Bà Bình nhận được thiệp chúc mừng Giáng sinh của vợ chồng thằng con trai và hai đứa cháu nội bên Mỹ. Kèm theo tấm thiệp là một bức ảnh chụp phòng khách; giữa phòng có một cây thông lớn, hai đứa nhỏ ngồi mở những gói quà, cạnh lò sưởi và ngọn lửa giả bập bùng. Lòng bà bỗng nhiên ấm áp lạ. Lẽ ra giờ phút này bà đang có mặt bên cạnh chúng nó, theo lời thỉnh cầu từ nhiều năm nay của thằng con trai.
Sáng nay, bà dậy sớm như mọi khi, ngồi ở ghế bành, quấn thêm khăn quàng quanh cổ và cái chăn mỏng đắp dưới chân. Cửa sổ khép nhưng trong nhà vẫn thấy ớn lạnh. Bà để ngọn đèn trần sáng suốt đêm. Cái tim đèn như bị nung trong lò rèn đỏ rực, sắp sửa chảy thành nước. Qua cửa kính, bà thấy con tuần lộc với chùm đèn màu trang trí nhấp nháy bày trước nhà đối diện của cặp vợ chồng trẻ. Họ đang trong thời kỳ chuẩn bị đón đứa con đầu lòng chào đời. Người vợ bụng đã to, di chuyển nặng nề. Căn nhà họ như một tổ chim ríu rít, bà chứng kiến nó thay đổi từng ngày, từng ngày. Chỉ đến khi cái tháp chuông đổ một hồi chuông dài và những người đi lễ sớm lục tục chuẩn bị trở về, bà mới đứng lên, đi vào bếp. Bà đổ sữa vào đĩa cho con Sam và pha cho mình một tách cà phê hòa tan. Cả hai cùng ngồi ở bàn bếp với bữa điểm tâm quen thuộc.
Căn bệnh ung thư vú của bà Bình qua lần tái khám cách đây hai tháng đã cho kết quả rất khả quan và ông bác sĩ điều trị đã nói với bà về tình trạng ổn định đầy hứa hẹn trong tương lai. Nhưng trong thâm tâm bà vẫn không mấy tin tưởng. Bà tự biết mình không còn sống bao lâu nữa. Chỉ là vấn đề sớm hay muộn.
Một người bạn của bà Bình, cùng một căn bệnh và cũng trở về nhà với chẩn đoán lạc quan y hệt. Tuy nhiên, chỉ không đầy hai tháng sau, khi bà ấy vừa bước ra khỏi siêu thị, ông chồng bỗng thấy một bên miệng của vợ méo xệch, liền tức tốc đưa ngay bà trở vào bệnh viện. Chỉ một tuần sau người bạn của bà qua đời.
Những chẩn đoán y khoa ngày nay chẳng đáng tin cậy chút nào, đặc biệt là với căn bệnh quái ác này. Bà biết mình có thể ra đi vào bất cứ lúc nào. Quả vậy, bất cứ lúc nào.
Về mặt tài sản, bà Bình chẳng có thứ gì đáng kể. Một căn nhà cấp bốn thuê của nhà nước với những tiện nghi trang bị đã cũ kỹ không còn mấy giá trị, quần áo và vài vật kỷ niệm. Bà sẽ lập một danh sách để san sẻ những thứ ấy trong những ngày tới. Còn quá nhiều người quen biết của bà đang trong hoàn cảnh khó khăn sẽ cần đến chúng.
Điều trớ trêu là vào những ngày này bà chẳng hề bận tâm đến cái chết của mình. Không những không hề cảm thấy sợ sệt mà có vẻ bà đã dọn mình sẵn sàng cho giây phút tối hậu đó một cách hết sức bình thản. Bà đã chứng kiến cái chết, hay nói cách khác, chung đụng với nó, đến độ chai lì, thách thức.
