Người dân có nên tự xét nghiệm cúm?

Liên Châu
Liên Châu
10/02/2025 06:12 GMT+7

Bộ Y tế cho hay các chủng cúm lưu hành tại VN hiện là những vi rút thường gặp với các tác nhân chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Trước thực tế nhiều người lo ngại nhiễm cúm A thì nặng hơn cúm B và tự tìm kiếm thuốc điều trị, Th.S-BS Đồng Phú Khiêm, Phó giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), chia sẻ có nhận được nhiều thắc mắc từ bệnh nhân và cộng đồng, lo lắng cúm A nguy hiểm hơn, gây bệnh nặng hơn cúm B. Tuy nhiên, theo ông, tùy thuộc vào từng loại khác nhau, chứ không phải cứ nhiễm cúm A là bệnh nặng.

Người dân có nên tự xét nghiệm cúm?- Ảnh 1.

Xét nghiệm chuyên sâu với bệnh nhân cúm cần có chỉ định của bác sĩ

ẢNH: TUẤN MINH

"Cúm B là cúm mùa, tỷ lệ tử vong rất thấp. Về cơ bản, cúm A, bao gồm cúm đại dịch, là các chủng lưu hành rộng rãi hiện cũng là cúm mùa, độc lực tương đương cúm B. Hiện các cúm A đã lưu hành nhiều năm như cúm A/H3N2, hay H1N1 thì cũng tương tự như cúm B. Còn cúm A chủng mới như cúm gia cầm A/H5N1 thì độc lực rất mạnh, tỷ lệ tử vong từng lên đến 50%", BS Khiêm chia sẻ.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và có thể gây dịch ở mức độ khác nhau: đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát. Trong các vụ dịch cúm hằng năm, 5-15% các ca bệnh bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.

Trước thực tế các ca cúm có xu hướng tăng từ cuối 2024 đến nay cũng như tình hình dịch cúm xảy ra tại nhiều nước trên thế giới, Bộ Y tế khẳng định hiện chưa ghi nhận bất thường so với cùng kỳ các năm, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh (đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, tiêm vắc xin…).

Trước băn khoăn của nhiều người về "có nên tự xét nghiệm cúm?", Th.S-BS Đồng Phú Khiêm cho biết hiện test nhanh cúm khá sẵn có và tự đánh giá tại nhà cũng có thể là cách người dân tự sàng lọc để kịp thời đến cơ sở y tế để được khám, đánh giá, tư vấn, hướng dẫn theo dõi nếu cần. Với người khỏe mạnh, nếu biết bản thân mắc cúm sau khi test nhanh, kể cả không có nguy cơ diễn biến nặng thì cũng cần chủ động đeo khẩu trang để tránh lây cho người khác, đặc biệt là khi tiếp xúc với người già yếu, người có bệnh mạn tính là những người có nguy cơ tăng nặng khi mắc cúm.

Dịch cúm diễn biến phức tạp, người dân có nên tự xét nghiệm?

Tuy nhiên, BS Khiêm lưu ý, khi tự test cúm cần thực hiện lấy mẫu, thao tác đúng và cần lưu ý hầu hết test nhanh có độ nhạy không cao. Do đó, không thể loại trừ trường hợp có triệu chứng cúm nhưng test vẫn cho kết quả âm tính. "Vì vậy, với người đã có triệu chứng cúm nhưng khi test nhanh âm tính thì vẫn không thể loại trừ đang mắc cúm", BS Khiêm cho hay.

Chuyên gia này khuyến cáo những người thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ (bệnh nền) khi nhiễm cúm rất cần đến cơ sở y tế khám để được đánh giá đúng và có hướng điều trị thích hợp, giảm nguy cơ tăng nặng phải nhập viện cũng như giảm nguy cơ tử vong. Việc dùng thuốc kháng vi rút cúm cần theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả.

"Hoặc khi test cúm âm tính nhưng dựa trên triệu chứng vẫn nghi ngờ mắc cúm cao, các BS sẽ chỉ định xét nghiệm chuyên sâu có độ nhạy và chính xác cao. Tuy nhiên xét nghiệm này có chi phí cao hơn, nên BS sẽ cân nhắc về sự cần thiết để chỉ định tốt nhất cho người bệnh", BS Khiêm chia sẻ.

Để tránh biến chứng nặng do cúm, các BS luôn nhắc nhở khi nhiễm cúm cần theo dõi sức khỏe, nếu sốt cao liên tục, đau đầu, đau ngực, khó thở tăng dần… cần đến cơ sở y tế, đặc biệt là với người có nguy cơ tăng nặng. Hầu hết người mắc cúm sẽ hồi phục trong vòng 5-7 ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.