Người đã tiêm ngừa Covid-19 ít khả năng lây virus hơn

La Vi
La Vi
26/10/2021 19:29 GMT+7

Một số nghiên cứu mới đây cho thấy những người được chủng ngừa Covid-19 đầy đủ ít có khả năng lây nhiễm cho người khác hơn. Phát hiện này thách thức những nghiên cứu trước đó cho rằng vắc xin không còn hiệu quả ngăn ngừa virus corona nữa, đặc biệt đối với chủng Delta .

Chuyên gia vi trùng học Christopher Byron Brooke tại Đại học Illinois (Mỹ) cho biết: "Việc tiêm vắc xin làm giảm sự lây truyền rõ rệt. Những người được tiêm chủng có thể truyền virus trong một số trường hợp, nhưng dữ liệu cho thấy rất rõ rằng nguy cơ lây truyền ở một người đã tiêm vắc xin thấp hơn nhiều so với một người chưa tiêm".

Một nghiên cứu gần đây tại Trung tâm Dịch tễ học và Giám sát bệnh truyền nhiễm của Hà Lan cũng cho thấy khả năng lây cho người khác của người đã chích ngừa Covid-19 đầy đủ bị mắc biến thể Delta thấp hơn 63% so với người chưa tiêm vắc xin. Với biến thể Alpha thì khả năng này còn thấp hơn nữa, đến 73%.

Nhóm nghiên cứu cho biết không thể tính toán chính xác mức độ giảm lây truyền nhờ tiêm chủng, vì họ không biết tiêm chủng làm giảm bao nhiêu % nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, giả sử việc tiêm vắc xin giúp làm giảm 50% nguy cơ nhiễm bệnh thì nhìn chung có thể giúp giảm hơn 80% mức độ lây truyền virus.

Bên cạnh đó, vào đầu năm nay, nghiên cứu của chuyên gia Ottavia Prunas tại Đại học Yale (Mỹ) cũng cho thấy hiệu quả tổng thể của vắc xin Pfizer trong việc ngăn lây truyền là 89%. Tuy nhiên, dữ liệu được lấy từ Israel thời điểm biến thể Delta chưa phổ biến.

Chương trình tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ em tại Mexico

reuters

Quan điểm cho rằng tiêm ngừa không còn tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19 có thể xuất phát từ các thông tin cho thấy người đã tiêm chủng bị nhiễm Covid-19 thì tải lượng virus vẫn cao như những người khác. Dù vậy, ngay cả khi điều này đúng, vắc xin vẫn làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh, qua đó giảm nguy cơ lây truyền virus.

Trên thực tế, nghiên cứu dẫn đến thông tin nói trên dựa vào chỉ số CT, đo lượng ARN của virus. Tuy nhiên, RNA này có thể xuất phát từ các virus đã bị hệ thống miễn dịch tiêu diệt, do đó không thể hiện lượng virus có thực.

Hiện có một số bằng chứng cho thấy chỉ số CT không phải là thước đo tốt để đánh giá số lượng virus mà một người nào đó mắc phải. Thứ nhất, thực tế cho thấy những người đã tiêm vắc xin bị nhiễm ít có khả năng lây nhiễm cho người khác hơn.

Thứ hai, nhóm của chuyên gia Timothy Peto tại Đại học Oxford đã chỉ ra rằng có rất ít mối liên hệ giữa chỉ số CT và độ lây truyền. Ông Peto nói: "Có vẻ như những người dương tính với Covid-19 sau khi tiêm vắc xin có tải lượng virus tương đương với người chưa tiêm. Ban đầu chúng tôi tưởng mức độ lây truyền của họ như nhau nhưng hóa ra là ít lây truyền hơn".

Chuyên gia vi trùng học Brooke cũng đã làm nghiên cứu lấy mẫu 23 người từ lúc có kết quả dương tính đến khi âm tính, và dùng các mẫu này để thử lây nhiễm cho tế bào. Kết quả cho thấy với 5 trong số 6 người đã tiêm chủng đầy đủ, các mẫu đều không lây nhiễm. Ngược lại, đa số mẫu từ những người chưa tiêm chủng đều lây nhiễm. Ông Brooke, nghiên cứu cho thấy người đã tiêm chủng có lượng virus ít hơn và hết virus sớm hơn người chưa tiêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.