Trong vòng năm năm liền, nó đã liên tiếp lấy đi sinh mạng của bà ngoại, cha, em gái và em trai trong vòng tay của bà. Ngay chính bà hai mươi năm trước cũng đã chủ động tìm đến cái chết khi bất ngờ biết chồng đã phụ rẫy mình để đeo đuổi một cô nhân tình. Bà đã cầm cây kéo toan đâm vào cổ, nhưng ngay đúng lúc ấy, hình ảnh đứa con trai mới chập chững biết đi bỗng hiện ra trước mắt làm cho bà chùn tay lại, và bà đã miễn cưỡng kéo dài sự sống cho đến tận hôm nay.
Bây giờ, mối bận tâm lớn nhất của bà không gì khác hơn con Sam. Bà không muốn bỏ rơi nó. Bà nghĩ mình phải có trách nhiệm thu xếp chu toàn để nó có một cuộc sống yên ổn thì bà mới thật sự an lòng ra đi.
Sam là tên của con mèo. Nửa năm trước bà mang nó về từ công viên trong một buổi dạo chơi thường lệ. Thỉnh thoảng vẫn có những con mèo hoang lang thang trong công viên như vậy. Chúng như những kẻ vô gia cư mà bà thường gặp nằm co quắp trên băng ghế đá, đầu gối lên những bọc vải cũ kỹ. Các bà già và các cô gái trẻ vẫn mang thức ăn đặt ở gốc cây hay dưới chân những bức tượng đá để cho chúng.
Bà Hường trong nhóm tập thái cực quyền với bà cũng có một bọc ni-lông nhỏ trong túi xách đựng thức ăn cho mèo. Sau mỗi buổi tập, bà bắt đầu phân phát cho chúng. Sáu, bảy con đứng xúm xít chung quanh, ngước những cặp mắt trong xanh hau háu nhìn lên. Những con chưa đến lượt thì sốt ruột buông ra những tiếng kêu thương tuyệt vọng thật dài. Cho đến tận sau này, nhiều khi đang cho con Sam ăn, bên tai bà vẫn còn nghe văng vẳng tiếng kêu não nuột của đám mèo hoang ấy.
So với khi mới được mang từ công viên về, con Sam đã già đi rất nhiều, già nhanh đến mức chính bà Bình cũng phải ngạc nhiên. Đầu và lưng của nó bắt đầu xơ xác, điểm nhiều sợi bạc và dáng đi của nó không còn nhanh nhẹn, uyển chuyển như những ngày đầu. Trừ những hôm dịu nắng, Sam rảo qua rảo lại đủng đỉnh trước cửa một hồi để sưởi ấm, phần lớn thời gian trong ngày nó chỉ thích nằm ườn một chỗ, trên cái nệm tròn lót trên chiếc ghế mây ở buồng ngoài, khuất trong góc tối, hai mắt lim dim như đang thả mình vào mộng tưởng.
Bà nghĩ nếu cứ để cho Sam sống với đồng loại của nó ngoài công viên, biết đâu tình trạng của nó sẽ không xuống dốc nhanh thế này, mà ngược lại, sẽ khả quan hơn bởi lý do duy nhất là nó sẽ không phải chịu cảnh sống cô độc như bà mà được sống trong một cộng đồng, có bạn bè để thương yêu và san sẻ.
Bây giờ Sam cũng già nua như chủ của nó, cũng biếng ăn và sợ những tiếng động từ thế giới bên ngoài. Giấc ngủ của cả hai sinh vật này càng lúc càng ngắn lại. Nửa đêm tỉnh dậy, nhìn xuống dưới chân, bà Bình đã thấy Sam cũng trở giấc uốn éo thân mình, và hai cái bóng cô độc ngồi ủ dột bên nhau cho đến khi bên ngoài trời hửng sáng.
Tuổi già, tuổi của những tủi thân bất chợt, mau nước mắt như những cơn mưa bóng mây không kịp ướt đất. Trong cùng cảnh ngộ, giữa họ nảy sinh một thứ tình cảm tương thân, nương tựa vào nhau, như một thứ tình cảm bạn bè. Bà luôn tin rằng thú vật cũng có linh hồn và cũng cần được đối xử tử tế.
