Doanh nghiệp giao hàng lãi lớn
Trong cuộc họp giao ban triển khai nhiệm vụ quý 2/2023 được Bộ TT-TT tổ chức mới đây, đại diện Công ty Giao hàng tiết kiệm cho biết: Hiện nền tảng hậu cần qua ứng dụng Giao hàng tiết kiệm (GHTK) App đang có hơn 3,5 triệu nhà cung cấp dịch vụ, bán hàng online trên khắp Việt Nam. Số lượng nhà bán hàng online hoạt động trên GHTK App đã tăng 127% trong giai đoạn 2019 - 2022. Song song đó, tổng giá trị hàng hóa được thực hiện trên GHTK App ước tính đạt tới 570.000 tỉ đồng, trong đó năm 2022 đạt tới 163.000 tỉ đồng. Tổng giá trị hàng hóa tăng mạnh mẽ qua các năm, ước tính tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2019 - 2022.
Nền tảng hậu cần GHTK App đã cán mốc hơn 1 tỉ đơn hàng. Đặc biệt giai đoạn 2019 - 2022, tổng sản lượng đã tăng gần gấp đôi chỉ trong 4 năm, đặc biệt tăng vọt trong năm 2020, tăng gần 100 triệu đơn so với năm 2019.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Sài Gòn Bay (TP.HCM), kinh doanh trong lĩnh vực chuyển phát cũng cho biết: "Tình hình tăng trưởng giao hàng qua mạng, giao hàng quốc tế đang tăng trưởng rất tốt. So với thời điểm sau dịch, nhu cầu giao hàng, chuyển phát nhanh, mua bán online, xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử quốc tế mỗi ngày một nhiều hơn. Bản thân công ty chúng tôi đang tăng trưởng khoảng 35% so với dịch. Nhu cầu khách hàng lớn, nhất là người Việt sinh sống tại nước ngoài như Mỹ, Úc, Canada… Bên cạnh đó, khách hàng lẻ, các công ty kinh doanh mua bán online cũng khá nhiều. Hiện nay, công ty chúng tôi đang phải tuyển dụng thêm nhân viên tài xế để đáp ứng nhu cầu giao nhận".
Bùng nổ mua sắm online ở nông thôn
Theo ông Phạm Hồng Quân - Tổng giám đốc Công ty Giao hàng tiết kiệm, người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ thói quen mua sắm qua mạng, nhưng đáng chú ý nhất là ở khu vực nông thôn. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang bùng nổ mạnh mẽ ở khu vực này, đặc biệt là trên các kênh thương mại mạng xã hội, cho thấy người dùng mua sắm đa kênh và đang có xu hướng yêu thích hình thức mua sắm online kết hợp giải trí.
Ông Phạm Hồng Quân dẫn chứng: Trong giai đoạn bùng nổ thương mại điện tử từ năm 2019 - 2022, số lượng người mua sắm online tăng trưởng nhanh, dẫn tới tổng sản lượng đơn hàng và tổng giá trị hàng hóa của thị trường nông thôn đều tăng mạnh mẽ hơn so với thành thị. Cụ thể, năm 2022, người mua sắm online ở nông thôn tăng vọt tới 200% so với năm 2019, trong khi khu vực thành thị tăng hơn 30% trong cùng kỳ. Tổng sản lượng đơn hàng khu vực nông thôn cũng đã tăng 147% so với năm 2019, trong khi tổng sản lượng đơn hàng khu vực thành thị tăng 36% trong cùng kỳ. Tổng giá trị hàng hóa khu vực nông thôn tăng 2,7 lần so với năm 2019, trong khi tổng giá trị hàng hóa khu vực thành thị tăng gấp đôi trong cùng kỳ.
Theo báo cáo của Facebook và GroupM Việt Nam, có tới 91% người dân nông thôn sử dụng Internet, trong đó 46% người tiêu dùng nông thôn đã mua hàng online, cho thấy người tiêu dùng ở nông thôn rất thành thạo sử dụng điện thoại di động thông minh và dịch vụ kỹ thuật số. Như vậy, xu hướng ngày càng gia tăng người tiêu dùng kỹ thuật số ở khu vực nông thôn và đây là khu vực tiềm năng cả về số lượng và sức mua, là dư địa để thúc đẩy thương mại điện tử và mở rộng phát triển kinh tế số.
Nhiều chuyên gia dự báo, sự bùng nổ của mạng xã hội và các kênh truyền thông giúp người tiêu dùng ở nông thôn dần tiếp cận thông tin và yêu cầu chất lượng sản phẩm cao hơn và thị trường này còn rất rộng lớn để khai thác. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng online sẽ luôn đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao hơn, chủ động hơn trong việc được lựa chọn quyền mua, quyền được phục vụ… so với các giao dịch mua bán truyền thống. Do vậy, những nhà bán hàng online cần đầu tư vào chất lượng sản phẩm thay vì kiểu "ăn xổi ở thì" phục vụ lợi ích trước mắt.
Bình luận (0)