Người dân ngồi kín sân chùa Phúc Khánh trong lễ Vu Lan báo hiếu

30/08/2023 07:28 GMT+7

Tối 29.8 (tức 14.7 âm lịch), hàng trăm người dân đổ về chùa Phúc Khánh (Q.Đống Đa, Hà Nội) làm lễ và tụng kinh, niệm Phật hướng về cội nguồn.

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, rằm tháng 7 là một trong những ngày rằm lớn nhất, cũng là dịp lễ Vu Lan báo hiếu.

Người dân ngồi kín sân chùa Phúc Khánh trong lễ Vu Lan báo hiếu - Ảnh 1.

Người dân ngồi kín sân chùa Phúc Khánh trong đêm Vu Lan

ĐÌNH HUY

Theo các sử liệu ghi chép, Mục Kiền Liên là người hiếu thảo với song thân. Sau khi được nhận làm đệ tử Đức Phật, ngài luôn tìm cách thuyết phục mẹ có niềm tin với tam bảo. Mẹ ngài không chấp nhận, bà không có niềm tin với tam bảo mà còn phỉ báng tam bảo bằng những suy nghĩ, hành động và lời nói sai trái.

Khi bà mất đi, ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông của mình thấy được mẹ rơi vào chốn ngạ quỷ ở cảnh giới địa ngục. Ngài đã đến gặp mẹ nhưng không có cách nào cứu bà khỏi ngạ quỷ nên ngài về gặp Đức Phật.

Khi đó, Đức Phật đã chỉ rằng, trong 3 tháng an cư kiết hạ, chư tăng có thêm công đức. Ngày tổ chức lễ tự tứ sau 3 tháng an cư, Mục Kiền Liên hãy mời chư tăng về nhà để dùng tâm thanh tịnh của mình hồi hướng công đức, gửi năng lượng tỉnh thức đến thân mẫu.

Vâng theo lời dạy Đức Phật, ngài đã mời chư tăng nhiều nơi hồi hướng công đức cho mẹ thoát khỏi chốn ngạ quỷ. Sử ghi chép lại, sau khi mẹ của Mục Kiền Liên chuyển đổi tâm thức thì bà đã thức tỉnh, thành tâm hướng về tam bảo sám hối và về cõi trời.

Từ đó đến nay hơn 2.500 năm đi qua, Phật giáo đi đến đâu là truyền thống về câu chuyện hiếu thảo của Mục Kiền Liên đi đến đó. Việt Nam đã đón nhận chân tình truyền thống này vì nguồn cội của người con Việt là đạo hiếu thảo, phụng thờ tổ tiên. Khi Phật giáo du nhập Việt Nam, tinh thần hiếu đạo của Phật giáo phù hợp với tinh thần dân tộc nên lễ Vu Lan giờ đây không còn là riêng của Phật giáo, mà là ngày lễ tri ân đấng sinh thành của cả dân tộc.

Người dân ngồi kín sân chùa Phúc Khánh trong lễ Vu Lan báo hiếu - Ảnh 2.

Mỗi người đều mang theo kinh Phật để đọc

ĐÌNH HUY

Theo ghi nhận của Thanh Niên vào tối 29.8 (tức 14.7 âm lịch), hàng trăm người dân đã đổ về chùa Phúc Khánh dâng hương, làm lễ và tụng kinh, niệm Phật cầu quốc thái dân an, siêu độ vong linh, gia đình an phúc tại lễ Vu Lan báo hiếu. Do lượng người quá đông, ban quản lý chùa phải hướng dẫn ngồi theo hàng để đảm bảo trật tự tại khu vực làm lễ.

Chị Nguyễn Diệu Linh (24 tuổi, trú Q.Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, những năm gần đây, chị giữ thói quen đến chùa Phúc Khánh dự lễ Vu Lan, thành kính hướng về cội nguồn.

"Khi đến đây, tôi thấy trong lòng thanh tịnh, nhẹ nhàng hơn. Không chỉ riêng tôi, mọi người đều kính cẩn chắp tay hành lễ theo tiếng tụng kinh của các thầy", chị Linh nói.

Ngồi vái vọng từ ngoài sân chùa, chị Trần Ngọc Hà (trú Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, do buổi tối đi làm về muộn nên khi tới chùa Phúc Khánh đã đông kín người, chị được hướng dẫn ngồi ở phía ngoài vái vọng.

"Tôi dâng hương cầu cho bố mẹ luôn khỏe mạnh, gia đình thuận hòa, bình an, may mắn", chị Hà chia sẻ.

Người dân ngồi kín sân chùa Phúc Khánh trong lễ Vu Lan báo hiếu - Ảnh 3.

Lễ Vu Lan giờ đây không còn là riêng của Phật giáo mà là ngày lễ tri ân đấng sinh thành của cả dân tộc

ĐÌNH HUY

Người dân ngồi kín sân chùa Phúc Khánh trong lễ Vu Lan báo hiếu - Ảnh 4.

Với nhiều người dân, việc đi dự lễ Vu Lan đã trở thành thói quen hàng năm

ĐÌNH HUY

Người dân ngồi kín sân chùa Phúc Khánh trong lễ Vu Lan báo hiếu - Ảnh 5.

Người dân thành kính làm lễ cùng tụng kinh, niệm Phật cầu quốc thái dân an, siêu độ vong linh, gia đình an phúc

ĐÌNH HUY

Không vào được trong chùa, nhiều người phải tranh thủ vái vọng bên ngoài

ĐÌNH HUY

Người dân ngồi kín sân chùa Phúc Khánh trong lễ Vu Lan báo hiếu - Ảnh 7.

Từ người già đến các bạn trẻ, ai cũng thành kính nhớ về cội nguồn

ĐÌNH HUY

Người dân ngồi kín sân chùa Phúc Khánh trong lễ Vu Lan báo hiếu - Ảnh 8.

Càng về đêm, người dân đổ về chùa càng đông

ĐÌNH HUY

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.