Từ con hẻm, anh Cao Văn Hà, chồng chị Nhung, đi từng bước xiêu vẹo trở về nhà. Ông Toản cho biết, trước đây anh Hà rất chịu khó làm ăn cùng vợ nuôi con, với “biệt danh” là “Hà bá” vì anh chuyên đi đào giếng thuê. Nhưng cách đây 3 năm, trong một lần đi đào giếng thuê anh Hà đã bị một hòn đá từ trên miệng giếng rớt xuống trúng đầu, gây chấn thương sọ não, phải nằm viện gần cả năm. Lúc đó, chị Nhung mới sinh đứa con thứ ba được 5 ngày.
10 ngày sau đó, chị Nhung phải ôm con đi xin ăn để kiếm tiền chữa trị cho chồng. Khi con nhỏ còn chưa dứt sữa, chị Nhung lại đi làm thuê, cuốc mướn, mượn đất hoang của bà con xóm giềng trồng mì. Một tay chị phát hoang, xịt thuốc rồi trồng trọt. Anh Hà chữa trị gần một năm cũng bớt bệnh nhưng trí nhớ và sức khỏe sa sút. Nhiều người thương tình thuê anh chị đi làm công. Trong thời gian này, anh Hà lại bị cơn tai biến mạch máu não, liệt tay, chân, nói câu được câu mất.
“Cũng còn may cho tôi, đứa con trai đầu đang học lớp 10 biết mẹ cực khổ nên những ngày không học nó cùng tôi đi làm thuê lo cho ba và các em nhỏ”, chị Nhung tâm sự. Với chị, cho con ăn học đến nơi đến chốn là mong ước cả đời. Chị sợ một ngày nào mình mất sức lao động, không có khả năng đi làm thuê thì các con sẽ bị nghỉ học.
Nhìn gia cảnh của chị Nhung, Phó chủ tịch Toản trăn trở: “Chị Nhung là mẫu người phụ nữ đảm đang được nhiều người quý mến. Trên mảnh đất khô cằn của xã nghèo nhất huyện này, chị vẫn hằng ngày làm thuê để lo cho chồng con. Chính quyền đã quan tâm giúp đỡ mấy năm qua nhưng thiết nghĩ ngay lúc này đây, gia đình chị rất cần sự cảm thông chia sẻ thêm của mọi người”.
Nguyễn Long
Bình luận (0)