Cuộc biểu tình bắt đầu kể từ ngày 4.5 khi một số người phá vỡ hàng rào của cảnh sát bảo vệ khu mỏ Letpadaung do công ty Myanmar Wanbao quản lý, người dân trong khu vực nói với Reuters qua điện thoại.
Myanmar Wanbao là liên doanh giữa một hãng sản xuất vũ khí của Trung Quốc với công ty thuộc quân đội Myanmar là Myanmar Economic Holdings Ltd. Dân làng nói đất của họ đã bị tịch thu bất hợp pháp để mở rộng khu mỏ.
Hoạt động khai thác tại khu mỏ, nằm cách thành phố Mandalay khoảng 100 km về phía tây, đã bị đình chỉ sau khi các cuộc biểu tình xảy ra hồi năm 2012 và 2013. Cuộc biểu tình lớn này bị cảnh sát chống bạo động trấn áp, làm bị thương hơn 100 người. Sau đó bà Aung San Suu Kyi đã dẫn đầu một cuộc điều tra mà kết quả được đưa ra là quyết định đền bù cho người dân và yêu cầu công ty phải giảm thiểu thiệt hại về môi trường.
"Người Trung Quốc đã không làm gì trước nghĩa vụ của họ được đề cập trong báo cáo của dì Aung San Suu Kyi", Ma Mar Cho, một lãnh đạo của cuộc biểu tình nói với Reuters. Người dân Myanmar thường gọi bà Suu Kyi là dì một cách thân thiết.
Myanmar Wanbao không bình luận gì về vụ biểu tình ngày 6.5 khi được Reuters yêu cầu.
|
Một phát ngôn viên văn phòng của bà Suu Kyi, Ngoại trưởng kiêm cố vấn nhà nước Myanmar, cho biết chính phủ đang theo dõi tình hình và công ty Myanmar Wanbao có yêu cầu điều tra vụ chống đối của người dân.
Cuộc biểu tình hôm nay được xem là phép thử đầu tiên cho khả năng đối phó các vấn đề xã hội của chính phủ mới, Reuters nhận định. Nó sẽ làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ giữa đảng NLD của bà Suu Kyi và quân đội, lực lượng vẫn còn quyền lực và kiểm soát Myanmar.
Trung Quốc cũng đang theo dõi chính phủ mới của Myanmar sẽ xử lý các cuộc biểu tình như thế nào. Bắc Kinh đã cố hối thúc chính quyền Myanmar bảo đảm lợi ích kinh tế và cả quyền lợi chính trị của doanh nghiệp Trung Quốc kể từ khi đảng của bà Suu Kyi nắm quyền từ tháng 4.2016.
Bình luận (0)