|
Suốt đêm chạy lũ
Suốt đêm 15.11, huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, thị xã An Nhơn, hầu như mất điện hoàn toàn. Đến sáng nay 16.11, trong khi huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh nước lũ đã rút thì huyện Tuy Phước và thị xã An Nhơn vẫn chìm sâu trong lũ.
Trời vừa rạng sáng, nhiều người dân ở huyện Tây Sơn từ nơi sơ tán trở về nhà, tài sản bị hư hại, bị cuốn trôi. Xóm làng xơ xác, đường sá bị sạt lở khắp nơi.
Sau một đêm kêu cứu rồi được sơ tán, ông Dương Đông Phong (39 tuổi, ở khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn) chuẩn bị hành lý để trở về nhà.
Ông Phong kể: Từ chiều hôm qua, chúng tôi đã sơ tán đến Trụ sở khối Phú Xuân để tránh lũ, gia đình tôi có 4 người. Đến gần 20 giờ, bất ngờ nước lũ lên nhanh, gần ngập nóc Trụ sở khối Phú Xuân, chúng tôi phải leo lên nóc gọi điện cầu cứu. Đến 22 giờ, chúng tôi được ca nô cứu hộ tiếp cận, đưa đến nơi an toàn. Có gần 60 người dân khối Phú Xuân cũng được sơ tán trong đêm 15.11. Tuy nhiên, nhiều nơi có người kêu cứu nhưng ca nô không thể nào vào được.
Sáng 16.11, cả thôn Phú Hòa (xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn) dáo dát đi tìm gia súc, gia cầm. Nhiều người phải chứng kiến vật nuôi của mình nằm chết gần cống nước, bờ tre.... Từ mờ sáng, cụ Hồ Hóa (60 tuổi, ở xóm Hòa Tây, thôn Phú Hòa) chống gậy khắp thôn đi tìm lợn, gà của mình.
Cụ Hóa kể: “23 giờ đêm tối qua, nước lũ bất ngờ tràn vào nhà tôi. Vậy là cả gia đình kéo bộ gần 300 m mới có nơi an toàn để tránh trú. Lúc đó chỉ lo thoát thân, còn vật nuôi thì mở cổng chuồng cho nó chạy đi đâu mặc kệ. Sáng giờ tìm mãi cũng chẳng thấy đâu. Lũ năm nay lớn bất thường quá, mà từ chiều 15.11 đã mất điện nên chẳng có nghe đài, xem tivi gì đâu mà biết trước là lũ lớn. May có mấy bao lúa tôi đem cất ở nơi an toàn rồi chứ không thì biết lấy gì mà ăn”.
Sáng 16.11, nước lũ tại thị xã An Nhơn vẫn còn rất lớn. Ông Hồ Văn Thìn (62 tuổi, ở khối Trung Ái, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) chạy lũ về thì toàn bộ tài sản bị ngập, 4 tấn bắp, 2 tấn mì vẫn chìm trong lũ.
Ông Thìn nói: Nước lên cao liên tục, đến 21 giờ đêm thì chúng tôi bỏ nhà chạy tránh lũ. Tài sản bây giờ hư hại không biết bao nhiêu mà kể.
|
|
|
|
Hầu như các khu vực phường Nhơn Hòa đều bị chìm trong lũ. Bộ đội, Công an vẫn đang triển khai phương tiện, lực lượng sơ tán dân khắp nơi.
“Đêm qua nước dâng cao tràn cả qua quốc lộ. Nếu không có lực lượng cứu hộ đông đến 200-300 người thì sẽ có rất nhiều người bị lũ nhấn chìm”, ông Trần Đình Chung (58 tuổi, ở khu vực Hòa Nghi, phường Nhơn Hòa) nói.
Nghe tin quê nhà có lũ, anh Trần Văn Hồng đang làm ăn tại Gia Lai bằng mọi cách vượt rừng, lội nước để về nhà ở khu vực Hòa Nghi, phường Nhơn Hòa. Đứng cách nhà chỉ còn hơn 1 km mà anh Hồng không thể vào được. Anh Hồng lo lắng nói: “Trong nhà có mẹ vợ tôi là bà Hà Thị Cảnh đã 63 tuổi và 2 đứa con của tôi. Từ tối 15.11 nhà đã ngập nước, hiện đã lên quá cửa nên 3 bà cháu không thể nào ra ngoài được. Bây giờ chỉ trông chờ bộ đội đưa ca nô vào đập ngói cứu ra ngoài”.