Trong khi con Sam còn nhẩn nha với đĩa sữa của nó, bà Bình đã đứng lên sửa soạn. Bà với tay lấy cái giỏ cói, lót thêm dưới đáy một lớp vải dày rồi ngồi chờ con Sam kết thúc bữa ăn sáng mới bế nó đặt vào trong giỏ. Ra đến buồng ngoài, bà khoác thêm chiếc áo len mỏng, ngó quanh một lượt trước khi tắt đèn và khóa trái cửa.
***
Bến xe buýt buổi sáng chỉ lác đác vài người đứng đợi. Hai đứa nhỏ đeo ba lô sau lưng có vẻ là học sinh ríu rít nói cười với nhau, và một người đàn ông trung niên đang chăm chú đọc báo.
Bà cũng chưa biết mình sẽ đi đâu với con Sam. Trong đầu bà lúc này chưa có một địa điểm nào cụ thể. Bà nghĩ, trước hết là phải đi thật xa. Bà dự tính sẽ thay đổi lộ trình nhiều lần, khiến hành trình càng phức tạp càng tốt, bởi bà cho rằng mèo có một bộ nhớ hoàn hảo, chúng có thể dễ dàng tìm đường trở về nhà, nếu không tìm cách bôi xóa hết các dấu vết.
Bà chọn đi xe buýt để có thể thay đổi được nhiều tuyến xe khác nhau. Còn chuyện có tìm được người đáng tin cậy để có thể gửi gắm con Sam hay không thì cứ để cho ơn trên an bài. Nghĩ vậy, nhưng tận trong sâu thẳm, bà tin rằng rốt cuộc sẽ có một nơi thật tử tế dành cho con Sam. Nó xứng đáng được như thế.
Chuyến xe đầu tiên bà Bình bước lên còn trống khá nhiều chỗ. Bà chọn chỗ ngồi cạnh cửa sổ, đặt cái giỏ cói kẹp giữa hai chân. Bên trong, con Sam vẫn im thin thít, thỉnh thoảng mới khẽ động đậy cựa mình.
Bà lơ đãng nhìn ra ngoài cửa kính. Phố xá, xe cộ và cây cối lần lượt bỏ lại ở phía sau như những hình ảnh trong một cuốn phim quay chậm. Ở bến kế tiếp, một cô gái lên xe, ngồi vào chiếc ghế trống bên cạnh. Như một phản xạ tự nhiên, bà ngồi khép lại, lấy chân xê dịch cái giỏ cói sát vô trong để tránh vướng víu cho người khách mới. Dưới chân bà, Sam có vẻ hiểu ý chủ, cũng nằm ngoan ngoãn không cục cựa.
Cô gái ngồi xuống, mùi nước hoa tỏa ra sực nức. Hai tai gắn hai sợi dây nghe, mắt đeo kính mát, cô chìm đắm trong thế giới riêng của mình, dường như chẳng buồn để ý chút nào sự có mặt của người bên cạnh.
Sao bà không sang ở với con cháu? Tuổi già bệnh hoạn ở đây làm gì? Có lần bà Hường hỏi.
Có thể bà Hường bây giờ cũng ngồi trên xe trên đường đi đến các trại, phân phát quà tết cho những đứa bé mồ côi. Lúc bà Hường tám tuổi, cha mẹ đều mất bởi một quả pháo lạc khi cả hai đang ở ngoài đồng. Bà Hường và người em trai sau đó phải về sống với họ hàng nội ngoại, mỗi nhà năm ba tháng. Rồi cuộc chiến càng lúc càng khốc liệt, làng mạc bị tàn phá và các gia đình đều phiêu tán. Hai chị em bà trôi dạt lây lất khắp chân trời như hai chiếc lá bị gió bão bứt ra khỏi cành rách nát.
