Người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi và bảo vệ trên môi trường số

Thu Hằng
Thu Hằng
25/05/2024 06:20 GMT+7

Từ ngày 1.7, luật Viễn thông (sửa đổi) và luật Giao dịch điện tử sẽ có hiệu lực thi hành. Đây là hai đạo luật được đánh giá là rất quan trọng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mang đến nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

DÙNG THÔNG TIN CÁ NHÂN ĐĂNG KÝ THUÊ BAO CHO NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ BỊ PHẠT

Theo Bộ TT-TT, luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương, 73 điều sẽ thúc đẩy phát triển các dịch vụ viễn thông mới.

Người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi và bảo vệ trên môi trường số- Ảnh 1.

Người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ được cung cấp dịch vụ có chất lượng và được bảo vệ dữ liệu cá nhân

Nhật Thịnh

Cụ thể, điểm mới của luật Viễn thông là mở rộng phạm vi điều chỉnh một số dịch vụ mới: dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet (dịch vụ OTT viễn thông) để phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số; đồng thời tạo môi trường pháp lý rõ ràng, bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông.

Luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của nhà mạng cũng như của người dân trong xử lý thông tin thuê bao.

Theo đó, luật mới quy định thêm trách nhiệm của người dân và nêu rõ "không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác, trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao mà mình đã đăng ký. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính".

Ngoài ra, luật Viễn thông 2023 cũng quy định rõ trách nhiệm của nhà mạng, trước đây chỉ lưu trữ đủ hồ sơ, giấy tờ không có xác thực, nhưng nay phải đồng hành để xác thực thông tin thuê bao.

Bên cạnh đó, luật Viễn thông quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông được phân bổ qua hình thức đấu giá. Việc lựa chọn mã, số viễn thông qua đấu giá sẽ do thị trường quyết định.

Điểm mới khác của luật Viễn thông là bổ sung việc cấm sử dụng thiết bị, phần mềm gửi, truyền, nhận thông tin qua mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; bổ sung các quy định về quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông và chủ sở hữu thuê bao trong quản lý thông tin thuê bao, trách nhiệm hạn chế SIM không đúng thông tin thuê bao, hạn chế tình trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; bổ sung nghĩa vụ của thuê bao viễn thông, không sử dụng thông tin trên giấy tờ tùy thân của mình để thực hiện giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông cho người khác, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật về viễn thông; phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc sử dụng số thuê bao viễn thông do mình đã giao kết hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông.

Để bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông, luật Viễn thông sửa đổi còn làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc bảo đảm bí mật thông tin của người sử dụng viễn thông; bảo vệ dữ liệu cá nhân của người sử dụng; bảo đảm chất lượng dịch vụ.

Khi luật Viễn thông sửa đổi có hiệu lực, người sử dụng dịch vụ viễn thông cũng sẽ được bảo vệ quyền lợi tốt hơn trong đó bao gồm việc bảo đảm bí mật thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân từ các doanh nghiệp viễn thông, được cung cấp các dịch vụ viễn thông có chất lượng bảo đảm.

Để các doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi, đáp ứng việc tuân thủ quy định mới, luật quy định thời điểm hiệu lực của các quy định quản lý 3 dịch vụ mới, từ ngày 1.1.2025, gồm: cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây.

ĐƯA NGƯỜI DÂN LÊN MÔI TRƯỜNG SỐ

Cùng với luật Viễn thông, luật Giao dịch điện tử cũng sẽ có hiệu lực từ 1.7. Đây là luật cơ bản về chuyển đổi số trong đó quy định những thành tố cơ bản để thực hiện giao dịch điện tử, tiến tới toàn trình, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

Kế thừa luật Giao dịch điện tử năm 2005, luật Giao dịch điện tử năm 2023 sửa đổi, bổ sung 33 điều, quy định mới 18 điều nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập còn tồn tại, đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân, toàn diện.

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng, điểm quan trọng trong luật Giao dịch điện tử năm 2023 là dữ liệu có giá trị như văn bản, có giá trị như bản gốc và có giá trị dùng làm chứng cứ, tạo căn cứ pháp lý cho việc triển khai trên thực tế. Việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu là nội dung rất mới, bảo đảm giá trị pháp lý khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Luật cũng đưa ra khái niệm chứng thư điện tử là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành dưới dạng dữ liệu điện tử. Đồng thời, bảo đảm giá trị pháp lý cho hình thức này. Đây là bước đột phá lớn nhằm thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử trong các ngành, lĩnh vực và xã hội.

Đáng chú ý, luật Giao dịch điện tử còn tháo gỡ khó khăn vướng mắc và chuẩn bị điều kiện cần thiết để triển khai hợp đồng điện tử trong các giao dịch thuộc các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, luật cũng quy định cụ thể 8 hành vi bị nghiêm cấm, gồm: lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu; xóa, hủy, giả mạo, sao chép, làm sai lệch, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu; tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật; gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử; cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử; hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.

So với luật Giao dịch điện tử năm 2005, luật Giao dịch điện tử mới đã bổ sung quy định cụ thể các loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; tài khoản giao dịch điện tử; trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, đặc biệt là với các nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử có quy mô, số lượng người sử dụng tại VN hoặc số lượng truy cập hằng tháng từ người sử dụng tại VN lớn và rất lớn...

"Khi luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có hiệu lực, văn bản pháp luật của các bộ, ngành khác sẽ dựa trên đây để đưa ra các quy định liên quan đến giao dịch điện tử trên môi trường mạng của chuyên ngành đó. Khi có quy định, chắc chắn người dân và doanh nghiệp sẽ nhận nhiều lợi ích, giúp các giao dịch trên mạng được thực hiện toàn trình", ông Nguyễn Huy Dũng khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.