Không thật lòng giải quyết, DOANH NGHIỆP còn khó khăn nữa
Trình bày dự thảo báo cáo, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) VN Đỗ Văn Chiến cho biết cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo thực hiện ngày càng quyết liệt, nói đi đôi với làm, thật sự không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã khẩn trương hơn trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Công ty AIC; sai phạm trong phát hành trái phiếu của một số tập đoàn là FLC, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh...
Đáng chú ý, một bộ phận người dân còn băn khoăn, lo lắng, có nơi bức xúc vì đã chi tiền mua nhà ở, đất ở của các dự án nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nay không nhận được nhà ở, đất ở mà chưa lấy lại được tiền đã đầu tư. Nhiều người gặp rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm, mua trái phiếu, mua bảo hiểm...
MTTQ VN kiến nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp (DN), thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm, thu nhập của người lao động ở các khu công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn.
"Hiện, sản xuất kinh doanh của các DN khó khăn, thua lỗ là sự thật, không thể né tránh. Nếu các cơ quan nhà nước không có ứng xử thật lòng giải quyết những khó khăn, tháo gỡ cho DN phát triển thì trong thời gian tới rất khó khăn và còn khó khăn hơn nữa", ông Chiến nêu rõ.
MTTQ VN cũng đề nghị có các giải pháp phù hợp, khả thi, vừa bảo đảm được sự ổn định để phát triển đất nước, vừa bảo đảm quyền lợi của người dân đã đầu tư vào bất động sản, trái phiếu, tiết kiệm, bảo hiểm.
Đặc biệt, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng mua thẻ kỳ nghỉ. Đây là các hợp đồng được in sẵn, đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định. "Vì tin tưởng nên người dân không đọc hoặc đọc cũng không hiểu rõ nên điều khoản bất lợi thường thuộc về bên mua, gây thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho người dân", ông Chiến nêu.
"Giữ an toàn quá mức cần thiết" cũng là tiêu cực
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN cũng kiến nghị có quy định phòng, chống, khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, "giữ an toàn quá mức cần thiết", không dám giải quyết công việc. Từ đó gây trì trệ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN và cuộc sống của nhân dân.
"Suy cho cùng, biểu hiện này cũng là tiêu cực. Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN ủng hộ mạnh mẽ Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm cho xã hội tốt đẹp thêm, chứ không thể đổ lỗi, sợ, không dám làm", ông Chiến nêu thêm.
Khiếu nại, tố cáo có xu hướng tăng
Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết cử tri cũng lo ngại vấn đề giao kết và thực hiện một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng, khả năng gây rủi ro và thiệt hại cho người mua bảo hiểm; tình trạng bạo lực học đường, trẻ hóa độ tuổi phạm tội; việc vận chuyển, buôn bán, sử dụng ma túy và chất cấm có chiều hướng phức tạp…
Trong kỳ báo cáo, Ban Dân nguyện đã nhận được văn bản trả lời đối với 2.588/2.593 kiến nghị cử tri gửi đến trước và sau kỳ họp thứ 4 - kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khóa XV (đạt 99,9%). Trong tháng 4, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 3. Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của Quốc hội, các cơ quan đã tiếp 486 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Mai Hà
Nêu ý kiến góp ý, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (UBKT), cho hay DN phản ánh phải vay với lãi suất 13%, chưa kể các thủ tục, điều kiện cho vay rất phức tạp, khó đáp ứng, trong khi đó, "sức khỏe" DN sau hơn 2 năm Covid-19 đã bị bào mòn. Việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ Tài chính báo cáo đã có xử lý, song theo ông Thanh, có DN phản ánh chưa được hoàn thuế hàng trăm tỉ đồng. DN tiếp cận tín dụng đã khó, nếu không được hoàn thuế thì lấy nguồn ở đâu để sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, theo Chủ nhiệm UBKT, "trên mạng nói có những quy định từ trên trời rơi xuống, DN rất khó thực hiện, rất khó tuân thủ như PCCC. Nhiều dự án đã đầu tư rồi, bổ sung thêm thiết bị PCCC rồi nhưng vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn. DN phản ánh nhiều tiêu chuẩn PCCC còn cao hơn cả các nước phát triển". Ông cũng đề nghị xem lại các thống kê về du lịch. Khách nội địa tăng cao trên 100 triệu nhưng chất lượng, doanh thu từ du lịch không cao. "Các kỳ nghỉ vừa qua, người dân mang cơm, đồ ăn thức uống đi sử dụng, doanh thu các nhà hàng không được bao nhiêu. Trên các trang mạng nói cách thống kê du lịch, một người đi mấy tỉnh vẫn thống kê là mấy lượt khách; cần xem lại thống kê và chất lượng để phản ánh chính xác", ông Thanh nói.
Tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã phù hợp tiêu chí, tiêu chuẩn
Chiều 10.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là việc hệ trọng, cần có văn bản báo cáo Đảng đoàn Quốc hội để có thể xin ý kiến Bộ Chính trị nếu cần thiết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ có những nội dung lớn cần phải xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, cấp có thẩm quyền để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; phải triệt để bám sát thể chế hóa nghị quyết và kết luận Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó, Nghị quyết của UBTVQH quy định các vấn đề về tiêu chí, tiêu chuẩn để sắp xếp gồm dân số và diện tích để làm căn cứ pháp lý cho tổ chức thực hiện.
"Nội dung sắp xếp đơn vị hành chính đơn thuần là tổ chức lại một cách hợp lý các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp tiêu chí, tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số. Không được đưa vào những đề án thành lập mới đơn vị hành chính, nhất là việc thành lập thị trấn, thị xã, thành phố", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30.1.2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, đã giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội, UBTVQH sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản theo thẩm quyền để triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; kịp thời xem xét, ban hành nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các địa phương theo đề nghị của Chính phủ và giám sát việc thực hiện.
Đồng thời, Bộ Chính trị giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc chỉ đạo Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đạt kết quả tốt.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật, Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu, thực hiện đúng chỉ đạo như trong Kết luận của Bộ Chính trị. Theo đó, Bộ Nội vụ cần báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ, để hoàn thiện hồ sơ, lãnh đạo Chính phủ trình lại Đảng đoàn Quốc hội để xem xét quyết định hoặc xin ý kiến Bộ Chính trị nếu cần thiết…
TTXVN
Bình luận (0)