Người đàn bà tặng trả... sắc phong

13/04/2016 05:56 GMT+7

Bà Hồ Hải Hà đã truy tìm địa danh cùng với nhóm Tâm Phát dựa vào tên trên sắc phong nhóm đang giữ, rồi đi tìm các làng bị mất sắc phong để trả lại món đồ quý ấy cho họ.

Bà Hồ Hải Hà đã truy tìm địa danh cùng với nhóm Tâm Phát dựa vào tên trên sắc phong nhóm đang giữ, rồi đi tìm các làng bị mất sắc phong để trả lại món đồ quý ấy cho họ.

Bà Hồ Hải Hà (giữa) cung tiến sắc phong về đình làng Khê Lôi, TP.Phủ Lý, Hà Nam - Ảnh: N.V.C.CBà Hồ Hải Hà (giữa) cung tiến sắc phong về đình làng Khê Lôi, TP.Phủ Lý, Hà Nam - Ảnh: N.V.C.C
Tìm địa danh cổ nhờ facebook
Lâu lâu bà Hải Hà đưa thông tin lên mạng để hỏi về những địa danh cổ. Đại khái như: “Ai biết địa danh xưa là Hà Nam tỉnh, Nam Xương huyện, Đông Xá xã, Trịnh Thượng thôn nay là thôn, xã nào của H.Lý Nhân, Hà Nam thì xin chỉ giùm để sắc sớm hồi hương”. Thông báo này được gửi qua tài khoản cá nhân Facebook của nhiều nhóm yêu mến văn hóa cổ.
“Tôi vẫn lên mạng nhờ mọi người xác định hộ địa danh”, bà Hà nói. Các sắc phong cổ đã hàng trăm năm, tên địa danh vì thế giờ không còn như xưa. Cái khó bắt đầu như vậy. Nhưng ngay cả khi việc tìm địa danh đã xong, công việc vẫn còn dài. “Hỏi được tên địa danh rồi mình phải tới tận nơi. Xem lại lần nữa địa danh xưa và bây giờ. Sau đó, xem ở đó có thờ đúng ông thần đang ghi tên trên sắc phong không, xem có đúng bị mất không. Xác nhận đúng hết rồi mới bàn ngày trao nhận. Nếu chưa chính xác thì không thể đưa về được”, bà Hà cho biết. Từ lúc tìm địa danh đến lúc trao trả có khi mất hàng năm trời.
Tôi hình dung nếu chính dòng họ mình bị mất như thế thì cảm giác như thế nào. Đó là duyên và tôi không quản ngại gì. Có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu
Bà Hồ Hải Hà
Mất mà không dám nhận
Ông Nguyễn Văn Khơi, Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Bảo, Hải Phòng nhớ lại, ông đã vô cùng ngạc nhiên khi nhận được điện thoại của bà Hà. Khi đó, bà nói hiện đang cầm tới 4 sắc phong liên quan đến huyện ông. “Có tận 4 chiếc cơ. Có cái thì mất dăm bảy năm. Cái thì mất quá lâu đời rồi. Nhiều nơi, chúng tôi cũng không biết mất từ bao giờ”, ông Khơi nói. Chính vì thế, ông đã yêu cầu bà Hà gửi hình ảnh để đề nghị bảo tàng kiểm tra lại. Sau này, những sắc phong đó đều quay trở về.
“Dân làng, nhất là các cụ cao tuổi mừng lắm. Tôi cũng viết thư cảm ơn chị ấy. Chị trao lại sắc phong mà không đòi hỏi điều kiện gì”, ông Khơi nhớ lại. Với bà Hà, đó là bức thư cảm động.
Nhưng không phải ở đâu bà Hà cũng được đón nhận, được viết thư cảm ơn như thế. Bà cho biết, buồn nhất là có những nơi họ không muốn nhận lại. Vì việc giữ sắc phong nhiều lúc theo kiểu cuộn lại cho vào tủ, dân làng không biết nên lúc mất họ cũng chẳng hay. Người giữ làm mất ngại điều tiếng nên cũng lặng lẽ không thông báo. Tới giờ khi bà đánh tiếng, họ ngại. Nhận về thì lại lộ ra mình đã làm mất sắc phong của làng.
