Ông Nồng luôn sẻ chia với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: Phước Hiệp |
Chúng tôi gặp ông Nồng vào một ngày giữa tháng 4 lịch sử. Trong căn nhà nhỏ nằm ở ấp Lòng Hồ, người chiến binh năm xưa vẫn miệt mài với công việc điền viên. Tuy đã 80 tuổi nhưng mỗi lần nhắc lại những năm tháng chiến tranh ác liệt, ánh mắt ông lại sáng lên niềm tự hào. Suốt cuộc trò chuyện, đã hơn một lần người cựu chiến binh ấy nhỏ lệ, những giọt lệ dành cho Tổ quốc, cho những đồng đội của mình đã ngã xuống.
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước chiến tranh, ông Nồng tham gia cách mạng từ rất sớm. Tết Mậu Thân 1968, ông được tổ chức phân công làm Bí thư chi bộ phụ trách khu vực K2 đánh vào các cứ điểm cao su Xa Cô 2, Xa Cô Xuýt, Xa Cô 28. Sau trận này, ông bị thương nặng và bị bắt đưa đi giam cầm ở nhà tù Phú Quốc từ năm 1968 – 1973. Sau đó ông được thả trong một đợt trao trả tù binh. Năm 1974, ông làm Bí thư huyện ủy Lộc Ninh cho đến năm 1993 thì nghỉ hưu.
Khi trở về đời thường, ông Nồng vẫn giữ những phẩm chất của bộ đội cụ Hồ. Ông tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Nghĩ đến những đồng đội đã hi sinh, ông cất công lặn lội đi tìm mộ của các đồng đội, đồng chí. Đến nay, dù tuổi cao sức yếu nhưng ông cũng đã tìm và xây dựng được 4 phần mộ cho các liệt sĩ.
Không những thế, ông Nồng còn dùng tiền lương hưu của mình giúp đỡ cho những người dân nghèo tại địa phương. Thấy hoàn cảnh của bà Thị Ham với tường tranh mái lá dột nát, bà Ham bị tật nguyền nằm một chỗ, ông Nồng đã hỗ trợ 70 triệu đồng để xây căn nhà tình thương cho mẹ con bà Ham. Hay như khi biết bà Thị Nhau (ngụ ấp Sóc Quả, xã Tân Hưng, H.Hớn Quản) mất mà không có tiền làm đám tang, ông đã tự nguyện bỏ tiền ra lo liệu và thuê thợ về xây mộ cho bà. Ông Nồng chia sẻ: “Trong suốt thời chiến tranh, một hạt gạo đồng bào cũng sẻ làm đôi cho anh em, nhiều lúc họ nhịn ăn để nhường cho bộ đội nắm rau dại, lá rừng. Vì vậy, mà việc chúng tôi làm hôm nay là rất nhỏ bé so với những gì mà mình đã từng nhận được từ đồng bào”.
Ông Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng ấp 5, xã An Khương (H.Hớn Quản) cho biết: “Với tấm lòng “lá lành đùm lá rách”, ông Nồng đã giúp đỡ bà con nghèo ở ấp này bằng rất nhiều việc làm có ý nghĩa”.
Với những cống hiến trong kháng chiến và tấm lòng nhân ái trong thời bình, tháng 5.2013, ông Nồng đã vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen ngợi. Trong bức thư khen của Chủ tịch nước có đoạn viết: “Tôi xúc động được biết, mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng với ý chí cách mạng và tấm lòng của người đảng viên đã từng vào sinh ra tử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hàng tháng, ông đã trích một phần lương hưu để giúp đỡ cho học sinh là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách tới trường; hỗ trợ các gia đình nghèo; đóng góp các quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học; tích cực tuyên truyền, vận động được nhiều bà con tham gia những công việc có ích cho xã hội…”.
Phước Hiệp
Bình luận (0)