Bà đi phụ bán hàng ngoài chợ rồi đi ở đợ, em trai bán vé số rồi học sửa xe. Bây giờ cậu em đã có vợ và hai con với một cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Còn bà vẫn sống đơn chiếc trong một con ngõ chật chội. Tuổi thơ đen tối và cơ cực có lẽ là động cơ sâu kín khiến bà tự nguyện dành trọn những năm tháng cuối cùng của cuộc đời để chăm sóc cho những số phận nhỏ bé bất hạnh. Cứ vài tháng, bà Hường lại đi làm từ thiện ở các tỉnh một lần, mỗi lần kéo dài cả tuần lễ. Trong một lần đi xa như thế trở về, con mèo bà nuôi đã bị một con mèo hàng xóm cắn chết, xác trương lên đầy dòi ở trong nhà.
Minh họa: Tuấn Anh
|
Tiếng nhạc ngắn ngủi reo lên đột ngột. Cô gái rút chiếc điện thoại di động từ trong túi xách ra xem và bấm phím trả lời tin nhắn, cặp kính mát vẫn dán chặt trên mắt. Thêm nhiều người nữa lên xe. Một số mặc áo màu xanh dương đứng túm tụm phía dưới, gần với cửa sau.
Bà Bình ngó những khối nhà lòe loẹt lô xô chạy dọc hai bên và con đường dài như vô tận trước mặt. Dường như xe đang đi qua một khu đô thị mới. Một vài nhà đang xây cất dở được che đậy bằng những tấm lưới mỏng, nhiều con phố bị bít lại bởi những cái rào chắn để hạn chế người qua lại. Xe chạy không nhanh nhưng bà không thể đọc được gì trên những cái bảng hiệu. Đột ngột, bà quyết định xuống xe.
Trạm xe buýt nơi bà bước xuống nằm trước mặt một cái chợ. Bà suýt giẫm vào vũng nước đọng trên vỉa hè khi lách người để tránh một người đàn ông, hai chân bôi đỏ lở lói, nằm dài trên chiếc xe lăn đang chìa chiếc nón ra xin tiền trong tiếng tụng kinh rề rà phát ra từ cái cassette. Những sạp hàng, những chiếc xe đẩy bày hết cả lối đi.
Mỗi lần đi qua, bà Bình phải ôm gọn cái giỏ cói vào lòng hoặc giơ cao lên để không va quệt. Có lẽ chỉ mới ngoài bảy giờ. Còn nhiều người đi chợ. Một vị tu sĩ khất thực khoác y vàng không biết từ đâu bất ngờ chìa cái bình bát ra trước mặt bà Bình, miệng lúng búng. Từ lâu tai của bà có vấn đề, có lẽ bà cần phải đeo một bộ khuếch đại âm thanh. Bà lúng túng, không phải vì không nghe được lời vị tu sĩ mà vì ánh mắt thôi miên, xoáy sâu vào người đối diện của ông ta bên dưới hàng lông mày có những xoáy tròn, rậm và đen một cách khác thường. Như một phản xạ, bà ôm chặt cái giỏ cói, nhìn lảng sang chỗ khác. Bà bước hẳn xuống lòng đường, bỏ lại trên vỉa hè chen chúc đầy những níu kéo, chào mời và cả vị tu sĩ. Bà thõng tay xuống để có thể rảo chân thong dong bước nhanh.
Qua khỏi khu vực chợ, bà đi chậm lại, nhìn quanh, nghĩ ngợi.
Ở ngã tư trước mặt, gần cột đèn tín hiệu giao thông, một người đàn bà bán bánh mì, trạc tuổi bà Bình. Cái tủ kính vuông, vài ba ổ bánh mì đặt trên một chiếc ghế xếp. Người đàn bà với chiếc nón lá trên đầu ngồi ngó mông lung ra đường.
Bà Bình tiến lại hỏi.
Người đàn bà đáp lời bà Bình là không có nhà thờ hay nhà chùa nào trong khu vực này. Trước đây, có một cái miếu nhỏ thờ Quan công xưa lắm nhưng cũng đã bị dỡ bỏ vì nằm trong khu quy hoạch, phải đi thêm một, hai chặng xe buýt nữa thì mới có chùa. Bà đi lễ à? Bà bán bánh hỏi.