Từ tối 15 cho đến trưa 16.11, Lữ đoàn Phòng không 573 thuộc Quân khu 5 triển khai lực lượng, phương tiện đi cứu hộ người dân vùng lũ các xã Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Hòa của thị xã An Nhơn. Tổng cộng có 1.000 người dân thị xã An Nhơn được đơn vị này sơ tán trong tối qua.
Hiện Lữ đoàn Phòng không 573 vẫn đang tiếp tục triển khai công tác cứu hộ tại phường Nhơn Hòa.
Giao thông bị chia cắt
Trưa 16.11, QL19 đoạn qua phường Nhơn Hòa vẫn còn chìm sâu trong lũ, giao thông vẫn bị ách tắc, đoàn xe tải, xe khách đứng chờ kéo dài. Xe cứu thương chở ông Trần Văn Tùng (19 tuổi, ở xã Định Quang, huyện Vĩnh Thanh) bị tai biến và một người khác bị đau ruột thừa từ huyện Vĩnh Thạnh đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu cũng bị tắc đường tại Nhơn Hòa nên đành quay lại.
Dù rất cố gắng hỗ trợ nhưng lực lượng CSGT chốt chặn tại đây cũng không có cách nào đưa 2 người bệnh qua khỏi khu vực bị chia cắt. Người nhà đưa bệnh nhân về Trung tâm y tế huyện Vĩnh Thạnh trong nước mắt.
Thị xã An Nhơn có 2 chết là bà Nguyễn Thị Trúc (ở thôn Thái Thuận, xã Nhơn Phúc) và bà Cao Thị Diền (ở phường Nhơn Hòa) và 2 người bị nước cuốn trôi chưa tìm thấy thi thể.
Ông Lê Trọng Tùng, Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, cho biết: “Công tác cứu hộ người dân vùng lũ diễn ra suốt đêm qua cho đến sáng nay. Tuy nhiên, trong đêm qua, có nhiều nơi người dân kêu cứu nhưng ca nô không thể nào vào được. Tại thôn Liêm Trực (phường Bình Định) có hơn 100 nhà dân bị cô lập, nhiều người mắc kẹt trên nóc nhà, cây cổ thụ chờ cứu hộ”.
|
|
|
|
|
Còn tại huyện Tuy Phước, mưa lũ cũng đã làm 2 người chết, đó là em Nguyễn Văn Tá (ở thôn An Sơn 2, xã Phước An) và ông Ngô Văn Bá (ở thôn Luật Bình, xã Phước Quang).
Mưa lũ cũng làm ngập 80% số hộ dân trên toàn huyện với khoảng 36.000 ngôi nhà dân bị ngập. Ông Nguyễn Bay, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phước, cho biết: “Hiện lũ tại các xã ven sông Côn đã vượt đỉnh lũ năm 1999 gần 1,93 m. Hiện vẫn chưa thống kê được mức độ thiệt hại do lũ gây ra”.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo điều ca nô của các lực lượng biên phòng, quân đội, công an cùng lực lượng tại các địa bàn ứng cứu khẩn cấp các vùng bị ngập lụt, trước mắt là tại Tuy Phước và An Nhơn.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, từ tối 15 đến sáng 16.11, đã có 30.000 người dân ở các vùng bị ngập nặng trong tỉnh được cứu và đưa đến các địa điểm an toàn tại Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn. Hiện Bình Định đã có 11 người chết, 3 người mất tích. |
Bài, ảnh: Hoàng Trọng
>> Hàng ngàn hộ dân ở Bình Định đang cần sơ tán khẩn cấp
>> Bình Định bị lũ lớn chưa từng có
>> Một ngư dân Bình Định rơi xuống biển
>> Thành lập Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Bình Định
>> Chỉ trên 30% giáo viên Bình Định đạt chuẩn tiếng Anh
Bình luận (0)