng bên cạnh để đỡ. Chỉ ông ấy đỡ thì tôi mới thấy yên tâm”. Tình yêu của họ đã trải qua nhiều sóng gió. Lúc đầu nhiều người đã can ngăn Tâm Chính vì ông vừa mới ở nước ngoài về, sợ không yêu bà thật lòng. Còn bà thì hiểu tình cảm của ông. Có lúc, do đoàn thể cấm đoán gắt gao, ông đã rủ bà ra khỏi ngành xiếc. “Ông ấy chụp ảnh đẹp lắm nên bảo tôi bỏ xiếc, mở hiệu ảnh. Chỉ cần vậy, chúng tôi có thể sống thoải mái”, bà kể. Nhưng lúc đó, bà lắc đầu và nói: “Em không bỏ được. Em yêu cái nghề này lắm!”. Ông bà cùng nhau quyết tâm ở lại, vượt qua mọi chông gai, chứng minh cho mọi người thấy tình yêu chân thành. Tìm hiểu được 8 năm, khi bà 25 tuổi, ông và bà quyết định làm đám cưới.

 
NSND Tâm Chính trong tiết mục Cô hàng giải khát - Ảnh: TL

Nắm kẹo của Bác Hồ

Khi thấy Tâm Chính muốn theo nghề xiếc, mẹ bà đã can ngăn, nhưng bà vẫn quyết tâm vì nghĩ rằng chỉ theo nghề xiếc mới có thể ra Hà Nội (quê bà ở Thanh Hóa), được gặp Bác Hồ. Cho đến một ngày, bà được biểu diễn Cô hàng giải khát cho Bác Hồ xem. Bác rất thích và thường yêu cầu tiết mục này để “chiêu đãi” bạn bè quốc tế. Có lần biểu diễn xong, Bác gọi bà lại, xoa đầu và bảo: “Cháu biểu diễn hay lắm, nhưng phải truyền lại cho người khác biết làm như cháu. Phải nâng cao tiết mục lên nữa nhé” - lúc đó bà mới xếp được 4 chồng cốc. Nói rồi Bác đưa một nắm kẹo cho Tâm Chính. Bà bọc nắm kẹo cẩn thận trong chiếc khăn, có dịp mang về nhà để bố mẹ được tự hào về cô con gái dám dấn thân vào nghề xiếc.

Mỗi khi nói về ông, giọng của bà lại tràn đầy tình yêu thương, hạnh phúc và cả niềm tự hào. Bà bảo nhờ có ông mà bà mới được sống trọn vẹn với xiếc. Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, Cô hàng giải khát vào tận chiến trường, biểu diễn phục vụ bộ đội. Cậu con trai đầu lòng vừa mới tròn năm tháng tuổi, bà đã phải cai sữa cho con, cùng đồng nghiệp vào chiến trường Vĩnh Linh, Trường Sơn, qua đường mòn Hồ Chí Minh. Khi bà trở thành nữ giám đốc đầu tiên của Rạp xiếc T.Ư, ông là người luôn ở bên cạnh bà. Bà tự nhận: “Tôi là người đàn bà may mắn”. Gia đình yên ấm, hai người con của ông bà nay đều đã trưởng thành. Cô con gái là NS Kim Cương (người đã từng nối nghiệp bà với tiết mục Cô hàng giải khát) nay đang học tập, sinh sống tại Canada.

Bà lấy trong ví ra tấm ảnh cậu cháu trai 10 tuổi đang đứng trên con lăn ra khoe. Bà bảo bà yêu xiếc lắm, nhưng lại không muốn cháu theo nghiệp này nữa vì “nó bạc lắm!”. “Diễn viên không may gãy chân gãy tay có khi phải bỏ nghề luôn. Trong một tiết mục tập thể, 1-2 đứa lấy chồng, hay chuyển nghề thì phải bỏ, tập tiết mục mới. Với người biểu diễn xiếc thú, không may con thú chết, mình phải tập con thú khác. Cái nghề vất vả và nhiều bất trắc vậy mà chế độ đãi ngộ chưa được như mong muốn. NS phải chân trong chân ngoài. Tuyển diễn viên xiếc bây giờ khó lắm. Ai cũng sợ vất vả…”, bà chia sẻ.

Dù vậy nhưng bà bảo vẫn muốn sống với xiếc cho đến tận cùng. Cho đến bây giờ, bà và chồng vẫn tiếp tục cống hiến cho ngành. Bà thường bận rộn với biết bao công việc, làm Chủ tịch Liên chi hội Xiếc VN, cố vấn cho trường Trung cấp nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam… Còn NSƯT Lê Thể - chồng bà đang dạy học, truyền lại kinh nghiệm cho học sinh tại trường. Nhìn nụ cười, ánh mắt, lắng nghe những câu chuyện thấy bà vẫn say nghề như thuở Cô hàng giải khát năm nào!

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.