Bà Bình chỉ đợi có vậy để nói ra ý định của mình. Bà thận trọng bế con Sam ra khỏi giỏ, giới thiệu với bà bán bánh mì bằng tất cả vẻ dịu dàng, trìu mến, trong lòng nhen nhóm tia hy vọng biết đâu bà bán bánh mì sẽ mở lòng bảo bọc con vật cưng.
Chà, coi bộ xơ xác quá vậy! Lông rụng hết trọi! Người đàn bà nói, lắc đầu quầy quậy như biểu lộ sự ngao ngán với con vật, vết chàm xanh dọc sống mũi chun ngắn lại. Ai mà dám nhận nuôi nó, bà ơi.
Lời nói sau cùng của bà bán bánh mì như một lưỡi dao sắc, đột ngột đâm thẳng vào giữa ngực bà Bình. Cảm giác đau nhói lúc đó làm bà chết lặng. Không thốt được tiếng nào, bà lặng lẽ cho con Sam vào giỏ cói trở lại rồi quay lưng bỏ đi một nước, chẳng màng chào từ biệt người đàn bà.
Bà muốn đi thật nhanh, nhưng trái tim nặng trĩu trì kéo khiến đôi chân bà không thể nhấc lên được nữa. Bà không biết sẽ đi đâu với con Sam trong cái thành phố lạ hoắc lạ huơ này. Bà không nhận ra mình đã rời trục đường chính từ lúc nào và bây giờ đang đi vào một con phố nhỏ hẹp. Những mái nhà thấp lè tè, cũ kỹ, xô lệch, chìa ra hết vỉa hè chật chội chỉ vừa đủ cho một người đi. Những cửa hàng thưa thớt, chỉ có những người bán dạo. Bà nghe thấy nhiều tiếng trẻ con, và bắt gặp mình đang đứng trước một trường học. Xa xa phía trước mặt là một tòa nhà vách kính sừng sững vượt lên cao hẳn.
Bà quyết định lấy tòa nhà làm mốc để trở ra trục đường chính. Trong lúc chuẩn bị băng qua đường, cảm giác thoáng thấy màu áo vàng xui bà ngoái lại, định thần nhìn kỹ. Vị tu sĩ gặp ở chợ hồi sáng từ phía sau đang đi đến, ánh mắt thôi miên của ông ta như dán chặt vào bà.
Một thoáng chột dạ, bà rảo bước thật nhanh, vội vã băng qua đường, len lỏi giữa những chiếc xe dựng trên lề rồi bất thình lình ngoặt vào một con ngõ. Được một quãng khá xa, bà đứng lại, liếc nhìn sau lưng. Không một ai. Chỉ có tiếng chó sủa vu vơ và mỗi mình bà trong ngõ vắng. Bà thở phào nhẹ nhõm.
Khi đã lấy lại bình tĩnh, bà nhận ra mình đang lạc vào trong một khu phố với những hẻm nhỏ chằng chịt như quân cờ. Sinh hoạt buổi sáng tại nơi này có vẻ chậm chạp, rời rạc, như một người thức muộn, vươn vai uể oải ra khỏi giấc ngủ nhưng chưa buồn rời khỏi giường.
Từ xa, một nhóm đàn bà đi tới, có lẽ trở về từ một sân tập. Những người đàn bà này mặc chung một màu áo quần, mang những đôi giày thể thao giống nhau và cùng một tầm thước. Bất giác bà nhìn quanh. Tất cả những căn nhà ở đây cũng giống nhau một cách kỳ dị. Giống đến từng chi tiết nhỏ nhất. Chúng như một tấm ảnh duy nhất chạy ra từ một cỗ máy in thành nhiều phiên bản.
