Theo thống kê, cứ 100 học sinh (HS) tốt nghiệp THCS, sau 3 năm có từ 60 - 65 HS tốt nghiệp THPT, trong số đó có 20 - 25 HS đỗ ĐH. Đào tạo nghề tác động đến 75 - 80% HS sau THCS, cho thấy tầm quan trọng của nó đối với nhân lực quốc gia.
Cơ cấu bất hợp lý
Những năm gần đây, nhiều chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về hướng nghiệp, phân luồng và đào tạo nghề được triển khai như: chuyển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) về Bộ LĐ-TB-XH quản lý, trừ trung cấp và cao đẳng (CĐ) sư phạm; HS sau THCS học nghề được miễn học phí và có thể liên thông lên CĐ, ĐH; Chính phủ ban hành khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, quy định các luồng sau THCS và THPT… nhờ đó tỷ lệ người dân có trình độ chuyên môn kỹ thuật được tăng lên.
Nâng cao thu nhập cho người có chuyên môn kỹ thuật
|
Nếu như năm 2014, 1 người trình độ ĐH trở lên có 1,5 người trình độ dưới ĐH, thì đến năm 2019, 1 người ĐH có 1,1 người dưới ĐH. Sau gần 5 năm giao GDNN về Bộ LĐ-TB-XH quản lý, tỷ lệ người có trình độ ĐH trở lên tăng 2,4%, trong khi người có trình độ dưới ĐH giảm 0,4%, điều này trái ngược với dự báo của Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB-XH đưa ra năm 2017. Điều đáng lo ngại là nước ta vẫn còn trên 80% người dân (15 tuổi trở lên) không có chuyên môn kỹ thuật, trong khi các nước như Nhật Bản, Mỹ, tỷ lệ này dưới 20%.
Những hạn chế về phân luồng và đào tạo nghề
Hướng nghiệp - phân luồng - đào tạo nghề nước ta vẫn là những khâu yếu, mục tiêu 30% HS sau THCS tham gia GDNN đặt ra cho năm 2010, nhưng đến 2020 vẫn còn xa vời. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:
Xã hội vẫn còn nặng bằng cấp. Nhiều người dân mong muốn con em có được tấm bằng ĐH, thậm chí cao hơn, bất chấp khả năng, điều kiện và nguyện vọng của con em. HS sau THCS chủ yếu lên THPT, dẫn đến có trường THPT hạ điểm chuẩn trúng tuyển trung bình chưa tới 1 điểm, như trường hợp một trường vùng cao Thanh Hóa. Nhiều địa phương tỷ lệ này chiếm trên 80%. TP.HCM là địa phương làm tốt công tác hướng nghiệp, nhưng số liệu hằng năm cho thấy có 70% HS THCS vào THPT công lập, số còn lại học THPT tư thục hay trung tâm GDTX, ra thị trường lao động và một tỷ lệ (dưới 30%) theo GDNN.
Rất ít HS khá giỏi học nghề đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Hầu hết những HS không đỗ THPT công lập ở tất cả các nguyện vọng, học lực trung bình và yếu mới vào trường nghề, vừa học nghề vừa học văn hóa nên nhiều em không theo kịp, dẫn đến chán nản, bỏ học. Các ngành kỹ thuật cao, đòi hỏi người học phải có năng lực tư duy, tính toán nhưng khó tuyển được HS đáp ứng yêu cầu.
Theo phân loại giáo dục quốc tế, bậc 4 (sau trung học) rất đa dạng, phong phú về hình thức, chương trình và trình độ đào tạo. Theo đó, mô hình trường trung học nghề, trung học kỹ thuật phù hợp với bậc 4, vừa học nghề, vừa học văn hóa phổ thông đã thành công ở nhiều nước, nhưng ở Việt Nam quy định bậc 4 là trung cấp. Còn mô hình trường trung học kỹ thuật thí điểm nhiều lần nhưng vẫn không triển khai được, do vướng mắc cơ chế quản lý và nguồn lực đầu tư.
Chính phủ quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng đến nay chưa ban hành đầy đủ văn bản pháp quy về liên thông này.
Công tác hướng nghiệp cho HS vẫn là một khâu yếu ở trường THCS, THPT. Các trường chú trọng hướng HS vào ĐH, dẫn đến dạy thêm, học thêm ngay từ cấp THCS. Sự gia tăng chỉ tiêu ĐH và mở rộng xét tuyển bằng học bạ… dẫn đến việc vào ĐH quá dễ dàng, nhiều HS thi THPT đạt thấp nhưng vẫn đỗ ĐH. Người dân có trình độ ĐH tăng lên, nhưng tỷ lệ người có bằng ĐH, thạc sĩ thất nghiệp cũng tăng lên.
Nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục chưa đầy đủ về phân luồng, khi cho rằng chỉ tiêu 30%, 35% HS sau THCS theo GDNN chỉ phù hợp với vùng khó khăn, còn tỉnh/thành phố có chất lượng giáo dục cao, phụ huynh có điều kiện cho con học ĐH thì chỉ tiêu này thấp hơn. Quan niệm việc dạy nghề là của trường nghề, không đặt ra ở trường phổ thông, dẫn đến HS phổ thông tham gia thị trường lao động không có chuyên môn kỹ thuật.
Bình luận (0)