Người dẫn chương trình hay máy nói?

15/10/2013 09:25 GMT+7

Những sự cố tai hại của các người dẫn chương trình (MC) mới đây gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những MC trẻ vốn quen được 'lập trình' theo quán tính, khuôn mẫu đến mức trở thành 'máy nói'!

Nỗ lực sàng lọc những gương mặt có đủ kỹ năng và kiến thức để bổ sung cho đội ngũ MC từ cuộc thi Người dẫn chương trình 2013 - d
Nỗ lực sàng lọc những gương mặt có đủ kỹ năng và kiến thức để bổ sung cho đội ngũ MC
từ cuộc thi Người dẫn chương trình 2013 - Ảnh: Thế Danh
 

Nói dài, nói dai hóa ra nói... dại

Trong đêm công bố kết quả chương trình The Voice (Giọng hát Việt) tối 13.10, việc xuất hiện thêm nữ MC hậu trường - Yumi được khán giả và cộng đồng mạng xem là 'thảm họa MC' bởi cô vấp quá nhiều lỗi: nói vấp, lặp, lúng túng, quên kịch bản... Khi phỏng vấn hai thí sinh vào vòng đấu loại của đội Mỹ Linh, Yumi nghe thí sinh Diễm Hương nói sẽ hát thật tốt để tặng mẹ, cô liền đáp lời ngay: “Chúc chị biểu diễn thành công và chắc mẹ chị cũng đang ngồi trước ti vi để theo dõi con gái”, mà không biết mẹ của thí sinh này đã qua đời! Sự nhanh nhảu đoảng khi chưa tìm hiểu hoàn cảnh của người được phỏng vấn trở thành sự 'vô ý vô tứ' của MC, và đây cũng là lỗi mà nhiều MC trẻ khác hiện cũng mắc phải.

 
Nghề MC đòi hỏi nhiều kỹ năng và vốn kiến thức phong phú. MC đôi lúc là người biên tập chương trình, là người thiết kế sáng tạo cho chính chương trình của mình, chứ không đơn giản là học thuộc lời và đứng nói như cái máy

MC Tạ Bích Loan

Không chỉ thế, là người dẫn chương trình nhưng MC Yumi không nắm được ai là người rơi vào vòng đấu loại để phỏng vấn ở hậu trường. Cô hỏi hai thí sinh Thái Quang, Hoàng Tôn về cảm giác rơi vào vòng đấu loại trong lúc hai thí sinh này liên tục lắc tay ra dấu, bởi họ đều đã nằm trong nhóm an toàn được công bố trước đó trên sân khấu.

Sự cố của các MC quen cách dẫn kiểu công thức thuộc lòng, nói mà không hiểu mình đang nói gì, như quen miệng “chúc vui” trong những dịp không vui quả là bài học lớn về sự “tỉnh táo” khi dẫn chương trình. Những câu nói hồn nhiên, ngây ngô đến… nghẹt thở trước hàng triệu công chúng của các MC khiến khán giả chỉ biết lắc đầu ngao ngán. MC Chế Đình Cường chia sẻ: “Mấy năm trước, một MC ở Đài T.H C.T cũng đã mở đầu phần chương trình bằng câu dẫn: "Nhân dịp sập nhịp dẫn cầu...", hoặc trong một talk show với Bà mẹ VN Anh hùng, một MC đã hỏi rất hồn nhiên, không biết mình đang nói gì: “Lúc chồng và con của mẹ hy sinh, khi hay tin mẹ có buồn không?”.

Không phải là MC thì cứ nói nhiều !

