Sở TN-MT Bến Tre làm gì để hạn chế ô nhiễm rác ở bãi An Hiệp ?
Ngày 20.7, UBND tỉnh Bến Tre và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức Hội nghị thông tin tình hình và giải pháp xử lý rác bãi rác An Hiệp (xã An Hiệp, H.Ba Tri).
Trong khoảng 1 tuần qua, người dân xung quanh bãi rác này tập trung lại để chặn các xe chở rải thải từ hướng TP.Bến Tre, phản đối việc tập kết rác về đây, vì cho rằng điều này gây ô nhiễm môi trường sống của họ.
Tại hội nghị, ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở TN-MT Bến Tre cho biết, từ năm 2021 đến nay, bãi rác của tỉnh ở xã Hữu Định và Phú Hưng quá tải nên mỗi ngày phải chở gần 200 tấn rác thải của TP.Bến Tre và H.Châu Thành chở xuống bãi rác An Hiệp đổ tạm. Cùng với đó, khoảng 40 tấn thải của H.Ba Tri cũng tập kết về bãi rác An Hiệp, dẫn đến bãi rác này bị quá tải, phát sinh các vấn đề về môi trường xung quanh nghiêm trọng. Người dân xung quanh bãi rác An Hiệp phản ứng là chính đáng.
Vẫn theo ông Tuấn, hiện bãi rác An Hiệp chưa đủ các quy chuẩn về môi trường để chứa lượng rác thải lớn đến như vậy, nhưng trên địa bàn tỉnh Bến Tre không còn bãi rác nào phù hợp hơn để thay đổi. Trước tình hình đó, thời gian qua, Sở TN-MT có đầu tư các hố chôn rác, tường rào... để xử lý tại chỗ một số việc nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân.
"Trong bán kính 500 m thì bãi rác An Hiệp hiện nay không đáp ứng được mùi bốc ra. Đặc biệt, gần đây mưa nhiều, gió thổi mạnh dẫn đến mùi rác thải bốc ra xung quanh, một số điểm tường rào bị hư hại khiến rác tràn ra bên ngoài xung quanh... gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân", ông Tuấn nói.
Lãnh đạo tỉnh thừa nhận chậm phát hiện các bức xúc của người dân
Tiếp lời Giám đốc Sở TN-MT, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, thừa nhận việc bản thân ông đã chậm phát hiện các bức xúc của người dân địa phương nên chậm chỉ đạo hướng xử lý, dẫn đến người dân tập trung đông người để chặn các xe rác, gây ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh trật tự.
"Lãnh đạo UBND tỉnh và các đơn vị liên quan đã đến đối thoại theo yêu cầu của một số hộ dân ở 2 xã An Hiệp và An Đức, H.Ba Tri. Tuy nhiên, các giải pháp tạm thời của tỉnh đưa ra không được đa số người dân chấp nhận. Trước mắt, chúng tôi vẫn mong người dân đồng tình, chia sẻ với khó khăn của tỉnh trong khi lãnh đạo tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt để triển khai nhanh chóng các giải pháp căn cơ, lâu dài để chấm dứt tình trạng không có chỗ đổ rác, chưa xử lý rác hiệu quả hiện nay của tỉnh Bến Tre", ông Cảnh nói.
Theo ông Nguyễn Minh Cảnh, năm 2016, tỉnh Bến Tre cấp chứng nhận đầu tư Dự án (DA) nhà máy xử lý rác thải Bến Tre cho Công ty CP xử lý rác thải Bến Tre (xã Hữu Định, H.Châu Thành, Bến Tre), do ông Nguyễn Hải Vân làm đại diện theo pháp luật. Thế nhưng, nhà đầu tư đã đầu tư không đạt yêu cầu kỹ thuật xử lý rác và còn nhiều vấn đề khác phát sinh trong quá trình đầu tư. Lẽ ra, UBND tỉnh phải quyết định thu hồi DA, nhưng nếu làm vậy sẽ mất thời gian xử lý các vấn đề phải xử lý dứt điểm trước khi giao DA cho nhà đầu tư mới.
Do đó, trong tháng 5.2023, UBND tỉnh Bến Tre gặp gỡ nhà đầu tư cũ và nhà đầu tư mới là Công ty CP tập đoàn AMACCAO để hai bên thực hiện việc mua bán toàn bộ cổ phần để tiến hành tái cơ cấu lại DA quan trọng này. Hiện, nhà đầu tư mới đang trong giai đoạn hoàn tất việc mua lại cổ phần và Sở TN-MT Bến Tre cũng đang thực hiện các quy trình thủ tục hành chính để giao đất cho nhà đầu tư mới.
DA sau tái cơ cấu sẽ tăng diện tích 2 ha so với quy mô DA cũ. Trong 2 năm đầu tư xây dựng (dự kiến cuối năm 2025), Nhà máy xử lý rác thải tỉnh Bến Tre dự kiến sẽ xử lý trên 350 tấn rác/ngày theo kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải của TP.Bến Tre và các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc… Khi đó, tỉnh sẽ chấm dứt việc vận chuyển rác xuống bãi rác An Hiệp.
Trước mắt, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục đầu tư và đang triển khai thủ tục pháp lý thu hồi hơn 3 ha đất xung quanh nhà máy rác An Hiệp để mở rộng bãi rác này. Đồng thời khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tối đa các vấn đề về môi trường gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh bãi rác An Hiệp.
Bình luận (0)