Một xã có tới 5 dự án nuôi heo
Giai đoạn 2017 - 2023, các trang trại chăn nuôi heo ồ ạt "đổ bộ" tỉnh Thanh Hóa, với hàng chục dự án được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động. Vị trí trang trại chủ yếu đặt trên địa bàn các huyện miền núi phía tây tỉnh này. Thậm chí có xã phải "gánh" tới 5 trang trại chăn nuôi heo, gây lo lắng, áp lực cho cả chính quyền lẫn người dân địa phương.
Xã Xuân Hòa (H.Như Xuân, Thanh Hóa) là xã có số lượng trang trại chăn nuôi heo nhiều nhất ở tỉnh Thanh Hóa. Từ 2017 - 2021, xã này liên tiếp được lựa chọn đặt 5 trang trại chăn nuôi heo, với tổng số lượng heo nuôi khoảng hơn 140.000 con mỗi lứa.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, cũng trong giai đoạn 2017 - 2021, Như Xuân là một trong những huyện miền núi có trang trại nuôi heo đổ về nhiều nhất, với 16 dự án đã được chấp thuận, đến nay nhiều trang trại đã hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động. Kế tiếp là huyện miền núi Lang Chánh có 6 dự án, với tổng số heo hơn 86.000 con, trong đó, riêng xã Giao An tập trung 3 trang trại.
Những năm gần đây, nhiều trang trại nuôi heo liên tục gây ô nhiễm, nơi thì ô nhiễm không khí, nơi thì ô nhiễm nước thải khiến người dân bức xúc, chính quyền có nơi gần như bất lực.
Tháng 1.2023, trang trại chăn nuôi heo quy mô 17.000 con của Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Như Xuân (tại xã Thanh Sơn, H.Như Xuân) để nước thải chảy ra suối Hón Thành, gây ô nhiễm nguồn nước. Tháng 8.2023, một trang trại nuôi heo ở xã Xuân Hòa (H.Như Xuân) bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Đầu tháng 7.2024, người dân xã Nghĩa Yên (H.Nghĩa Đàn, Nghệ An; giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa) bức xúc tập trung đến trang trại Bãi Trành, quy mô 22.400 con lợn nái và lợn thịt (ở xã Bãi Trành, H.Như Xuân) của Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt để phản đối, yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ khi nước thải từ trang trại chảy ra khe Sào (chảy từ địa phận Thanh Hóa qua Nghệ An).
Và vụ ô nhiễm từ trang trại nuôi heo "nóng" nhất thời gian qua ở tỉnh Thanh Hóa là trường hợp trang trại của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina (xã Tân Phúc, H.Lang Chánh), gây mùi hôi thối suốt từ tháng 8.2023 đến hết tháng 7.2024, khiến người dân nhiều ngày tập trung phản đối, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra đến 10 lần và cuối cùng buộc tạm dừng hoạt động chăn nuôi kể từ ngày 30.7 vừa qua. Doanh nghiệp cũng vừa phải di chuyển gần 30.000 con heo khỏi trang trại để khắc phục hệ thống xử lý môi trường cho đến khi đảm bảo mới được nuôi trở lại.
Ngán ngẩm trại heo
Ông Đỗ Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Giao An (H.Lang Chánh) - địa phương đang có 3 trang trại chăn nuôi heo lớn, cho biết đối với cấp xã chỉ biết tiếp nhận dự án, và giám sát quá trình chăn nuôi. Trường hợp nếu xảy ra ô nhiễm, người dân có phản ánh thì với chức năng, nhiệm vụ, khả năng của cấp xã chỉ có thể báo cáo cấp trên chứ không thể quyết định trang trại đặt ở đâu hay can dự vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp, do trang trại được cấp tỉnh phê duyệt.
Còn ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó chủ tịch UBND H.Như Xuân, cho biết với tình hình hiện tại nếu tiếp tục cho phép mở thêm trang trại nuôi heo trên địa bàn là không phù hợp, vì huyện này đến nay đã có tới 16 trang trại, tiềm ẩn nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường.
"Số trang trại nuôi heo nhiều có nguy cơ gây ô nhiễm lớn về cả không khí lẫn nguồn nước. Việc dừng không chấp thuận dự án nuôi heo mới như hiện nay là phù hợp. Đối với cơ sở, nhất là cấp xã thì khi xảy ra sự cố môi trường từ các trại nuôi heo sẽ không có đầy đủ trang thiết bị máy móc, trình độ con người để xác định được mức độ ô nhiễm, mà phải nhờ cấp trên, rất mất thời gian. Mà khi thời gian xác minh, xác định ô nhiễm kéo dài sẽ gây bức xúc cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự", ông Tuất cho hay.
Ông Đăng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, cho biết theo quy định hiện hành đối với tỉnh Thanh Hóa, số đơn vị vật nuôi trên mỗi héc ta đất nông nghiệp là 1.0 và đến thời điểm hiện tại, tỉnh này mới có khoảng 0.82 đơn vị vật nuôi/ha đất nông nghiệp, chưa quá số lượng đơn vị vật nuôi theo quy định. Tuy nhiên, theo ông Hiệp, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường, và từ kiến nghị của cử tri, việc tạm dừng chấp thuận dự án nuôi heo mới, đồng thời tạm dừng tăng quy mô các trang trại là hợp lý.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, từ nhiều vụ ô nhiễm môi trường do các trang trại nuôi heo gây ra thời gian qua, cũng như tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm trong tương lai, nên tháng 9.2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã phải yêu cầu tạm dừng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nuôi heo mới; tạm dừng điều chỉnh tăng quy mô các dự án đã chấp thuận.
Tại kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Thanh Hóa mới đây, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh, một lần nữa khẳng định quan điểm xuyên suốt là "không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế" khi nói về tình trạng trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Và sẽ dừng hoạt động với bất cứ trang trại nào gây ô nhiễm cho đến khi không còn ô nhiễm, nếu không sẽ chấm dứt hoạt động vĩnh viễn.
Ông Tuấn dẫn chứng vụ gây ô nhiễm môi trường từ trang trại chăn nuôi heo của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina, dù UBND tỉnh Thanh Hóa và các ngành chức năng chỉ đạo nhiều lần nhưng xử lý ô nhiễm chưa kịp thời, chưa dứt điểm, để người dân bức xúc kéo dài. Theo ông Tuấn, trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm trước hết là của nhà đầu tư, vì khi triển khai dự án, nhà đầu tư có cam kết không gây ảnh hưởng đến môi trường. Tiếp đó là trách nhiệm của UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan tham mưu đã không quản lý sát sao, chặt chẽ.
Tính đến tháng 6, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 582 trang trại và 88.070 hộ chăn nuôi heo, với tổng đàn heo hiện có là hơn 1,32 triệu con, thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về nuôi heo. Một số huyện có nhiều trang trại gồm Như Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước… UBND tỉnh Thanh Hóa cũng nhận định cơ cấu, mật độ chăn nuôi chưa đồng đều giữa các địa phương, nhất là giữa khu vực đồng bằng với khu vực miền núi.
Bình luận (0)