Hậu trường showbiz không thiếu những câu chuyện “dở khóc, dở cười” khi MC chạy “sô” tơi bời nhưng chưa thuộc kịch bản hoặc chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống. MC là nghề thu hút rất đông bạn trẻ bởi hiện có quá nhiều chương trình, game show, sân khấu, event, quảng cáo, hội chợ… mở ra. Nhiều MC mắc phải lỗi nói quá nhiều khiến người xem cảm thấy khó chịu và... mệt tai vì phải nghe những lời nói không có giá trị, không có hồn. Chuyện hai MC Thanh Thảo và Trấn Thành mới đây khẩu chiến với nhau, công chúng không quan tâm ai “dìm hàng” ai, vì đó là chuyện riêng của hai MC, nhưng từ nội dung đó, có một vấn đề cần mổ xẻ là: MC có cần thiết nói nhiều và “khích tướng” người tham gia để chương trình sôi nổi hơn? 

 
Đặc thù của nghề dẫn chương trình cũng giống như một loại hình sân khấu. Nó đòi hỏi MC phải có nghệ thuật nói và khả năng ứng tác mọi lúc mọi nơi. Họ phải tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm về những gì mình làm

MC Thanh Bạch

Cụ thể, ở đêm dẫn chương trình cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình, MC Trấn Thành đã cùng giám khảo Lê Hoàng có màn tung hứng để cuộc thi hào hứng hơn, sau đó MC Thanh Thảo lên tiếng bày tỏ thái độ không hài lòng về lối dẫn này của MC Trấn Thành. Theo cô: “Đồng ý sự nhấn nhá của Trấn Thành có tác dụng nhưng không phải là tất cả, nếu biết tiết chế và dừng đúng lúc thì rất tuyệt!”. Tất nhiên, MC Trấn Thành - đang dẫn rất nhiều chương trình “nóng” hiện nay - không phải đến mức nói nhiều và làm thất vọng người xem, bởi anh là một MC giỏi nghề, có kinh nghiệm, nhưng quả thật việc MC Thanh Thảo đưa ra lời khuyên cho các MC trẻ về việc đừng nói nhiều và biết dừng đúng lúc là không thừa. Bởi nói dai, nói dài lắm lúc sẽ thành nói dại - một bài học mà tất cả các MC đều được chỉ dẫn nhưng không phải ai cũng tránh được hoàn toàn lỗi này.

Hãy nói từ chính tiếng lòng của mình

“Đừng biến mình thành những con vẹt biết cầm micro, hay những khúc gỗ cứng đơ cầm tập kịch bản đọc, mà hãy nói bằng chính suy nghĩ, cảm xúc, tiếng lòng của mình” là điều mà hai giám khảo: MC - diễn viên Quyền Linh và đạo diễn Lê Hoàng nhắc nhở các thí sinh bước vào vòng chung kết cuộc thi Người dẫn chương trình 2013 do Đài truyền hình TP.HCM tổ chức (đã qua 3 đêm thi, còn đêm chung kết xếp hạng diễn ra vào 20 giờ 30 thứ sáu ngày 18.10 và gala trao giải vào tối 25.10, phát sóng trực tiếp trên kênh HTV9). Bởi theo họ, khi MC nói đúng suy nghĩ của mình thì mới có thể ý thức được mình đang nói gì. Nghề dẫn chương trình đòi hỏi những kỹ năng riêng hơn là một gương mặt đẹp và "cái mác" của nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên (lực lượng này hiện làm MC khá nhiều). Có thể thấy các sai sót, “lỗi MC” là do các “nghệ sĩ” này có quá ít thời gian chuẩn bị, phần lớn họ chỉ nhận kịch bản trước vài tiếng, nhiều nhất là một ngày và cả những trường hợp không “biết mình biết ta”, chương trình nào cũng nhận lời mà không nghĩ đến kiến thức của mình về chuyên ngành ấy hạn hẹp.

Phan Cao Tùng

>> MC Phan Anh trở lại dẫn chương trình Vietnam Idol 2013
>> Bình Minh lần đầu làm MC chương trình thiếu nhi
>> MC Thanh Bạch tổ chức đám cưới cho phạm nhân
>> MC Trấn Thành làm cố vấn cho 'Én vàng
>> MC Tùng Leo làm cố vấn thời trang cho "Project Runway Vietnam
>> Lương Mạnh Hải đắt sô làm MC

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.