Ông Nguyễn Hồng Thái, TGĐ Công ty xây dựng điện Thái Dương (TP.HCM), đại diện Liên danh nhà thầu Prysmian - Thái Dương (thi công gói thầu cáp ngầm xuyên biển), khẳng định, đường cáp sẽ đảm bảo đúng thiết kế kỹ thuật, chất lượng và khả năng sẽ vượt tiến độ đóng điện đã đề ra.
|
Theo ông Thái, đây là công trình cáp biển ngầm với công nghệ chôn ngầm dưới biển đầu tiên của Việt Nam, nên Thái Dương đã chọn nhà thầu Prysmian, là đơn vị có hơn 140 năm chuyên làm về cáp. Toàn bộ kỹ thuật, công nghệ và chỉ huy thi công trên công trường là của Prysmian. Cáp được sản xuất tại Tây Ban Nha cũng với một tốc độ rất nhanh để đáp ứng tiến độ lắp cáp tại Việt Nam (phần lõi chính được sản xuất từ Tây Ban Nha, còn chuyển bọc thành 3 pha thì được làm tại Na Uy - đều do các công ty con của Tập đoàn Prysmian thực hiện).
Dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô có tổng kinh phí 1.100 tỉ đồng, được khởi công từ cuối tháng 12.2012, do Tổng công ty Điện lực miền Bắc và tỉnh Quảng Ninh cùng làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công đã áp dụng chôn cáp ngầm công nghệ tiên tiến nhất, ở độ sâu mực nước biển trung bình từ 29 đến 30m, với chiều dài hơn 25 km. Cáp ngầm được chôn sâu từ 1,5m đến độ chôn sâu tối đa là 2,5m tính từ đáy biển trở xuống, sử dụng phương pháp cày thủy lực cao áp chôn đồng thời. Phương thức lắp đặt cáp ngầm phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia. Mặc dù thực hiện công trình trong rất nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng đây lại là công trình điện có kỷ lục cả về thời gian, về tiến độ và chất lượng, được thực hiện trong vòng chưa đầy một năm.
Để cấp được điện lưới ra đảo Cô Tô thì không chỉ có tuyến cáp ngầm kể trên, còn nhiều hạng mục như phần đường dây 110kV trên không; phần đường dây 22kV (bao gồm cả phần cáp ngầm và đường dây trên không cấp điện áp 22kV), các trạm biến áp phân phối 22/0,4kV và đường dây hạ áp.
Những ngày này, người dân huyện đảo Cô Tô đang náo nức chờ ngày có điện lưới quốc gia, khi thông tin điện lưới có thể kéo ra đảo sớm ngay trong tháng 10, đúng dịp chính quyền và nhân dân Quảng Ninh kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh. Ông Bùi Đức Trinh, 50 tuổi, ra đảo Cô Tô lập nghiệp từ năm 1979, cho biết, trường học, bệnh viện, đường sá ở đây khá khang trang, thuận lợi, chỉ có điện là khó khăn, giá mặc dù cao nhưng khi có khi không.
“Điện ở đây đang phải chạy từ dầu diezel, nhà nước cho máy chạy và hỗ trợ giá cho 50kWh đầu tiên với giá 3.500đồng/kWh. Số còn lại, dân phải tự đổ dầu vào chạy. Cao điểm phải trả tới 15.000 đồng/kWh, thậm chí ở thôn Nam Hà kế bên, có nhà phải chi tới 20.000 đồng/kWh cũng không có để dùng”, ông Trinh phản ánh.
Ông Đỗ Thông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tại, huyện Cô Tô mới chỉ cấp được khoảng 2.500kW điện bằng nguồn diezel và năng lượng mặt trời, trong khi tổng nhu cầu phụ tải khu vực đến năm 2015 là hơn 25.000kW, đến năm 2020 khoảng 47.000kW (riêng Cô Tô đến 2015 cần khoảng 9.881kW và đến 2020 cần khoảng 14.000kW). “Vì vậy, có điện lưới, ngoài việc cải thiện sinh hoạt gia đình, các hộ dân sẽ có cơ hội làm kinh tế tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tích cực bảo vệ biển đảo tổ quốc”, ông Thông nói.
Liên danh Thái Dương - Prysmian cũng sẽ là nhà thầu chính của dự án đưa điện ra đảo Phú Quốc dự kiến được triển khai vào cuối tháng 10.2013 này, nối dài dòng điện quốc gia ra các đảo xa bờ của Tổ quốc.
Linh Phạm
Bình luận (0)