Người dân băn khoăn trước thông tin thu hẹp Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải

Cù Hiền
Cù Hiền
28/08/2023 13:02 GMT+7

Người dân lo ngại Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải một khi bị thu hẹp phần lớn diện tích sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái; các loài chim, cò mỏ thìa, sếu đầu đỏ, sâm cầm... không còn chỗ trú.

Tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Thái Bình ra quyết định số 731 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh, thuộc H.Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, có tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải). 

Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải có quy mô diện tích 1.320 ha. Trước đó, năm 2014, UBND tỉnh Thái Bình có quyết định 2159 về việc phê duyệt đề án và xác lập Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải với diện tích 12.500 ha. Nơi đây được đánh giá là khu vực chứa đựng các sinh cảnh quan trọng của 215 loài chim với nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (như cò thìa, rẽ mỏ thìa, bồ nông chân xám), 116 loài thực vật, 113 loài côn trùng, 37 loài lưỡng cư, bò sát…

Quyết định số 731 "xóa sổ" 90% diện tích khu bảo tồn khiến dư luận băn khoăn.

Băn khoăn trước thông tin thu hẹp khu bảo tồn

PV Báo Thanh Niên tìm gặp người dân đang canh tác, nuôi thủy, hải sản tại khu vực này. Ông Vũ Quốc Hương (60 tuổi, trú tại xã Giao Thiện, H.Giao Thủy, Nam Định) cho biết: "Cuối năm 2000, tôi cùng 4 anh em góp tiền thuê 10 ha đầm trong 13 năm với giá gần 200 lượng vàng để nuôi tôm sú. Thời điểm chúng tôi nhận đầm nuôi tôm, toàn bộ khu này chỉ có cây sậy, không có cây sú, vẹt. Do sú, vẹt là nơi tôm, cua trú ẩn nên nhiều năm qua, chúng tôi trồng được nhiều giống cây này trong đầm".

 Hệ sinh thái phát triển phong phú tại khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải - Ảnh 2.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải là "nhà" của nhiều loài chim quý, hiếm

CÙ HIỀN

Ông Hương chia sẻ về hệ sinh thái nơi đây: "Cứ đến cuối năm khi thời tiết trở lạnh thì chim, cò mỏ thìa, cò lửa, sếu đầu đỏ, sâm cầm, ngỗng, mồng két lại di cư về đây rất đông. Khi thủy triều xuống, cò về đây bắt mồi đậu trắng cánh đầm...".

Theo tìm hiểu của PV, nhiều năm trước, dự án Ramsar đã thực hiện trồng cây sú tại khu vực này. 

Ông Phạm Văn Tâm (60 tuổi, trú tại xã Giao Thiện, H.Giao Thủy, Nam Định), người hùn vốn để thuê đầm nuôi tôm từ cuối năm 2000, đặt vấn đề hệ sinh thái nơi đây đang phát triển phong phú, sau này một diện tích rất lớn bị thu hẹp, khu vực này trở thành khu đô thị, sân golf thì liệu hệ động thực vật có bị ảnh hưởng.

"Chúng tôi thuê đầm để làm ăn. Bây giờ, trước quyết định của tỉnh, chúng tôi muốn giữ lại diện tích để canh tác. Tôi nghĩ, đổi môi trường sinh thái để phát triển đô thị, là chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt, còn về lâu dài thì không thuận", ông Tâm trăn trở.

 Hệ sinh thái phát triển phong phú tại khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải - Ảnh 4.

Người dân băn khoăn khi rừng bị thu hẹp để phát triển kinh tế

CÙ HIỀN

Ông Đặng Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Nam Phú, H.Tiền Hải (Thái Bình) thông tin: "Nam Phú là một trong 3 xã có diện tích đất nằm trong khu bảo tồn. Quyết định 2159 năm 2014 của UBND tỉnh Thái Bình, xác lập khu rừng đặc dụng với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Chúng tôi cũng rất lăn tăn về việc đây là khu bảo tồn hay khu rừng đặc dụng. Gọi là khu bảo tồn hay khu rừng đặc dụng đều đúng. Vì đây là theo quyết định của tỉnh. Hiện nay khu rừng đặc dụng này không hoạt động hiệu quả, cây cối phát triển kém".

Ông Khương cho biết thêm, xã Nam Phú có khoảng 4.900 ha trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, trong đó khoảng hơn 400 ha là rừng đặc dụng, còn lại là đầm nuôi trồng thủy sản và bãi mặt nước.

Như Thanh Niên đã thông tin, quyết định 731 của UBND tỉnh Thái Bình xác định sau khi giảm về quy mô diện tích, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải sẽ được sử dụng để phát triển các dự án kinh tế trọng điểm của địa phương.

Cụ thể, khu vực phía bắc, nam và đông của khu bảo tồn đất ngập nước Tiền Hải tiếp giáp với quy hoạch khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ, phía tây giáp quy hoạch khu nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao. Trong đó, khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ có quy mô 3.348 ha đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng 1/2.000.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.