Bà cho biết, có sắc phong ở Hưng Yên khi bị mất, nhà sư lo lắng, im lặng rồi bỏ 40 triệu đồng đi làm lại sắc khác giống hệt dựa theo bản chụp. Song giá trị sắc mới làm sao được như sắc thật. Tới lúc nhận được bản thật về, không ai nói cho hết được niềm vui. Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Phòng... là những nơi đã nhận sắc phong hồi hương từ tay bà Hà.
Cũng theo bà Hà, nếu như đa số người dân nhiệt tình muốn nhận thì nhà quản lý đôi khi lại thờ ơ. “Có thể vì họ không hiểu hết về sắc phong. Có lẽ họ quan tâm đến xây dựng nhiều hơn chứ chưa quan tâm hết đến văn hóa. Coi đấy chỉ là tờ giấy, chả có ý nghĩa gì với địa phương người ta. Chẳng qua nó ở trong cái đình đấy thôi”, bà nói.
Một sắc phong được trả lại cho Hà Nam - Ảnh: N.V.C.C
Không đơn giản chỉ là cổ vật
“Ai cũng hỏi là bỏ tiền mua sắc phong rồi mang đi trao tặng thì tôi được gì?”, bà Hà nói. Bà trả lời cũng đơn giản, vì bà đam mê và có kiến thức về sắc phong. Được xem sắc phong từ bé của chính dòng họ Hồ của mình, bà đã thấy mê mẩn. Tới lúc phát hiện những sắc phong lưu lạc được bán trên thị trường thì lòng bà thấy như chính mình mất mát.
“Tôi hình dung nếu chính dòng họ mình bị mất như thế thì cảm giác như thế nào. Đó là duyên và tôi không quản ngại gì. Có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu”, bà Hà bộc bạch. Và bà không hề đơn độc. Vì nhiều người có sắc phong cũng mang tới để bà tìm cách trả về chốn cũ. Một trong số đó là nhà sưu tập Trần Hiển Anh, TP.HCM. Qua cầu nối của bà, ông đã tặng để sắc phong về lại một di tích ở Thanh Hóa.
Bà Hà cũng cho rằng cần phải tuyên truyền để thấy sắc phong rất đặc biệt. Nó gắn với địa danh cụ thể, câu chuyện cụ thể. Vì thế, sắc phong không đơn giản chỉ là cổ vật. Nó sẽ có ý nghĩa nhất khi trở về đúng nơi nó được ban tặng.
TS Trần Văn Ánh, Viện Văn học, cho biết: “Sắc phong là văn bản danh nghĩa triều đình trung ương phong cho người hoặc thần một danh hiệu nào đó. Ngoài giá trị lịch sử, sắc phong còn có giá trị tâm linh với địa phương nữa”.
Hiện có những sắc phong quý hiếm như bức sắc phong chức Thự thủ thành Thành Điện Hải thời vua Minh Mạng năm thứ 21 (1840). Bức sắc phong do ông Bùi Văn Quang (hội viên CLB UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật VN tại Nam Định) hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng. Sắc phong của vua Tự Đức, ban ngày 29 tháng 5 năm Tự Đức thứ 17 (1863) cho các cai đội thủy binh ra khơi bảo vệ biển đảo từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, trong đó có đảo Trường Sa...
Bà Hồ Hải Hà là giáo viên dạy văn Trường THCS Tuy Lộc, xã Tuy Lộc, H.Hậu Lộc, Thanh Hóa. Tâm Phát là nhóm thiện nguyện đã nhiều lần tìm và trả sắc phong về đúng chủ. Họ cũng có các cộng tác viên biết chữ Hán để hỗ trợ dịch và đối chiếu tài liệu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.