Tuyến đường sạt lở nghiêm trọng, không an toàn cho học sinh đến trường - Ảnh Huyền Trinh |
Năm 2008, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra khiến người dân xã Ngọc Tố không khỏi bàng hoàng. Chiếc đò đưa học sinh đến trường bị lật ở kênh Thạnh Mỹ, cướp đi sinh mạng của 6 người, trong đó có 5 học sinh đang học lớp 7. Đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc đến vụ tai nạn đó, người thân, thầy cô, bạn bè của các nạn nhân vẫn chưa thể nguôi ngoai. Bà Lê Thị Út (42 tuổi), mẹ của học sinh B.T.C.T (nạn nhân trong vụ chìm đò), nói: “Con tôi cùng các cháu khác không may bị chết đuối đã là nỗi đau quá lớn rồi, nay nhìn thấy các em học sinh tiếp tục đến trường bằng đò tôi càng thấy đau hơn. Chúng tôi tha thiết mong chính quyền địa phương đầu tư một con đường, đường đan, nhỏ cũng được để con em không còn cảnh lụy đò khi đến trường”.
Đã gần 6 năm trôi qua nhưng con đường người dân xã Ngọc Tố mong đợi vẫn chưa được thực hiện. Đầu năm học mới này, hàng trăm học sinh từ mẫu giáo đến THPT của xã vẫn phải lội sình trên đoạn đường gần 5 km để đến trường. Ngày mưa là thế nhưng khi trời nắng cũng vất vả không kém do đoạn đường liên ấp chạy dọc theo tuyến kênh Thạnh Mỹ đã bị sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt có đoạn đất bị lở xuống kênh gần hết. Em Huệ Nương, học sinh lớp 12A3 Trường THPT Ngọc Tố, cho biết đoạn đường từ nhà em đến trường dài hơn 4 km, những năm trước em hay đi học bằng xe đạp. Thời gian gần đây do con đường thường xuyên bị sạt lở và sình lầy nên em phải chuyển qua lội bộ. Nương kể cách đây hơn 1 tháng, xe máy của cha em chạy trên đường này đã hai lần lao xuống kênh. Nếu không đi đò, các em học sinh phải dậy thật sớm để đi bộ đến trường. Vất vả nhất là các cháu học mẫu giáo, những ngày mưa người thân phải cõng các cháu trên lưng. Rất nhiều phụ huynh không an tâm khi để con tự đi học trên đoạn đường này nên phải gác lại công ăn việc làm đưa đón con đi học hai buổi sáng, chiều.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lương Nghi Quân, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Ngọc Tố, cho biết: “Con đường mà người dân phản ánh hiện đang nằm trong quy hoạch mở tuyến đường huyện lộ. Do số dân sống dọc con đường này ít nên không thuộc diện ưu tiên của huyện mà phải chờ kinh phí của chương trình đầu tư quốc gia mới đáp ứng được”. Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở đây cho rằng trong khi chờ nguồn vốn đầu tư thì chính quyền xã và người dân nên hợp sức làm đường theo hướng xã hội hóa. Địa phương sẽ đầu tư một số vốn, người dân bỏ ra ngày công, các hộ khá giả thì đóng góp thêm tiền để trước mắt làm con đường bằng đan. Nếu cứ chờ đợi như hiện nay thì không biết đến bao giờ con em ở địa phương mới có thể đến trường trên con đường an toàn.
Thanh Phong - Huyền Trinh
>> Sinh viên trường luật tham gia làm đường nông thôn
>> Làm đường giao thông liên thôn
>> Hiến đất làm đường
>> Làm đường tạm thay thế cầu treo bị sập
Bình luận (0)