Bà thấy mình cần phải trở ra con phố hồi sáng ngay lập tức. Bà quan sát, đắn đo một lúc. Nhưng càng quan sát bà càng bối rối bởi sự giống nhau đến quái gở của những con hẻm. Sau cùng, bà chọn con hẻm có nhiều xe cộ qua lại nhất, hy vọng có thể dẫn ra trục đường chính. Rồi để thực sự yên tâm không còn bị người tu sĩ nọ đi theo, bà cẩn thận quay người kiểm tra lần nữa.
Nhưng thật bất ngờ, bà lại bắt gặp màu áo vàng lấp ló sau lưng và kịp nhìn thấy người tu sĩ sắp rẽ vào con ngõ bà đang đứng. Đến mức này thì bà sợ hãi như mất cả hồn vía. Bà nghe rõ tiếng tim đập loạn xạ trong lồng ngực, vụt bỏ chạy, hoảng loạn như thú hoang bị mất rừng.
Bà vừa đi vừa chạy, không biết mình đã đi qua bao nhiêu con ngõ rộng, hẹp. Chỉ đến khi hai chân mỏi nhừ và trước mặt, một đám đông thình lình án ngữ hết lối đi, bà mới dừng lại thở. Bà không còn dám nhìn lại sau lưng, mà tìm cách trà trộn, lẫn vào đám người đang hò hét hỗn loạn để không bị tu sĩ ma quái nọ phát hiện.
Đánh chết mẹ nó đi! Đồ chó đẻ!
Quân ăn cướp!
Đánh cho nó chừa cái thói trộm cắp đi!
Đ.m thằng mất dạy đầu đường xó chợ!
Dưới chân bà bây giờ, một thanh niên trẻ chưa đến hai mươi, nằm co quắp như con tôm, hai tay ôm lấy đầu, lăn lộn dưới những cú đá, cú đạp và những thanh gỗ phang tới tấp của đám người vây quanh.
Máu đã trào ra ở tai, mũi, miệng thấm đẫm chiếc sơ mi, nhưng đám đông như đang lên đồng, càng thấy máu họ càng thêm kích động. Tiếng rên rỉ đau đớn của nạn nhân hòa lẫn trong tiếng la hét của đám đông tạo thành một mớ âm thanh man dại, ghê rợn của chín tầng địa ngục. Bà thấy hoa cả mắt và cảm tưởng như sẽ ngã ngay ra đất nếu còn tiếp tục đứng đó. Một tay giữ chặt chiếc giỏ cói, một tay che mặt, bà vùng ra khỏi đám đông, tháo chạy.
***
Chuyến xe buýt bận về đông ken người.
Bà Bình ngồi thu lu trong góc, u ám như sau một đám cháy. Chuyến xe đang chở những hơi thở nhọc mệt, những cơn ho khan và những nhàu nhĩ khác của một ngày chạy dưới màu sữa đục.
Trong suốt chặng đường về, bà Bình ôm chặt cái giỏ cói vào lòng như sợ bị giật mất. Nỗi hoảng sợ làm trái tim bà thổn thức không ngớt.
Trong đầu bà chỉ có một ý nghĩ: đêm Giáng sinh này sẽ là thời khắc quan trọng nhất từ trước đến nay. Bà sẽ trang hoàng nhà cửa với một cành thông, bông hoa tuyết và những quả bóng màu. Bà sẽ làm một bữa ăn thịnh soạn cho bà và con Sam. Bà sẽ thắp hai ngọn bạch lạp nơi bàn ăn và sẽ mua cho con Sam những thức ăn hảo hạng, đặt trong những hộp quà gói bằng giấy bóng kính có thắt nơ đỏ.
Rồi bà sẽ đợi khi chuông nhà thờ rộn rã vang lên lúc nửa đêm, lần lượt mở những hộp quà ấy và bày tất cả lên bàn. Thức ăn của con Sam bà sẽ cho vào cái đĩa bằng bạc. Đó sẽ là đêm Giáng sinh trang trọng nhất trong đời.
Bị bao vây giữa một biển người và xe cộ, chiếc xe buýt bò chậm chạp. Chưa bao giờ con đường về nhà bà lại dài và lâu đến thế.
Truyện ngắn của Vũ Thành Sơn
Bình luận (0)