Người dân nói gì khi Q.Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập?

04/08/2023 10:13 GMT+7

Khi nhắc đến thông tin Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) thuộc diện phải sáp nhập trong 2 năm tới, nhiều người dân sinh ra và gắn bó với mảnh đất này đã chia sẻ những tâm tư của mình, đồng thời mong cơ quan chức năng cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng khi quyết định.

Kể từ ngày biết thông tin Q.Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập trong giai đoạn 2023 - 2025, bà Lê Thị Thuý Nga (62 tuổi) cảm thấy buồn dù biết việc này chỉ đang ở bước rà soát, chưa có phương án sắp xếp chính thức.

Người dân tâm tư khi Q.Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập - Ảnh 1.

Hồ Hoàn Kiếm (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một địa danh gắn liền với truyền thuyết vua Lê Lợi trả lại gươm cho rùa thần

NGUYỄN TRƯỜNG

Là người sinh ra, lớn lên và hiện vẫn sinh sống ở Q.Hoàn Kiếm, bà Nga cho rằng, mỗi một khu vực có một cách sống, văn hóa, yếu tố lịch sử khác nhau. "Tôi yêu mến mảnh đất này và rất tự hào về Liên khu 1 anh hùng. Từ hôm nghe tin quận thuộc diện phải sáp nhập, trong tôi có nhiều tâm tư lắm. Tôi nghĩ, Q.Hoàn Kiếm cần được giữ nguyên như hiện tại vì có nhiều yếu tố đặc thù, đừng nên sách vở quá khi căn cứ vào diện tích để sắp xếp đơn vị hành chính. Hãy giữ nguyên 4 quận lõi của Hà Nội là: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng", bà Nga bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Hiệp (ở Q.Hoàn Kiếm) chia sẻ, Hà Nội là trái tim của cả nước, còn Q.Hoàn Kiếm, trong đó có hồ Hươm, tháp Rùa… được ví như trái tim của thủ đô. Theo ông Hiệp, một trái tim khỏe không nhất thiết cứ phải thật to.

Quận Hoàn Kiếm thuộc diện sáp nhập: Người Hà Nội sợ 'rắc rối chuyện giấy tờ'

Ông Hiệp rất mong khi xem xét sáp nhập Q.Hoàn Kiếm thì các cấp có thẩm quyền sẽ cân nhắc thật thận trọng vì đây là vấn đề lớn, vấn đề hệ trọng. Khi thực hiện đề án sáp nhập cần lưu ý đến nguyện vọng, ý kiến của đông đảo người dân.

Dù chưa có phương án chính thức từ cơ quan có thẩm quyền nhưng một công dân (đề nghị ẩn danh) ở P.Tràng Tiền (Q.Hoàn Kiếm) vẫn lo ngại, nếu sáp nhập và cái tên Hoàn Kiếm bị mất đi.

"Từ bé tôi đã sống, gắn liền với 36 phố phường. Nói đến Hoàn Kiếm là nhớ đến 36 phố phường. Xóa Hoàn Kiếm là xóa đi 36 phố phường. Điều này khiến tôi cảm thấy buồn. Nếu có thể, hãy cứ giữ nguyên diện tích của Q.Hoàn Kiếm vì nếu mở rộng sẽ lấy đất của 3 quận lõi xung quanh. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa lịch sử, văn hóa của 3 quận kia", người dân nêu trên nói.

Người dân tâm tư khi Q.Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập - Ảnh 2.

Q.Hoàn Kiếm có rất nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa lâu đời, cũng là nơi thu hút du khách khi đến Hà Nội

NGUYỄN TRƯỜNG

Theo Cổng thông tin điện tử Q.Hoàn Kiếm, kết quả rà soát sơ bộ thể hiện, quận này thuộc diện phải sắp xếp đơn vị hành chính do chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên nhưng lại có các yếu tố thuộc các trường hợp không bắt buộc sắp xếp. Trong thời gian tới, trên cơ sở kết quả rà soát và phương án sắp xếp của Q.Hoàn Kiếm, UBND TP.Hà Nội sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo kết quả rà soát, Q.Hoàn Kiếm có diện tích tự nhiên hơn 5 km2 (quy định đối với cấp quận là 35 km2), không đáp ứng quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 nên thuộc diện phải sắp xếp theo Kết luận số 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xem nhanh 20h ngày 6.8: Bất an trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết | Người Hà Nội tâm tư về quận Hoàn Kiếm

Hoàn Kiếm là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của thủ đô, có 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích nổi tiếng, gồm: quần thể di tích hồ Gươm - đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, tháp Báo Thiên, đền vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Nhà thờ lớn Hà Nội, tượng đài Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội, chợ Đồng Xuân…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.